Trong báo cáo Quốc hội về tình hình cung ứng nguồn vật liệu cho các dự án cao tốc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) thông tin, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đang triển khai nhiều dự án đường bộ cao tốc và cần khối lượng lớn cát để gia cố nền đường.
Tuy nhiên, trước tình trạng nguồn cát sông ở các tỉnh phía Nam không đủ cung ứng cho các dự án hạ tầng lớn, Bộ GTVT cũng đã tính toán đến thí điểm sử dụng cát biển và tìm kiếm nguồn cát nhập khẩu từ Campuchia.
Mở rộng thí điểm cát biển đắp nền đường cao tốc
Theo thống kê, để thực hiện dự án đường bộ cao tốc Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng cần tổng nhu cầu cát khoảng 29 triệu m3. Các địa phương đã xác định nguồn cung 23 triệu m3 còn lại khoảng 6 triệu m3 chưa xác định được nguồn. Dự án đường bộ cao tốc Cao Lãnh-An Hữu cần tổng nhu cầu cát khoảng 3,2 triệu m3.
Hiện nay, tỉnh Đồng Tháp cam kết cung ứng và đã xác định nguồn khoảng 2,8 triệu m3, đang hoàn thiện các thủ tục để khai thác; còn thiếu 0,4 triệu m3. Dự án đường bộ cao tốc Mỹ An-Cao Lãnh có tổng nhu cầu cát khoảng 3,1 triệu m3. Hiện nay, tỉnh Đồng Tháp đã có kế hoạch cung ứng, tuy nhiên chưa xác định được nguồn cụ thể.
Dự án Vành đai 3 TP Hồ Chí Minh có tổng nhu cầu cát khoảng 9,3 triệu m3. UBND TP Hồ Chí Minh và các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An đã phối hợp rà soát, điều phối nguồn vật liệu để thực hiện. Về nguồn cát thương mại nhập khẩu, lãnh đạo Bộ GTVT cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã giao các bộ, ngành nghiên cứu phương án nhập khẩu cát làm vật liệu xây dựng cho các công trình hạ tầng. Theo báo cáo của Hiệp hội bất động sản TP Hồ Chí Minh, phía Campuchia có thiện chí xuất khẩu cát sang Việt Nam với trữ lượng khoảng 100 triệu m3, thời gian khai thác trong một năm. Hiệp hội cũng đã đề nghị UBND TP Hồ Chí Minh là đầu mối làm việc với phía bạn để thực hiện các thủ tục, đồng thời giao cho một đơn vị doanh nghiệp quân đội phía Nam làm đầu mối ký hợp đồng để phân phối.
Về giải pháp cát biển, Bộ GTVT đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành thí điểm sử dụng cát biển làm nền đường, kết quả đã được báo cáo Thủ tướng. Trên cơ sở đó, bộ đã có văn bản hướng dẫn các địa phương trong việc sử dụng cát biển làm vật liệu đắp nền đường cho các dự án giao thông. Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ GTVT thừa nhận việc thí điểm sử dụng cát biển làm nền đường mới chỉ thực hiện với quy mô nhỏ, cấp thiết kế thấp hơn đường bộ cao tốc, chất lượng cát biển mới được nghiên cứu cho một khu vực (mỏ cát biển tỉnh Trà Vinh). Vì vậy, Bộ GTVT đề nghị và được Chính phủ cho phép tiếp tục thí điểm mở rộng.
Hiện nay, Bộ đang triển khai thí điểm mở rộng sử dụng cát biển làm vật liệu đắp nền đường tại dự án thành phần đoạn Hậu Giang-Cà Mau thuộc tuyến đường bộ cao tốc Bắc-Nam, với lượng cát biển dự kiến sử dụng 2 triệu m3 cát.
Ngoài ra, tỉnh Quảng Ninh, Hải Dương cũng đang thí điểm sử dụng cát biển làm đường giao thông, san nền. Từ kết quả ban đầu này, Bộ GTVT đang tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, các đơn vị liên quan đẩy nhanh việc thí điểm cát biển làm nền đường; tập trung thí nghiệm chỉ tiêu cơ lý, hoá học của cát biển tại một số khu vực khác như Hải Phòng, Vũng Tàu… và tổ chức thi công thí điểm mở rộng tại một số dự án tại các khu vực này như Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Ninh Bình-Hải Phòng.
