Loạt tài liệu bí mật bị rò rỉ đã tiết lộ về cách gã khổng lồ taxi công nghệ Uber lách luật, lừa dối cơ quan chức năng cũng như cảnh sát, lợi dụng bạo lực và bí mật vận động chính phủ để mở rộng quy mô.

Chiến lược không mấy trong sạch

Hồ sơ bao gồm các hoạt động của Uber trên 40 quốc gia trong thời kỳ mà công ty trở thành một gã khổng lồ toàn cầu, đưa dịch vụ gọi taxi tư nhân qua ứng dụng của mình đến nhiều thành phố mà công ty vẫn hoạt động cho đến ngày nay.

Góc khuất của Uber -0
Hồ sơ Uber tạo ra nhiều chấn động trong dư luận.

Uber hiện có giá trị 43 tỷ USD, nhận khoảng 19 triệu lượt khách mỗi ngày. Uber đã trợ giá rất nhiều cho chuyến đi, thu hút tài xế và hành khách sử dụng ứng dụng bằng các ưu đãi và mô hình định giá không bền vững. Công ty đã thúc đẩy thu hẹp thị trường taxi truyền thống và việc gây áp lực lên các chính phủ nhằm viết lại luật để giúp mở đường cho mô hình làm việc dựa trên ứng dụng, kinh tế hợp đồng đã phổ biến trên toàn thế giới.

Trong một nỗ lực dập tắt phản ứng dữ dội chống lại công ty và cố thay đổi luật taxi và lao động, Uber đã lên kế hoạch chi 90 triệu USD bất thường vào năm 2016 để vận động hành lang và quan hệ công chúng, một tài liệu cho thấy. Chiến lược của hãng thường là cố tiếp cận lãnh đạo thành phố và quan chức ngành vận tải, và sau đó là lãnh đạo cấp cao của các quốc gia.

Vụ rò rỉ cũng chứa các tin nhắn giữa Kalanick - người  sáng lập Uber - và Emmanuel Macron, người đã bí mật giúp đỡ công ty này ở Pháp khi ông còn là Bộ trưởng Kinh tế, cho phép Uber tiếp cận thường xuyên và trực tiếp với ông và nhân viên của ông. Ông Macron, hiện là Tổng thống Pháp, dường như đã dùng rất nhiều thời gian để giúp Uber.

Khi cảnh sát Pháp vào năm 2015 ra lệnh cấm một trong những dịch vụ của Uber ở Marseille, Mark MacGann, người vận động hành lang chính của Uber tại châu Âu, Trung Đông và châu Phi, đã cầu cứu đồng minh của Uber trong nội các Pháp.

Sau khi Thủ tướng Đức Olaf Scholz, khi đó là Thị trưởng Hamburg, chống lại những người vận động hành lang của Uber, một giám đốc điều hành đã chế giễu với các đồng nghiệp rằng ông Scholz là “một diễn viên hài thực sự”.

Khi Phó tổng thống Mỹ lúc bấy giờ, ông Joe Biden, một người ủng hộ Uber vào thời điểm đó, đến muộn trong cuộc họp với công ty tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos, Kalanick đã nhắn tin cho một đồng nghiệp: “Tôi đã nhờ người của tôi nói với ông ta rằng mỗi phút ông ta đến muộn, thời gian ông ta được nói chuyện với tôi vơi thêm một phút”.

Góc khuất của Uber -0
Nhiều email, tin nhắn của ban lãnh đạo Uber bị lộ.

Sau khi gặp Kalanick, ông Biden dường như đã sửa đổi bài phát biểu đã chuẩn bị trước của mình tại Davos để đề cập đến một giám đốc điều hành mà công ty của người này sẽ cho hàng triệu công nhân “tự do làm việc bao nhiêu giờ tùy thích, tự quản lý cuộc sống của họ như họ muốn”.

Ngoài cuộc gặp với ông Biden tại Davos, ban lãnh đạo Uber đã gặp mặt trực tiếp ông Macron, Thủ tướng Ireland Enda Kenny, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và George Osborne, Thủ tướng Anh vào thời điểm đó. Một ghi chú từ cuộc họp miêu tả ông Osborne là một "người ủng hộ mạnh mẽ".

