Tại khu vực gần nhà giữ xe sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM) thời gian gần đây xuất hiện một nhóm tài xế xe ôm giả Grab, hoạt động bát nháo, “chặt chém” khách hàng...
Qua tìm hiểu của PV Thanh Niên, đây là nhóm xe ôm truyền thống móc nối với các tài xế từng chạy Grab nhưng bị công ty cắt tài khoản để giả làm GrabBike. Chiêu thức mà nhóm này dùng là khi bắt khách, mở ứng dụng thì nhanh tay thay đổi địa điểm xuất phát xa hơn để báo giá trên trời.
Hét giá gấp 3 lần
Khoảng 15 giờ ngày 12.10, trong vai hành khách, PV Thanh Niên đi bộ từ trong nhà ga sân bay ra đường Trường Sơn (P.2, Q.Tân Bình). Vừa ra khỏi bãi giữ xe của sân bay thì có cả chục người mặc đồng phục màu xanh lá cây in chữ Grab đứng mời chào.
Một người đàn ông hơn 50 tuổi sáp tới: "Grab đây. Em đi đâu, anh chở đi?". "Đi đến cầu Chu Văn An, Bình Thạnh", nghe khách trả lời, người này không lấy điện thoại mở ứng dụng mà báo giá “60.000 đồng, anh chở em đi luôn, khỏi xem ứng dụng mất công tốn 20% cho công ty". Khách không đồng ý và muốn mở ứng dụng để xem giá thì được dẫn đến gặp một người đàn ông khác mặc đồ thường, tay cầm mũ bảo hiểm của Grab. Ông này rút điện thoại mở ứng dụng và gõ điểm đến là "cầu Chu Văn An", nhưng chọn điểm xuất phát là... Bến xe Miền Tây. Ứng dụng Grab hiện lên 68.000 đồng và ông ta quay sang nói: "Thấy chưa. Tới 68.000 đồng lận. Ổng đi 60.000 là rẻ rồi", sau đó bỏ ngay điện thoại vào túi quần, không cho khách kiểm tra.
Thấy mấy xe ôm làm giá với khách, một chú khoảng 70 tuổi đứng chờ đón người thân ở gần đó can thiệp: “Từ đây xuống đường Chu Văn An có mấy ki lô mét mà mấy ông lấy tới 68.000 đồng. Mấy ông lấy cháu nó 27.000 - 30.000 đồng là được rồi. Nhà tôi ở đường Chu Văn An luôn nè. Bữa tôi cũng đi Grab từ sân bay về đó có 25.000 đồng thôi”. Nghe vậy, chúng tôi chê giá cao và quay đi tìm tài xế khác thì người đàn ông mặc áo Grab chạy theo kì kèo: "Thôi 50.000 đồng cũng được!".
Dời đi chỉ vài nước, một thanh niên khoảng 30 tuổi, mặc áo khoác của Grab nhào tới: "Anh đi đâu, em chở đi?". Điểm đến vẫn là cầu Chu Văn An nhưng ứng dụng trong điện thoại của anh này báo giá tới... 73.000 đồng. Thấy chúng tôi lắc đầu không đi, anh ta “bán” khách lại cho một xe ôm truyền thống lớn tuổi đợi sẵn ở gần đó.
Trước đó, khoảng 10 giờ 40 ngày 11.10, chúng tôi vừa đi từ nhà giữ xe sân bay ra ngoài, lập tức một thanh niên cao lớn tay cầm điện thoại, tay ôm mũ và áo Grab nhảy bổ tới: “Grab đây anh. Anh trai đi đâu, em chở đi?”. Với điểm đến là Học viện Cán bộ TP.HCM ở đường Chu Văn An (P.12, Q.Bình Thạnh), người thanh niên này “mở ứng dụng Grab” và báo giá 76.000 đồng (thực tế cuốc xe này trên ứng dụng Grab báo giá chỉ 28.000 - 30.000 đồng).
Chúng tôi chê giá quá chát thì anh ta nói: “Trời ơi. Qua Bình Thạnh có gần đâu. Công ty báo giá sao, em tính lại với anh vậy, chứ có hét giá đâu”, rồi đưa điện thoại cho khách xem giá tiền. Tuy nhiên, khi khách chưa kịp xem điểm bắt khách và điểm dừng, anh ta liền chuyển qua chế độ chọn phương tiện xe di chuyển.
