Hàng loạt khó khăn, vướng mắc đã khiến các dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh bị chậm tiến độ. Đến thời điểm này, các cơ quan liên quan của hai thành phố đều đang nỗ lực triển khai giải pháp khắc phục. Lãnh đạo Bộ Giao thông - Vận tải khẳng định sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, địa phương kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ các địa phương trong quá trình triển khai để sớm đưa các dự án vào vận hành, khai thác.

20
Công trường thi công Dự án Đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội đang bỏ hoang. Ảnh: Tuấn Lương

Các dự án đều chậm tiến độ

Dự án Đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Nhổn - ga Hà Nội do UBND thành phố Hà Nội quyết định đầu tư được động thổ từ năm 2008. Quy mô chiều dài tuyến là 12,5km (8,5km đi trên cao và 4km đi ngầm), 8 nhà ga trên cao và 4 ga ngầm, 1 khu depot. Dù đã qua hơn một thập niên triển khai nhưng dự án này đã nhiều lần bị “vỡ” tiến độ. Đến nay, dự án mới đạt 74,4% khối lượng công việc, trong đó đoạn trên cao đạt 95,1%, đoạn ngầm đạt 33%.

Phó Trưởng ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội (MRB) Lê Trung Hiếu cho biết, có 5 nhóm vướng mắc, khó khăn chính khiến dự án bị chậm. Thứ nhất là do ảnh hưởng của dịch Covid-19 làm gián đoạn sản xuất, nhập khẩu thiết bị và huy động chuyên gia từ châu Âu. Thứ hai, chậm trễ, vướng mắc về giải phóng mặt bằng và di dời hạ tầng kỹ thuật. Điển hình có những gói thầu chậm bàn giao mặt bằng 5-6 năm so với kế hoạch. Thứ ba, việc gia hạn thời gian hợp đồng và bổ sung chi phí do việc kéo dài thời gian dẫn đến các tranh chấp với nhà thầu quốc tế. Thứ tư, vướng mắc liên quan đến điều chỉnh hợp đồng với Tư vấn Systra (hợp đồng trọn gói). Thứ năm, các vướng mắc liên quan đến quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy định về định mức, đơn giá, giá vật tư, thiết bị chuyên ngành đường sắt đô thị.

Cũng trên địa bàn Hà Nội, Dự án Đường sắt đô thị Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo cũng đang bị chậm tiến độ và phải làm thủ tục điều chỉnh tổng mức đầu tư. Ngoài vướng mắc về giải phóng mặt bằng, việc phê duyệt điều chỉnh dự án và quy hoạch tổng mặt bằng ga ngầm C9 do liên quan đến vùng bảo vệ hồ Hoàn Kiếm mất khá nhiều thời gian.

Tương tự, Dự án Đường sắt đô thị thành phố Hồ Chí Minh tuyến Bến Thành - Suối Tiên có thời gian thực hiện từ năm 2007 đến 2021. Tuy nhiên tiến độ dự án đến nay đạt 90,6%; dự kiến điều chỉnh thời gian hoàn thành thi công vào cuối quý IV-2023, chậm tiến độ 2 năm so với kế hoạch đề ra. Trong khi đó, tuyến đường sắt đô thị Bến Thành - Tham Lương cũng gặp các vướng mắc về giải phóng mặt bằng, tổng mức đầu tư dự án tăng, thời gian thực hiện dự án kéo dài dẫn đến phải thực hiện các thủ tục điều chỉnh.

21
Dự án Đường sắt đô thị thành phố Hồ Chí Minh tuyến Bến Thành - Suối Tiên chậm tiến độ 2 năm so với kế hoạch đề ra.

Tập trung khắc phục khó khăn

Lý giải về việc các dự án đường sắt đô thị liên tục lùi tiến độ, Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Nguyễn Văn Thể cho rằng, các dự án có công nghệ phức tạp, lần đầu tiên được áp dụng tại Việt Nam; các đơn vị thực hiện chưa có kinh nghiệm; các gói thầu không chỉ tuân thủ theo pháp luật của Việt Nam mà còn phải thực hiện đầy đủ các thủ tục theo quy định phía nhà tài trợ… Giải phóng mặt bằng, đặc biệt trên địa bàn thành phố Hà Nội, gặp rất nhiều khó khăn. Mặt bằng thi công trong điều kiện chật hẹp, bàn giao từng phần dẫn đến tiến độ kéo dài. Hàng loạt nguyên nhân nói trên đã khiến tổng mức đầu tư dự án tăng, thời gian thực hiện kéo dài dẫn đến phải thực hiện các thủ tục điều chỉnh.

Theo Phó Trưởng ban MRB Lê Trung Hiếu, trong 5 nhóm vướng mắc của Dự án Nhổn - ga Hà Nội, có 2 nhóm vướng mắc thuộc trách nhiệm của thành phố đều đã được UBND thành phố Hà Nội kịp thời chỉ đạo tháo gỡ nhằm đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng thi công các ga ngầm. Với 3 nhóm vướng mắc vượt thẩm quyền của thành phố, từ năm 2021, UBND thành phố Hà Nội đã quyết định thành lập Tổ công tác liên ngành. Thủ tướng Chính phủ cũng quyết định thành lập Tổ công tác đặc biệt để rà soát, tháo gỡ nhằm thúc đẩy tiến độ dự án.

“Phía MRB đã và đang nỗ lực phối hợp với các cơ quan liên quan để xử lý từng hạng mục công việc; đôn đốc các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu đưa vào vận hành đoạn tuyến trên cao vào cuối năm 2022. Đồng thời, MRB đề xuất thành phố báo cáo Chính phủ xin bổ sung nguồn vốn, điều chỉnh thời gian hoàn thành Dự án Nhổn - ga Hà Nội đến tháng 12-2027”, ông Lê Trung Hiếu cho biết.

Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Nguyễn Văn Thể khẳng định: “Những dự án đường sắt đô thị đang được triển khai tại Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh đều thuộc thẩm quyền của chính quyền thành phố. Bộ Giao thông - Vận tải với vai trò là đơn vị quản lý chuyên ngành trong việc theo dõi, kiểm tra và tổng hợp tình hình, giám sát đánh giá đầu tư xây dựng công trình thuộc phạm vi quản lý theo quy định của pháp luật. Vì vậy, tới đây, Bộ sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương, bộ, ngành liên quan kịp thời giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ các địa phương trong quá trình triển khai để sớm đưa các dự án vào vận hành, khai thác”.

Ngày đăng: 08:14 | 17/06/2022

Tuấn Lương / Hà Nội Mới