Trong một tuyên bố, ông Osborne cho biết chính sách rõ ràng của chính phủ vào thời điểm đó là gặp gỡ các công ty công nghệ toàn cầu và “thuyết phục họ đầu tư vào Anh và tạo việc làm tại đây”. Dù cuộc gặp tại Davos với ông Osborne được công bố, dữ liệu cho thấy 6 bộ trưởng trong nội các Anh đã có các cuộc họp với Uber không công khai.

Tài liệu cho thấy Uber rất thành thạo trong việc tìm kiếm các con đường không chính thức để gây ảnh hưởng, thông qua bạn bè hoặc người trung gian, hoặc tìm cách gặp gỡ không chính thức với các chính trị gia, mà tại đó không có mặt trợ lý và quan chức của họ.

Công ty đã tranh thủ được sự ủng hộ của những nhân vật quyền lực ở Nga, Italy và Đức bằng cách cung cấp cho họ cổ phần tài chính và biến họ thành "nhà đầu tư chiến lược". Và trong nỗ lực định hình các cuộc tranh luận về chính sách, họ đã trả cho nhiều học giả nổi tiếng hàng trăm nghìn USD để làm nghiên cứu ủng hộ tuyên bố của công ty về lợi ích của mô hình kinh tế của mình.

Góc khuất của Uber -0
Travis Kalanick, người sáng lập Uber.

Biến tài xế thành vũ khí của mình

Dù có hoạt động vận động hành lang được tài trợ đầy đủ và ổn định, những nỗ lực của Uber đã mang lại kết quả khác nhau. Ở một số nơi, Uber đã thành công thuyết phục chính phủ viết lại luật, với hiệu quả lâu dài. Nhưng ở những nơi khác, họ vấp phải sự phản đối của ngành taxi truyền thống hoặc các chính trị gia cánh tả. Khi đó, Uber đã tìm cách biến chính những phản đối đó thành lợi thế của mình.

Khi Uber ra mắt khắp Ấn Độ, giám đốc điều hành hàng đầu của Uber tại châu Á đã kêu gọi các cấp quản lý tiếp tục tập trung thúc đẩy tăng trưởng, ngay cả khi “lửa bắt đầu bùng cháy”. “Hãy biết rằng đây là một phần bình thường trong hoạt động kinh doanh của Uber. Nắm chặt lấy sự hỗn loạn. Điều này nghĩa là bạn đang làm điều có ý nghĩa”.

Kalanick dường như đã đưa “châm ngôn” đó vào thực tế hồi tháng 1-2016, khi Uber cố tăng thị phần ở châu Âu và đã dẫn đến các cuộc biểu tình giận dữ ở Bỉ, Tây Ban Nha, Italy và Pháp từ tài xế taxi truyền thống.

Khi biểu tình và bạo loạn nổ ra ở Paris, Kalanick đã ra lệnh cho ban lãnh đạo công ty ở Pháp kêu gọi tài xế Uber biểu tình phản đối ngược lại. Ban lãnh đạo chi nhánh ở Pháp khi đó đã cảnh báo rằng điều này có thể khiến tài xế Uber có nguy cơ bị “những kẻ côn đồ cực đoan” thâm nhập trong các cuộc biểu tình taxi tấn công. Tuy nhiên, Kalanick trả lời: “Tôi nghĩ điều đó rất đáng giá. Bạo lực đảm bảo thành công. Chúng ta phải chống lại những kẻ này, không phải sao? Nhưng cần phải suy tính địa điểm và thời gian thích hợp”.

Một cựu giám đốc điều hành cấp cao của Uber tiết lộ với Guardian rằng đây được gọi là chiến lược "vũ khí hóa" tài xế, khai thác bạo lực chống lại họ để "giữ lửa cho cuộc tranh cãi". Các email bị rò rỉ cho thấy thủ đoạn này đã được lặp lại ở Italy, Bỉ, Tây Ban Nha, Thụy Sĩ và Hà Lan.

Khi những người đàn ông đeo mặt nạ, được cho là tài xế taxi truyền thống đang tức giận, sử dụng các dụng cụ kim loại để đánh tài xế Uber ở Amsterdam vào tháng 3-2015, Uber đã khuyến khích tài xế của mình báo cảnh sát hàng loạt, từ đó gây áp lực nhằm giành được sự nhượng bộ từ chính phủ Hà Lan.

