Quy định không có nợ xấu tại thời điểm đề nghị vay vốn đang làm khó các doanh nghiệp khi tiếp cận gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng.
Đại dịch COVID-19 kéo dài khiến hàng trăm nghìn lao động mất việc làm, hàng triệu người phải tạm nghỉ, giãn việc, giảm thu nhập. Trong bối cảnh này, Chính phủ thông qua gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng, góp phần giảm thiểu những tác động của đại dịch.
Vẫn nhiều "sạn"
Tuy đồng tình, ủng hộ gói hỗ trợ mới nhưng các chuyên gia cũng thẳng thắn chỉ rõ nhiều bất cập khiến chính sách mới chưa thực sự thu hút giới kinh doanh.
Điều khiến nhiều chuyên gia băn khoăn nhất ở gói hỗ trợ lần này đó là điều kiện vẫn chưa thực sự linh hoạt, còn cứng nhắc. Việc phải chống chọi với dịch bệnh COVID-19 trong suốt gần 2 năm qua đã khiến phần lớn doanh nghiệp vướng vào những khoản vay khó trả, nợ cũ chồng nợ mới. Trong khi đó, điều kiện doanh nghiệp có thể vay vốn lãi suất 0% từ Ngân hàng chính sách xã hội để trả lương ngừng việc, phục hồi sản xuất là phải không có nợ xấu tại thời điểm đề nghị vay vốn.
"Không nợ xấu mới được vay thì quá khó. Tiêu chí này liệu có nhiều doanh nghiệp đáp ứng được không? Những doanh nghiệp không thể trả nợ chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ, nguồn vốn mỏng. Và đấy cũng lại chính là đối tượng cần ưu tiên hỗ trợ. Nhưng họ lại đang gặp vật cản khi tiếp cận nguồn hỗ trợ", một chuyên gia đặt vấn đề.
Các doanh nghiệp nhỏ đang rất mong nhận được sự hỗ trợ trước những ảnh hưởng của dịch COVID-19. |
Bà Phạm Chi Lan băn khoăn: "Gói hỗ trợ mới tuy đã cố gắng cải thiện về thủ tục, có nhanh nhưng vẫn chưa đủ so với sự cấp bách của nền kinh tế, sự lây lan của dịch bệnh". Bà cho rằng cần quyết liệt hơn, thậm chí có thể chấp nhận sự nhầm lẫn về đối tượng vì theo bà giữa thời điểm này, khi mà doanh nghiệp nào cũng rất khó khăn thì thà "thỗ trợ nhầm còn hơn bỏ sót".
“Chỉ cần tuyên bố rõ ràng rằng nếu doanh nghiệp nào không nằm trong diện được hỗ trợ mà cố tình nhận sẽ chịu trách nhiệm trước pháp luật thì chắc chắn sẽ kiểm soát được sự trục lợi”, bà Lan nói.
TS. Cấn Văn Lực cũng băn khoăn về nguy cơ tắc nghẽn, khó giải ngân như kỳ vọng do các thủ tục đều được thực hiện theo hình thức giấy tờ vốn rườm rà và phức tạp.
Ngoài ra, theo các chuyên gia, không phải doanh nghiệp nào cũng nắm được thông tin về gói cứu trợ mới. Thực tế, nhiều doanh nghiệp khẳng định không biết gì về gói 62.000 tỷ đồng trước kia. Nếu không có bộ phận hỗ trợ, hướng dẫn thì doanh nghiệp sẽ mất rất nhiều thời gian để tìm hiểu, tiếp cận, từ đó nhanh cũng hóa chậm. Do vậy, rất cần sự minh bạch thông tin với mọi đối tượng thụ hưởng, trong đó có doanh nghiệp.
Ông Lực đề xuất phải nhân cơ hội này để ứng dụng triệt để công nghệ thông tin. Với mỗi gói hỗ trợ nên cung cấp kèm theo một nền tảng về công nghệ. Trên đó có thông tin hướng dẫn, giải đáp thắc mắc, có diễn đàn. Thậm chí có thể đăng ký, khai báo. Việc này sẽ hình thành một cơ sở dữ liệu tuyệt vời để sử dụng không chỉ cho lần này mà còn cả những lần khác, cho nhiều việc khác.
Trong khi đó, theo TS. Võ Trí Thành "gói hỗ trợ dù có tiến bộ đến mấy nhưng đối tượng khó tiếp cận thì cũng không thể hiệu quả cao".
