Chứng khoán Mỹ tiếp tục tăng điểm và có quý thành công nhất trong nhiều thập kỷ nhờ những giải pháp chưa từng có của Fed và chính quyền ông Donald Trump, bất chấp “điều tồi tệ nhất vẫn chưa xảy ra”.
Chứng khoán Mỹ tốt nhất 2 thập kỷ
Kết thúc phiên cuối cùng quý II, chỉ số công nghiệp Dow Jones ghi nhận quý có thành quả tốt nhất từ năm 1987 với việc tăng thêm hơn 217 điểm lên 25.813 điểm. Các chỉ số tầm rộng S&P 500 và chỉ số công nghệ Nasdaq Composite đều tăng, chứng khoán Mỹ tốt hiếm có giữa thời kỳ đen tối.
Riêng trong quý II, chỉ số Dow Jones đã tăng 17,8%; S&P 500 tăng gần 20%; còn Nasdaq Composite tăng tới 30,6% - một mức tăng chưa từng có kể từ năm 1999. Chứng khoán Mỹ tăng trong bối cảnh nền kinh tế bị ảnh hưởng lịch sử từ đại dịch Covid-19 ngay trong quý II này.
Chứng khoán Mỹ tăng điểm ngay trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến xấu tại Mỹ với số ca nhiễm bệnh không ngừng tăng ở đa số các bang tại nước này và buộc một số bang phải dừng kế hoạch mở cửa trở lại nền kinh tế, cũng như thắt chặt một số biện pháp quản lý tụ tập đông người.
Sở dĩ chứng khoán Mỹ tăng mạnh giữa thời điểm đen tối chưa từng có, theo CNBC, là bởi sự kết hợp của hàng loạt các chính sách tiền tệ siêu nới lỏng từ Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed), các gói kích thích kinh tế từ chính quyền ông Donald Trump, sự tái mở cửa nền kinh tế và hy vọng về vaccine ngừa Covid-19.
Trong buổi điều trần trước Ủy ban Dịch vụ Tài chính Hạ viện, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell và Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin đều đề cập tới những giải pháp tiếp tục vực dậy nền kinh tế.
Chứng khoán Mỹ chứng kiến quý II/2020 tăng mạnh nhất trong 20 năm qua. |
Ông Powell khẳng định về sự không chắc chắn về triển vọng của nền kinh tế Mỹ sau đại dịch Covid-19, viện dẫn sản lượng và việc làm vẫn thấp hơn nhiều so với mức trước đại dịch. Ông chủ Fed cho rằng, sự phục hồi hoàn toàn là không có khả năng xảy ra cho đến khi mọi người tin rằng an toàn để tái cấu trúc một loạt hoạt động trên diện rộng.
Đây là một tín hiệu cho thấy, Fed sẽ tiếp tục các chính sách tiền tệ nới lỏng để kích thích nền kinh tế số 1 thế giới.
Kể từ khi đại dịch xảy ra, Fed đã thực hiện một loạt chương trình nhằm duy trì thị trường hoạt động và hỗ trợ doanh nghiệp. Fed đã cắt giảm lãi suất cho vay ngắn hạn xuống mức gần bằng 0% và cam kết sẽ duy trì mức lãi suất này cho tới khi kinh tế Mỹ vượt qua được những khó khăn và đi đúng hướng để đạt được mục tiêu ổn định việc làm tối đa và ổn định giá cả.
Nguy cơ điều chỉnh sâu
Một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm hàng đầu của chính phủ Mỹ cho rằng, kinh tế Mỹ còn chặng đường dài phải đi cho đến khi phục hồi hoàn toàn. Theo đó, không có gì bảo đảm Mỹ sẽ có vắc xin phòng Covid-19 hữu hiệu và sự lây lan “có thể rất tệ”.
Trên thế giới, số ca nhiễm đã tăng vọt lên khoảng 10,5 triệu người, số ca tử vong khoảng 510 nghìn người. Mỹ vẫn đứng đầu danh sách với số người nhiễm trên thực tế được cho là có thể gấp 10 lần so với báo cáo lên tới 25 triệu người.
Tại một cuộc họp trực tuyến mới đây, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cho rằng, dịch bệnh “chưa gần đến hồi kết" và thậm chí "đang gia tăng trên toàn cầu" cho dù nhiều nước đã đạt được một số kết quả nhất định trong việc ngăn chặn dịch bệnh. Ông Ghebreyesus nhấn mạnh "điều tồi tệ nhất vẫn chưa xảy ra".
Chính quyền Donald Trump mạnh tay, chứng khoán Mỹ tốt hiếm có giữa thời kỳ đen tối |
Trong một cảnh báo gần đây, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho rằng, thị trường tài chính thế giới sẽ rơi vào đợt điều chỉnh, giá tài sản có thể giảm ít nhất 10%. Theo IMF, các thị trường tài chính và nền kinh tế thực hiện mất đi sự tương quan. Nhiều TTCK có xu hướng tăng bất chấp thế giới xảy ra nhiều sự kiện bất lợi.
Không chỉ làn sóng lây nhiễm Covid-19 thứ hai, nhiều nền kinh tế phát triển đang phải đối mặt với làn sóng biểu tình đòi bình đẳng xã hội, và căng thẳng thương mại leo thang trở lại giữa Mỹ-Trung, Mỹ-Hàn, Trung-Ấn.
Làn sóng vỡ nợ có thể xảy ra và qua đó nhấn chìm các doanh nghiệp tài chính phi ngân hàng, như quỹ đầu tư và quản lý tài sản.
IMF ước tính kinh tế toàn cầu có thể giảm 4,9% trong 2020, trước khi phục hồi với tốc độ tăng trưởng đạt 5,4% trong năm 2021. Thế giới đang rơi vào tình trạng bất ổn rất lớn và các nước cần phải tiếp tục triển khai các biện pháp hỗ trợ với quy mô lớn.
Nền kinh tế Mỹ còn chịu áp lực từ căng thẳng Mỹ - Trung leo thang. Washington bắt đầu xóa bỏ trạng thái đặc biệt của Hong Kong theo luật Mỹ để phản ứng với việc Bắc Kinh áp luật an ninh quốc gia với thành phố này. Ở chiều ngược lại, Trung Quốc tuyên bố sẽ đáp trả.
M. Hà
Giữa thời đen tối, Donald Trump đón kỷ lục cao nhất 20 năm
Chứng khoán Mỹ tiếp tục tăng điểm và có quý thành công nhất trong nhiều thập kỷ nhờ những giải pháp chưa từng có của ... |
Ngày đăng: 10:22 | 02/07/2020
/ vietnamnet.vn