Kinh tế khó khăn, doanh nghiệp (DN) và nhà đầu tư đang“bơi trong vòng xoáy” với những cơ hội ngày càng trở nên khan hiếm và đắt đỏ. Diễn đàn cấp cao Cố vấn tài chính Việt Nam 2023 lần đầu tiên do Báo Đầu tư phối hợp với Cộng đồng Cố vấn tài chính Việt Nam (VWA) tổ chức diễn ra chiều 8/8 đã “giải mã biến số” và “truy tìm cơ hội” cho cộng đồng nhà đầu tư và DN.

Phát biểu tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương khẳng định, tình hình thế giới từ đầu năm đến nay tiếp tục biến động nhanh, phức tạp. Các DN nói riêng, cả nền kinh tế nói chung, đang phải “bơi trong dòng xoáy khó khăn”.

Thị trường tài chính Việt Nam cũng vậy. Không chỉ thị trường trái phiếu DN, mà còn cả thị trường chứng khoán, thị trường bất động sản… đang đối mặt với những khó khăn, thách thức chưa từng có. Điểm tích cực là xu thế kinh tế đang dần khả quan hơn. Các số liệu thống kê về sản xuất công nghiệp, xuất nhập khẩu, thu hút đầu tư nước ngoài, giải ngân vốn đầu tư công… đều cho thấy điều đó.

boi.png -0
Doanh nghiệp mong được cải thiện tiếp cận vốn và cả khả năng hấp thụ vốn. Ảnh minh họa.

Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 7/2023 đã tăng 3,9% so với tháng trước và tăng 3,7% so với cùng kỳ năm trước… Tính chung 7 tháng, thu hút đầu tư nước ngoài đã lần đầu tiên trong năm tăng 4,5% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt gần 16,24 tỷ USD; kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 195,4 tỷ USD, vẫn giảm 10,6% so với cùng kỳ năm trước, nhưng xuất siêu trên 16,5 tỷ USD…

“Có được kết quả này là nhờ sự nỗ lực của toàn hệ thống chính trị, đặc biệt là trong công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Kể từ đầu năm tới nay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều giải pháp, chính sách, chỉ đạo, điều hành quyết liệt, kịp thời, hiệu quả, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương thông tin.

Ông cũng cho biết, dự báo, trong những tháng cuối năm 2023 và cả năm 2024, kinh tế Việt Nam tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, từ cả tình hình thế giới, khu vực biến động khó lường và những hạn chế, khó khăn trong nội tại của nền kinh tế. 

Chia sẻ thêm, ông Lê Trọng Minh, Tổng Biên tập Báo Đầu tư cho rằng, những lo sợ về cơn bão lạm phát và bóng ma suy thoái ở các nền kinh tế lớn vẫn còn hiện hữu, nhưng bắt đầu được đan xen bằng những dòng chảy lạc quan, tích cực với sự hậu thuẫn của những dữ liệu thống kê cho thấy thực tế đang “không xấu như dự kiến”. Nhưng liệu những lo lắng đó có là thái quá hay sự lạc quan có đến hơi sớm vẫn cần được cắt nghĩa và giải đáp?

“Môi trường đó giống như một dòng xoáy buộc các nhà đầu tư, kinh doanh phải ngụp lặn để truy tìm cơ hội - những cơ hội ngày càng trở nên khan hiếm và đắt đỏ khi có nhiều thêm những biến số phức tạp và khó giải mã. Những câu hỏi như lớp tài sản nào nên ưu tiên, nhóm ngành nào sẽ vượt lên thời gian tới, đâu là những xu hướng đầu tư đang nổi lên… sẽ khó trả lời hơn trong một môi trường đầu tư đã thiết lập trạng thái mới nhưng không hề dễ thích ứng bởi sự xuất hiện của những vấn đề tinh vi, phức tạp và chưa từng có tiền lệ”, ông Minh nhận định. 

Nói về những khó khăn của DN, TS Lê Xuân Nghĩa nêu ví dụ về một DN đầu tư điện mặt trời đang vay vốn tại một ngân hàng lớn với lãi suất trước đây là 17%, sau đó giảm xuống 15% và sắp tới, DN này được hứa sẽ giảm lãi suất xuống dưới mức 15%.

“Với mức lãi suất này, DN đã rất vất vả để cân đối các chi phí tài chính”- ông Nghĩa cho biết. Ngoài ra, khó khăn của DN hiện nay là các ngân hàng đều yêu cầu có tài sản thế chấp và chứng minh khả năng trả nợ. Tuy nhiên, theo ông Nghĩa, vào giai đoạn khủng hoảng, nhiều nước giảm hoặc lùi lại yêu cầu về tài sản thế chấp và chỉ giữ yêu cầu chứng minh khả năng trả nợ.

“Có DN xuất khẩu thức ăn chay sang châu Âu, doanh thu năm ngoái 10 tỷ, năm nay 20 tỷ nhưng hạn mức tín dụng vẫn không thay đổi, DN không vay thêm được đồng nào vì ngân hàng thẩm định khoản vay cả trên tài sản thế chấp lẫn khả năng trả nợ. Trong điều kiện khó khăn, thẩm định dự án nên chú trọng vào hiệu quả trong tương lai, chứ không phải tài sản thế chấp. Thông lệ quốc tế không có chuyện đó”- ông Nghĩa nhấn mạnh và đưa ra giải pháp là cần điều chỉnh lãi suất theo hướng giảm xuống. 

Trong khi đó, TS. Nguyễn Đình Cung thì cho rằng, cần kéo dài thời gian thực hiện chính sách miễn, giảm thuế VAT đến hết năm 2025, thúc đẩy cải thiện môi trường kinh doanh. “Chúng ta đang sử dụng quá ít chính sách tài khóa để hỗ trợ DN, thậm chí đang tăng chi phí cho DN”, ông Cung nói.

Bên cạnh đó, tỷ lệ giải ngân các gói hỗ trợ DN thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế đạt thấp. Nhận định trong bối cảnh hiện nay, cần tập trung thực hiện các chính sách tài khóa hơn là chính sách tiền tệ, TS. Nguyễn Đình Cung cho rằng, cần thực hiện quyết liệt chính sách hoàn thuế VAT cho DN, đồng thời kéo dài thời gian thực hiện chính sách giảm thuế VAT.

Cũng cho rằng cần lưu tâm hơn đến tháo gỡ khó khăn cho DN, ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban nghiên cứu tổng hợp của CIEM cho rằng,  nhiệm vụ ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát vẫn quan trọng, song cũng cần lưu tâm hơn đến tháo gỡ khó khăn cho hoạt động của DN.

Trong đó, cần cải thiện tiếp cận vốn và cả khả năng hấp thụ vốn cho DN; cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng suất lao động; mạnh dạn ban hành quy định về cơ chế thử nghiệm cho các mô hình kinh tế mới (fintech, kinh tế tuần hoàn).

Đặc biệt, ông Dương lưu ý giải pháp thứ ba là cần thu hút và sử dụng hiệu quả đầu tư nước ngoài trong bối cảnh mới, trong đó cân nhắc tăng độ mở cho nhà đầu tư nước ngoài tham gia một số lĩnh vực, liên kết vùng trong thu hút FDI, thúc đẩy chuyển giao công nghệ từ các DN nước ngoài, đào tạo kỹ năng cho người lao động để đáp ứng yêu cầu của DN FDI…

https://cand.com.vn/Kinh-te/go-kho-giup-doanh-nghiep-boi-trong-vong-xoay-i703136/

Ngày đăng: 09:01 | 09/08/2023

Hà An / CAND