Tháo gỡ khó khăn để hết năm 2025 cơ bản hoàn thành 600km đường cao tốc
Trước những khó khăn nói trên, mới đây Văn phòng Chính phủ đã có Thông báo số 490/TB-VPCP kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị tháo gỡ khó khăn, vướng mắc thúc đẩy phát triển hạ tầng giao thông khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Với khối lượng công việc trong thời gian tới của từng dự án còn rất lớn, đòi hỏi các cấp, các ngành, các địa phương phải hết sức khẩn trương, chủ động, linh hoạt, sáng tạo vận dụng các chủ trương, cơ chế, chính sách để triển khai các dự án; hưởng ứng thiết thực và thực hiện hiệu quả Phong trào thi đua "500 ngày đêm cao điểm hoàn thành thắng lợi các dự án đường bộ cao tốc". Nỗ lực phấn đấu đạt mục tiêu đến hết năm 2025 cơ bản hoàn thành 600km đường cao tốc vùng Đồng bằng sông Cửu Long và đến năm 2030 có khoảng 1.200km.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương liên quan tập trung chỉ đạo tiếp tục thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp theo các Nghị quyết của Quốc hội, phát huy, nhân rộng kinh nghiệm triển khai dự án đường dây 500kV mạch 3 Quảng Trạch (Quảng Bình) - Phố Nối (Hưng Yên), khẩn trương tháo gỡ khó khăn vướng mắc, không được để thiếu nguyên vật liệu, nếu có vướng mắc phải tháo gỡ ngay, không để lãng phí kéo dài; phát huy tính tự lực tự cường của doanh nghiệp, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các nhiệm vụ, công việc đề ra bảo đảm chất lượng, hiệu quả và thời hạn quy định.
Về vật liệu xây dựng, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND các tỉnh có nguồn vật liệu đá (An Giang, Kiên Giang, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu…) tiếp tục đẩy mạnh, quyết liệt hỗ trợ, phối hợp với các chủ đầu tư (khi có đề nghị) để ưu tiên cấp đá cho các dự án trọng điểm, không để xảy ra tình trạng thiếu cát, sỏi, vật liệu thông thường, nguồn cấp phối đá dăm. Chủ tịch UBND các tỉnh có nguồn vật liệu san lấp (Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Sóc Trăng, An Giang) áp dụng mọi cơ chế, chính sách đặc thù và cơ chế thuận lợi nhất để giải quyết đủ nguồn vật liệu theo chỉ tiêu được giao, cũng như đã cam kết (về trữ lượng, công suất khai thác), bảo đảm hoàn thành các thủ tục cấp phép để thực hiện khai thác toàn bộ các mỏ. Các địa phương kiểm soát chặt chẽ giá vật liệu xây dựng trên địa bàn, tránh tình trạng đầu cơ, nâng giá, ép giá khi nhu cầu vật liệu san lấp tăng cao.
Về công tác thi công, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các cơ quan chủ quản (Bộ GTVT và UBND các tỉnh, thành phố có liên quan) quyết liệt chỉ đạo các chủ đầu tư, các nhà thầu phối hợp chặt chẽ với các địa phương có mỏ vật liệu để hoàn thiện các thủ tục cấp mỏ, bảo đảm nguồn vật liệu cát, đá, không để ảnh hưởng đến tiến độ thi công; xây dựng phương án tập kết vật liệu đá về công trường gửi các địa phương để chủ động trong việc điều tiết, cung ứng; chỉ đạo các chủ đầu tư, nhà thầu căn cứ kế hoạch hoàn thành dự án, xây dựng và ban hành kế hoạch chi tiết "đường găng tiến độ" phù hợp điều kiện giải phóng mặt bằng, nguồn vật liệu, diễn biến thời tiết để làm cơ sở theo dõi, đôn đốc, kiểm soát chặt chẽ tiến độ thi công theo kế hoạch, đặc biệt các Dự án có kế hoạch hoàn thành vào cuối năm 2025.
Ngày đăng: 08:31 | 31/10/2024
Đặng Nhật / cand.com.vn