Những năm qua, mô hình chợ an toàn thực phẩm đã được triển khai trên toàn quốc, từng bước xây dựng kênh phân phối thực phẩm an toàn tới người tiêu dùng. Tuy nhiên, để nhân rộng tiến tới phủ sóng mô hình này, vấn đề hàng đầu là gỡ khó về cơ chế, chính sách để có thể liên kết các cấp, ngành và doanh nghiệp, đẩy mạnh xã hội hóa việc bảo đảm an toàn thực phẩm tại chợ truyền thống.

Người dân mua thực phẩm tại chợ Thượng Thanh (quận Long Biên). Ảnh: Hà Nguyễn

Chợ nhỏ lẻ vẫn vi phạm về an toàn thực phẩm

Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) Lê Việt Nga cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt và cho phép Bộ Công Thương được triển khai các mô hình thí điểm chợ an toàn thực phẩm trên phạm vi toàn quốc. Từ các mô hình thí điểm, đến nay cả nước đã có hàng trăm chợ an toàn thực phẩm được xây dựng thành công. Đây là khuôn mẫu để các địa phương, hợp tác xã, doanh nghiệp tham khảo xây dựng hoặc cải tạo các chợ bảo đảm hạ tầng, chấp hành các quy định về nguồn gốc hàng hóa.

Tại Hà Nội, Sở Công Thương Hà Nội cùng UBND các quận, huyện, thị xã đã xây dựng các mô hình chợ an toàn thực phẩm. Các chợ Nghĩa Tân, Đồng Xa (quận Cầu Giấy) đã quản lý và cấp biển nhận diện cho các cơ sở kinh doanh thực phẩm. Quận Long Biên có 15 chợ đạt tiêu chí “Chợ văn minh thương mại”. Theo đại diện UBND quận Long Biên, cơ sở vật chất tại các chợ được đầu tư cơ bản đáp ứng yêu cầu về an toàn thực phẩm, nguồn gốc hàng hóa được kiểm soát tốt hơn.

Tuy đã đạt được những thành công bước đầu, song đại diện Bộ Công Thương cũng chỉ rõ, việc xây dựng chợ an toàn thực phẩm ở Việt Nam còn nhiều khó khăn. Theo bà Lê Việt Nga, hiện có đến 86% trong tổng số 8.549 chợ truyền thống trên cả nước là chợ hạng 3, quy mô nhỏ, cơ sở vật chất, hạ tầng yếu kém. Bên cạnh đó, người dân đến mua sắm còn chưa đông nên chưa hấp dẫn nhà đầu tư.

Khó khăn nữa là hàng hóa tại các chợ được cung ứng từ nhiều nguồn, khiến việc truy xuất nguồn gốc không đơn giản. Ngoài ra, nhiều tiểu thương chưa quan tâm tham gia tập huấn về an toàn thực phẩm, hiểu biết về các quy định vệ sinh an toàn thực phẩm của không ít đơn vị quản lý chợ và cơ sở kinh doanh thực phẩm còn hạn chế…

Xây dựng chuỗi cung ứng an toàn

Việc xây dựng và nhân rộng chợ an toàn thực phẩm có ý nghĩa quan trọng, bởi hiện nay có 75% nguồn cung thực phẩm tới người tiêu dùng thông qua các chợ truyền thống. Để làm được điều này, Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội Phát triển chợ Việt Nam Hoàng Minh Luân cho rằng, giải pháp hàng đầu là nâng cấp hạ tầng các chợ với hệ thống xử lý nước thải, thu gom rác thải đồng thời kiểm soát nguồn hàng hóa và xử lý vi phạm an toàn thực phẩm. Ngoài ra, việc tuyên truyền, tập huấn tới các hộ kinh doanh, người quản lý tại các chợ cũng như người dân về an toàn thực phẩm, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng… cũng cần được đẩy mạnh hơn nữa.

Mặt khác, theo các chuyên gia, giải pháp mang tính lâu dài để bảo đảm truy xuất nguồn gốc hàng hóa là xây dựng chuỗi cung ứng an toàn. Từ thực tế cung ứng thực phẩm tại chợ truyền thống, Phó Giám đốc Dự án Cạnh tranh ngành chăn nuôi và an toàn thực phẩm Nguyễn Xuân Anh Tuấn cho hay, việc xây dựng chuỗi cung ứng từ sản xuất đến giết mổ và bán lẻ tại chợ không chỉ bảo đảm an toàn thực phẩm mà còn hướng đến mục tiêu quan trọng là sản xuất bền vững với tất cả các chủ thể trong chuỗi.

Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, UBND thành phố đã ban hành Kế hoạch triển khai đề án “Quản lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trong chợ trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025”. Theo đó, thành phố sẽ tiếp tục kiểm soát chất lượng thực phẩm trước khi đưa vào chợ; tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; thiết lập đường dây nóng và công khai các cơ sở vi phạm. Đồng thời sẽ tăng cường kiểm tra, truy xuất nguồn gốc thực phẩm, hướng dẫn về các trang thiết bị kinh doanh, bảo quản thực phẩm. Thành phố cấp biển nhận diện các cơ sở đáp ứng yêu cầu và thường xuyên kiểm tra việc chấp hành quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm để cấp hoặc thu hồi biển nhận diện này. Bên cạnh đó, các chợ lấy mẫu xét nghiệm nhanh hằng ngày đối với thực phẩm kinh doanh tại chợ; cơ sở kinh doanh phải ký cam kết, có đầy đủ giấy tờ chứng minh nguồn gốc hàng hóa...

Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước Lê Việt Nga thông tin, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng tháo gỡ những khó khăn trong việc xây dựng chợ an toàn thực phẩm. Bộ sẽ đẩy mạnh tập huấn, truyền thông về bảo đảm an toàn thực phẩm ở chợ; tăng cường kết nối các chuỗi liên kết bảo đảm nguồn thực phẩm an toàn... “Giải pháp quan trọng là cần có cơ chế, chính sách phù hợp để có thể liên kết các cơ quan quản lý với doanh nghiệp, hợp tác xã cùng tham gia vào quá trình xã hội hóa xây dựng, quản lý, khai thác các chợ truyền thống theo hướng an toàn thực phẩm”, bà Lê Việt Nga nhấn mạnh.

https://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Doi-song/1045980/go-kho-cho-cho-an-toan-thuc-pham

Ngày đăng: 08:16 | 30/10/2022

LAM GIANG / HNM.com.vn