Từ 1-10 tới, giá giường dịch vụ trong bệnh viện được phép thu tới 4 triệu đồng/ngày, con số này khiến nhiều người lo ngại bệnh nhân nằm ghép sẽ tăng lên.
|
|
Bệnh nhân điều trị phải nằm tráo đầu đuôi trên 1 chiếc giường. (ảnh tư liệu) |
Một câu chuyện nghịch lý ở các bệnh viện nước ta, đó là trong khi rất nhiều bệnh nhân phải nằm chen chúc ghép với nhau trên một chiếc giường bệnh bé tí xíu, thì bên cạnh đó, dịch vụ “giường dịch vụ” lại đang nở rộ.
Thêm vào đó, từ 1/10 tới, thông tư hướng dẫn giá dịch vụ y tế theo yêu cầu có hiệu lực thực hiện. Theo đó, giá giường bệnh dịch vụ loại đặc biệt nhất ở bệnh viện hạng 1, hạng đặc biệt tuyến trung ương là 4 triệu đồng/giường/ngày đêm. Điều này làm dấy lên lo ngại, tình trạng nằm ghép giường của bệnh nhân ở các bệnh viện sẽ càng tăng lên, bởi cái giá để thu tiền giường dịch vụ là “quá hấp dẫn” với việc tự chủ thu chi của các bệnh viện.
Ngày hôm qua, trả lời báo chí, ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - tài chính Bộ Y tế cho biết, việc sử dụng tài sản công yêu cầu bệnh viện phải hoàn thành kế hoạch được giao, tức là đảm bảo số giường kế hoạch phục vụ bệnh nhân, còn lại mới dành cho dịch vụ. "Các bệnh viện phải rà soát, nếu bệnh nhân còn phải nằm ghép thì không dành quá nhiều giường cho dịch vụ" - ông Liên nói.
Mặc dù đại diện của Bộ Y tế khẳng định việc “nếu còn bệnh nhân phải nằm ghép thì không dành quá nhiều giường cho dịch vụ”, tuy nhiên, điều này không hề đảm bảo việc các bệnh viện sẽ thực hiện nghiêm chỉnh quy định này. Bởi nó không đưa ra một con số cụ thể nào cả mà chỉ là chung chung “không được dành quá nhiều giường cho dịch vụ”.
Thế thì người bệnh biết xoay sở ra sao?
Thực chất, nhu cầu nằm giường dịch vụ giá cao đến từ 2 đối tượng bệnh nhân, 1 là những bệnh nhân có mức thu nhập khá giả, muốn được hưởng dịch vụ đúng với mức chi tiêu của họ, 2 là những bệnh nhân dù nghèo nhưng không thể chịu đựng cảnh nằm chen chúc 2-3 người tráo đầu đuôi trên 1 chiếc giường cá nhân bé xíu, không chịu cảnh chui gầm giường nên đành phải “bóp mồm bóp miệng” mà chấp nhận cái giá chát đắng: 4 triệu đồng/ngày, đắt ngang ngửa khách sạn 5 sao.
Vậy thì có một giả thiết đặt ra, (dù giả thiết này không ai mong muốn nó xảy ra trong thực tế, vì chúng ta rất tin vào y đức của các thầy thuốc) rằng các bệnh viện có thể tạo ra “khan hiếm giả” giường bệnh, để bệnh nhân phải nằm ghép nhiều hơn, và do đó họ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc phải đăng ký nằm giường dịch vụ hay không? Ai sẽ kiểm soát chặt chẽ việc này khi mà nhiều bệnh viện hiện nay đã phải tự chủ chi tiêu?
Thật buồn là có không ít bệnh viện đã bị bệnh nhân phản ánh, trong khi giường bệnh nhân thường thì chật chội, chen lấn, phải nằm tráo đầu đuôi thì khu giường dịch vụ lại vắng teo, thưa thớt người nằm (vì giá quá đắt). Tình cảnh này, thật quá bất nhẫn với người bệnh.
Họ đã lâm vào cảnh khốn cùng, bệnh tật, ốm đau mới phải đi nằm viện, nhưng tiêu chuẩn tối thiểu là mỗi người 1 giường bệnh còn không được đảm bảo, phải nằm ghép với nhau, mà trong khi đó, khu giường dịch vụ lại thênh thang.
Một nền y tế không thể gọi là “văn minh, tiên tiến, hiện đại” khi mà vẫn để cho các bệnh nhân của mình phải nằm chen nhau trên 1 chiếc giường, và giá “giường dịch vụ” thì cao chót vót. Mọi bệnh nhân phải được đối xử công bằng như nhau ở tiêu chuẩn tối thiểu nhất: có 1 nơi chốn để nằm trong bệnh viện. Lẽ nào nhu cầu tối thiểu đó, nếu muốn được đáp ứng, thì bạn phải thuộc “giới siêu giàu” khi bỏ ra đến 4 triệu đồng cho 1 chiếc giường trong phòng bệnh?
Những công trình lãng phí ngàn tỷ đồng rồi đắp chiếu, nếu được dành để xây bệnh viện, trường học đáp ứng nhu cầu tối thiểu của người dân, thì chắc chắn sẽ không có mức giá chát đắng đến 4 triệu đồng/ ngày cho 1 chiếc giường bệnh.
Giường dịch vụ 4 triệu/ngày: ĐBQH muốn minh bạch |
Giường dịch vụ 4 triệu/ngày tại bệnh viện công: Phục vụ ai? |
Giường dịch vụ 4 triệu/ngày tại bệnh viện công: Ưu tiên ai? |
Ngày đăng: 06:00 | 15/08/2019
/ baodatviet.vn