Một người quản lý viết trong email bị rò rỉ: “Chúng ta sẽ có mặt trên trang nhất vào ngày mai mà chẳng cần dính dấu vân tay nào cả. Chúng ta sẽ đẩy các câu chuyện về bạo lực trong vài ngày, trước khi đưa ra giải pháp”.

Người phát ngôn của Kalanick đã đặt câu hỏi về tính xác thực của một số tài liệu. Cô cho biết, Kalanick "không bao giờ đề xuất rằng Uber nên lợi dụng bạo lực, vì cái giá sẽ là sự an toàn của tài xế", và bất kỳ gợi ý nào cho rằng ông tham gia vào hoạt động đó là “hoàn toàn sai”.

Người phát ngôn của Uber cũng thừa nhận những sai lầm trong quá khứ trong cách đối xử của công ty với các tài xế nhưng cho biết không ai, kể cả Kalanick, muốn tài xế Uber hứng chịu bạo lực.

Luật pháp có thay đổi vì những công ty công nghệ?

Trong nhiều năm, những CEO ở Thung lũng Silicon luôn cố “ru ngủ” truyền thông rằng công nghệ của họ đang biến thế giới trở thành một nơi tốt đẹp hơn về lâu dài. CEO Mark Zuckerberg biện minh cho việc quản lý dữ liệu lỏng lẻo của Facebook trước cơ quan chức năng rằng công ty đang hoàn thành sứ mệnh toàn cầu là “kết nối mọi người”. Nhưng sau khi vụ bê bối năm 2021 nổ ra, hóa ra Facebook đã làm nhiều thứ để phân cực mọi người hơn là kết nối họ.

Hay như hứa hẹn ban đầu về công nghệ đi xe chung của Uber sẽ giúp cho việc đi lại dễ dàng hơn đối với nhiều người dân thành phố, giảm thiểu xe cá nhân để tốt cho môi trường. Nhưng mục tiêu đó đang bắt đầu bị mai một trong bối cảnh giá các cuốc xe tăng chóng mặt, trong khi nhiều nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng các dịch vụ đặt xe như Uber làm tăng lượng xe quyền sở hữu ở Mỹ - đặc biệt là ở 9 thành phố có nhiều phương tiện giao thông, nơi Uber đã thực hiện 70% hoạt động kinh doanh trong những năm đầu thành lập.

Nhìn chung, các Big Tech có thể thoát khỏi việc phá vỡ các quy tắc trong nhiều năm vì ngay từ đầu đã có quá ít hạn chế đối với thị trường kỹ thuật số. Đó là lý do tại sao các luật sư của Uber và Facebook lập luận rằng họ là công ty công nghệ, không phải tuân theo luật quản lý các hãng taxi hoặc truyền thông. Nhưng điều này đang dần thay đổi. Các quan chức chống độc quyền của các nước đã cập nhật hướng dẫn của họ nhằm đối phó tốt hơn với sự phức tạp của thời đại kỹ thuật số.

Sau khi Nhật Bản, Ấn Độ… đã sớm cập nhật các điều khoản trực tuyến, các quan chức chống độc quyền tại Mỹ và EU cũng đang ngày càng cứng rắn hơn đối với các giao dịch công nghệ, điển hình như việc đảo ngược thương vụ mua lại Facebook sau khi thừa nhận rằng họ đã cho phép những “gã khổng lồ” như Meta Platforms Inc. và Alphabet Inc. “nuốt” quá nhiều đối thủ một cách không lành mạnh. Các nhà lập pháp Washington ở cả hai cánh cũng đang cố gắng chế ngự các chiến thuật tăng trưởng tiêu cực của Big Tech bằng các điều luật cứng rắn hơn - được thúc đẩy bởi những tiết lộ từ người tố giác Facebook Frances Haugen vào năm ngoái.

Với những cáo buộc trong Hồ sơ Uber lúc này, càng thêm chắc chắn rằng các doanh nhân công nghệ thích coi thường quy tắc, cũng là những người thường xin sự tha thứ sau mọi vụ vỡ lở thay vì sự cho phép từ ban đầu của luật pháp, cần nhận được những hình phạt thích đáng.

https://antg.cand.com.vn/Ho-so-mat/goc-khuat-cua-uber-i661198/

Ngày đăng: 08:39 | 22/07/2022

Đỗ Tiến / antg.cand.com.vn