Xe ôm giả Grab hét từ sân bay Tân Sơn Nhất về cầu Chu Văn An (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) giá 68.000 đồng |
Lúc 16 giờ 30 cùng ngày, thấy chúng tôi đứng lớ ngớ trước bãi giữ xe sân bay, một thanh niên đội mũ Grab đến chào mời. Nghe khách muốn về Cầu Đỏ (đường Nguyễn Xí, Q.Bình Thạnh), người này mở điện thoại “dò” rồi báo giá… 90.000 đồng (trong khi với ứng dụng Grab thật thì cuốc xe trên giá từ 25.000 - 28.000 đồng). Thấy khách cau mày chê giá cao, người này đưa điện thoại lên và lớn tiếng: “Nè. Công ty báo giá 95.000 đồng nhưng anh lấy em 90.000 đồng thôi đó. Giờ đang giờ cao điểm nên giá cao là phải thôi”. Khách từ chối, quay đi liền nhận ngay tiếng chửi thề sau lưng!
“Tụi nó có bảo kê”
Theo tìm hiểu của PV, mỗi ngày khi nhóm xe ôm Grab giả này bắt khách sẽ có một người cầm sổ ghi chép cẩn thận tuyến đường, giá tiền từng cuốc xe. Sau đó, đến giờ sẽ có người đến thu tiền % trên tổng số tiền mà nhóm xe ôm trên chạy được trong ngày.
Một người có thâm niên hành nghề xe ôm ở khu vực sân bay Tân Sơn Nhất cho biết: “Tụi nó hoạt động có bảo kê, băng nhóm hết cả. Chú chạy xe ôm ở đây lâu năm nên tụi nó cũng nể chút, chứ người lạ vào là bị đánh liền. Tụi nó là giang hồ không à”. Trong khi đó, một thanh niên xung phong đứng điều tiết ở bãi giữ xe sân bay chỉ tay về khu vực dành cho người dân đứng chờ thân nhân, nói: “Bên đó có người “bao” bãi. Xe Grab chỉ được đưa khách vào rồi ra thôi, đón khách là có chuyện ngay. Lâu lâu mấy tài xế Grab lén đón khách mà tụi nó thấy là “bụp” liền. Mình đứng đây chỉ biết can thôi”.
“Chặt chém” khách nước ngoài Ngày 11.10, một tài khoản Facebook đăng tải đoạn clip, hình ảnh về tài xế Grab “chặt chém” khách nước ngoài ở sân bay Tân Sơn Nhất. Theo đó, một vị khách vừa ra khỏi sân bay liền đặt ứng dụng GrabBike và được báo giá 19.000 đồng. Trong lúc người này đứng chờ xe tới, một tài xế mặc áo Grab chờ đến chở vị khách đi. Đến nơi, tài xế yêu cầu khách đưa 100.000 đồng. Khi người dân gần đó phát hiện, can thiệp liền bị anh ta lớn tiếng, hăm dọa. Qua tìm hiểu của PV Thanh Niên, tài xế trong đoạn clip là giả và là thành viên trong nhóm xe ôm mà chúng tôi phản ánh ở trên. Anh này trước đây là đối tác của Grab nhưng đã bị cắt tài khoản vĩnh viễn. |
Trong những ngày qua, bến xe An Sương (xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn, TP HCM) bỗng trở thành tụ điểm nóng khi có hàng ... |
Chỉ có duy nhất một biện pháp đó chính là khai thuật tử thi, xét nghiệm thì mới có thể có đáp án cho những ... |
Tài xế GrabBike đình công phản đối mức chiết khấu mới Nhiều tài xế GrabBike đã đình công, đặt chuyến đi ảo trong hai ngày gần đây để phản đối quy định tăng chiết khấu lên ... |
http://thanhnien.vn/thoi-su/grabbike-gia-long-hanh-o-san-bay-891568.html
Ngày đăng: 10:02 | 19/10/2017
/ Thanh niên