Có số định danh cá nhân, người dân không phải khai nhiều lần các thông tin cơ bản của mình, không phải sao, chụp, chứng thực bản sao từ bản chính giấy tờ công dân khi thực hiện khoảng 1.300 thủ tục hành chính (TTHC), giúp tiết kiệm 1.600 tỷ đồng/năm… Lợi ích của Đề án 896 (Đề án tổng thể đơn giản hóa TTHC, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư) rất rõ. Nhưng tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo Đề án này diễn ra sáng qua 25/1 cho thấy việc thực hiện Đề án không đơn giản.
Sự cần thiết phải đẩy mạnh cải cách TTHC, đơn giản hóa các loại giấy tờ liên quan đến công dân là bởi, theo thống kê của Bộ Tư pháp, trong 5.400 TTHC thuộc phạm vi quản lý của các bộ, ngành có khoảng gần 1.600 TTHC yêu cầu kê khai thông tin, xuất trình bản chính hoặc nộp bản sao hoặc bản sao có chứng thực đối với giấy tờ công dân.
Theo khảo sát của Cục Cảnh sát đăng ký, quản lý cư trú và dữ liệu quốc gia về dân cư (C72, Bộ Công an), có quá nhiều THHC, giấy tờ khi người dân đến cơ quan công quyền.
Điều này đã tạo ra gánh nặng hành chính lên tới hàng ngàn tỷ đồng/năm cho các cá nhân, tổ chức khi tham gia vào các giao dịch hành chính.
Kết quả khảo sát của C72 cũng cho thấy sự biến động về dân cư là hết sức phức tạp và khó quản lý. Hiện nay, Việt Nam chưa có một hệ thống quản lý dân cư quy mô toàn quốc.
Mặc dù một số tỉnh, thành đã triển khai xây dựng hệ thống quản lý dân cư như Hải Phòng, Bắc Ninh, Hà Nội, Hà Nam, Ninh Bình, Nghệ An, Tây Ninh, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Thành phố Hồ Chí Minh... nhưng các hệ thống này chưa hoàn chỉnh, khó khăn khi đưa vào sử dụng trên quy mô toàn tỉnh, thành.
Theo đó, cấp thiết phải đơn giản hóa giấy tờ công dân, tránh gây phiền hà cho người dân cũng như lãng phí tiền bạc của xã hội.
Để hiện thực hóa ước mơ người dân chỉ cần mang đúng một loại giấy tờ duy nhất đó là thẻ căn cước công dân khi đến các cơ quan công quyền, ngày 8/6/2013 Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 896/QĐ-TTg phê duyệt Đề án tổng thể đơn giản hóa TTHC, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư giai đoạn 2013-2020 nhằm đổi mới căn bản tổ chức, hoạt động quản lý nhà nước về dân cư, đơn giản hóa TTHC, giảm giấy tờ công dân, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội.
Đề án nêu rõ: Trong giai đoạn 2013-2014, việc triển khai Đề án tập trung vào hoàn thiện cơ sở pháp lý cho việc cấp số định danh cá nhân; xây dựng cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về dân cư… Từ năm 2016, tổ chức triển khai nhập thông tin cá nhân vào CSDL quốc gia về dân cư...
Thế nhưng, hiện nay khi chỉ còn chưa đầy 2 năm nữa phải triển khai Đề án trên phạm vi toàn quốc thì vẫn loay hoay ở phạm vi lựa chọn nhà thầu và lấy nguồn vốn từ đâu để thực hiện Đề án!
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc cho hay, Đề án này được nhân dân chào đón nhiệt tình bởi khi ứng dụng công nghệ thông tin sẽ giảm thiểu được sai sót và TTHC làm rất nhanh.
Tuy nhiên, hiện Đề án triển khai rất chậm. Đến thời điểm này chúng ta vẫn loay hoay ở việc huy động vốn.
Nói rõ nguyên nhân của sự chậm trễ này ông Nguyễn Khánh Ngọc chỉ rõ, vẫn còn có sự chồng chéo giữa các bộ ngành.
Mục tiêu của cơ sở dữ liệu là để giảm thiểu kinh phí, nếu cục bộ thì lãng phí mà không hiệu quả. Vì vậy rất cần sự chung tay, chia sẻ của các Bộ ngành.