Hỗ trợ doanh nghiệp bằng cách khoanh nợ sẽ tác động rất lớn cho hoạt động của doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp trụ lại được trên thị trường
Phân tích về việc khoảng 7.500 tỷ đồng sẽ dành cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh trong gói 26.000 tỷ đồng, các chuyên gia cho rằng chủ yếu mang tính động viên, không tác động lớn đến nguồn thu - khoản đói kém nhất của doanh nghiệp, tiểu thương vào thời điểm này. Do đó, gói quan trọng nhất mà doanh nghiệp kỳ vọng đó là gói hỗ trợ về lãi suất để tăng cường vốn, tăng dòng tiền, "bơm" thêm vốn cho doanh nghiệp để vượt qua giai đoạn khó khăn. Hầu hết doanh nghiệp khi được hỏi cũng đều bày tỏ mong muốn lúc này là khoanh nợ cũ
"Dịch bệnh bùng phát bất ngờ nên dòng tiền để trả nợ cũ tại thời điểm này chưa đảm bảo, nếu hỗ trợ doanh nghiệp bằng cách khoanh nợ sẽ tác động rất lớn cho hoạt động của doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp trụ lại được trên thị trường", một chuyên gia khẳng định.
Theo bà Phạm Chi Lan, đây là đề xuất chính đáng bởi doanh nghiệp là đối tượng trực tiếp hoạt động, chính họ sẽ hiểu rõ khó khăn của mình nhất và trong lúc khó khăn chồng chất, doanh nghiệp đề xuất thì nên đáp ứng.
Ngoài ra, bà Lan cho rằng để xây dựng một gói hỗ trợ thực sự hiệu quả, đánh trúng nguyện vọng doanh nghiệp, cơ quan chức năng cần dựa vào kết quả chi tiết từ những khảo sát, nghiên cứu của các tổ chức đại diện cho doanh nghiệp như VCCI, các viện nghiên cứu trong và ngoài nước để nắm bắt, đưa ra phương án hỗ trợ tốt nhất cho doanh nghiệp.
Cắt tối đa thủ tục
Điểm mới nhất và được kỳ vọng nhiều nhất của gói hỗ trợ này so với gói 62.000 tỷ đồng trước kia đó là mở rộng đối tượng thụ hưởng và tinh giản các thủ tục, điều kiện để việc triển khai đơn giản nhất.
Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung khẳng định, chưa bao giờ có gói hỗ trợ, tài trợ nào mạnh tay như lần này vì mục đích hỗ trợ người lao động và chủ sử dụng lao động.
Gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng dành một phần để hỗ trợ doanh nghiệp, hộ kinh doanh. (Ảnh minh họa: Thời báo Tài chính) |
Người đứng đầu ngành lao động, thương binh và xã hội nhấn mạnh: “Chính phủ đã tổng hợp toàn bộ chủ trương, thủ tục hành chính, những điều kiện để bắt đầu từ ngày 8/7 doanh nghiệp có thể vay vốn. Ngân hàng Chính sách xã hội triển khai toàn bộ hệ thống của mình. Doanh nghiệp tiếp cận chủ trương nhanh bao nhiêu thì được hưởng chính sách nhanh bấy nhiêu”.
Theo ông Dung, nếu gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng có thời gian giải quyết thủ tục cho người sử dụng lao động vay trả lương ngừng việc có thể lên tới 1 tháng 10 ngày thì thời gian tối đa giải quyết thủ tục của gói mới chỉ còn 7 ngày, gồm 4 ngày tiếp nhận, giải quyết hồ sơ và 3 ngày giải ngân tái cấp vốn.
“Chậm nhất sau 7 đến 10 ngày kể từ khi nhận hồ sơ đề nghị được hỗ trợ, các cơ quan chức năng phải thực hiện chính sách hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.
Những đổi mới trong gói an sinh 26.000 tỷ đồng được các chuyên gia kinh tế đánh giá cao. Tiến sĩ Võ Trí Thành nhận định gói hỗ trợ này mang ý nghĩa nhân văn rất lớn, đó là đảm bảo an sinh xã hội và giúp doanh nghiệp giữ chân người lao động tiếp tục làm việc hoặc sẵn sàng quay trở lại làm việc khi dịch bệnh lắng xuống. Điều này giúp doanh nghiệp chống chọi với thách thức thiếu nhân lực trầm trọng sau mỗi đợt cắt giảm.
Đồng tình quan điểm trên, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng giúp doanh nghiệp vượt qua bão COVID-19 cũng chính là hỗ trợ nền kinh tế vượt qua khủng hoảng. "Hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động là những biện pháp mang tính tác động về kinh tế. Doanh nghiệp sống khoẻ, người lao động có thu nhập thì mới có nguồn tiền nộp thuế, đóng góp vào sự phát triển chung của cả nền kinh tế. Cho nên đây cũng là một cách hỗ trợ kinh tế rất thiết thực", bà Lan diễn giải.
CÔNG HIẾU
Gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng: Vì sao doanh nghiệp không kỳ vọng? |
Mỹ cử nhóm điều tra đến hỗ trợ Haiti |
60.000 lao động tự do và bán vé số dạo tại TP Hồ Chí Minh đã được hỗ trợ |
Ngày đăng: 08:43 | 14/07/2021
/ vtc.vn