Ông Ngọc kiến nghị cần nhanh chóng sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật, thực hiện 17 nghị quyết đã thông qua để mục tiêu cắt giảm TTHC được thực hiện trên thực tế.
Cần đầu tư đúng mức cho xây dựng cơ sở dữ liệu thì mục tiêu người dân không cần mang giấy tờ khi đến cơ quan công quyền mới thành hiện thực được.
Để giải quyết những vướng mắc liên quan đến Đề án, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa cho rằng: Phải phân loại các TTHC để thực hiện.
TTHC nào cần rà soát, sửa đổi cần cho vào nhóm nhanh. Những TTHC liên quan đến đầu tư hạ tầng cần phấn đấu thực hiện cho tốt.
Tuy nhiên, điều mà Thứ trưởng Bộ Nội vụ lo ngại đó là “tiếng là cắt giảm nhiều TTHC nhưng vẫn chỉ nằm ở những TTHC ít gây tác động xã hội.
Điều đó có nghĩa, các TTHC được cắt giảm tần suất được người dân sử dụng ít, còn những TTHC gây khó khăn cho người dân và xã hội thì vẫn “chưa có chìa để mở khóa”. Tuy nhiên điều mà ông Thừa lo ngại đó là chậm trễ trong khâu tổ chức thực hiện. Bởi cán bộ là gốc của vấn đề.
Cán bộ không chuyển thì mọi sự cải cách sẽ là vô nghĩa. Do đó, cần rà soát công tác cán bộ, nâng cao chất lượng cũng như đạo đức công vụ để Đề án này vào cuộc sống.
Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cũng cho rằng, nhìn vào con số cắt giảm TTHC (1.146 nhóm TTHC đã được đơn giản hóa) quả là con số không hề nhỏ. Nhưng đó mới chỉ là mặt số lượng còn chất lượng thì sao?
TTHC được cắt giảm đã thực sự đáp ứng đúng yêu cầu là tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho người dân và DN hay chưa cần làm rõ, rà soát lại.
Vấn đề vướng mắc nhất để thực hiện Đề án, theo Phó Thủ tướng chính là lấy nguồn vốn ở đâu để thực hiện.
Do vậy, Bộ Kế hoạch - Đầu tư chủ trì và phối hợp các Bộ Công an, Tài chính hoàn thiện các bước bổ sung Đề án này vào danh mục các dự án đầu tư công trung hạn để báo cáo xin ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào thời gian sớm nhất để bố trí nguồn kinh phí thực hiện.
Trước mắt để Đề án triển khai sớm, không chậm tiến độ cần ứng vốn của doanh nghiệp.
Về thiếu sự phối hợp giữa các bộ, ngành trong chia sẻ cơ sở dữ liệu quốc gia, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu các các bộ ngành địa phương đang xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia cần phối hợp Bộ Công an rà soát lại, tránh chồng chéo, lãng phí nguồn lực.
Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện Đề án, tiến tới mục tiêu là một nền hành chính ít giấy tờ, mới đây nhất, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Nghị quyết 112/NQ-CP, trong đó, Chính phủ thông qua phương án đơn giản hóa TTHC; sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ nhiều TTHC, giấy tờ công dân phù hợp với thời điểm hoàn thành, vận hành của cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Tuy nhiên, cái mắc của mọi vướng mắc nằm ở nguồn kinh phí. Tuy nhiên, với những lợi ích từ Đề án mang lại, Nhà nước, Chính phủ cần ưu tiên nguồn lực tương xứng cho việc thực hiện chủ trương này. Hy vọng đúng lộ trình, năm 2020, người dân khi đến cơ quan công quyền sẽ không phải mang một mớ giấy tờ như hiện nay.
Doanh nghiệp còng lưng cõng chi phí
Chi phí kinh doanh cao đang là rào cản lớn nhất, hạ thấp cơ hội và khả năng cạnh tranh của DN. Đây cũng là một ... |
Cải cách thủ tục hành chính: Vẫn vướng chuyện... phong bì
Dù công tác cải cách thủ tục hành chính những năm qua đã đạt được nhiều thành tựu, nhưng tình trạng lót tay, phong bì ... |
Ngày đăng: 15:00 | 26/01/2018
/ Nguyên Khánh/Đại Đoàn Kết