Ông Đỗ Đức Hoàng - Phó Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) cho biết, “chiến dịch” thông tin về sự kiện 70 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ đã được thực hiện xuyên suốt nhiều tháng qua. Một số hoạt động trọng tâm đã sẵn sàng lên sóng trong thời điểm cận kề lễ kỷ niệm sự kiện “lừng lẫy năm châu, chấn động toàn cầu” này.
Lễ kỷ niệm, diễu binh, diễu hành
Một sự kiện quan trọng được khán giả cả nước đón chờ là “Lễ kỷ niệm, diễu binh, diễu hành 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ” được tổ chức tại Sân vận động tỉnh Điện Biên. Lễ diễu binh, diễu hành có sự tham gia của 5 thành phần lực lượng, được tường thuật trực tiếp lúc 7h30 ngày 7-5-2024 trên kênh VTV1.
Cầu truyền hình “Dưới lá cờ Quyết thắng” xâu chuỗi những câu chuyện, cung bậc cảm xúc hòa trong bản hùng ca Điện Biên |
Đảm nhận vai trò Trưởng Tiểu ban diễu binh, diễu hành là Thượng tướng Nguyễn Văn Nghĩa - Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam. Chia sẻ về lễ diễu binh, diễu hành đặc biệt này, đại diện Bộ Quốc phòng cho biết, tổng quân số tham gia phục vụ sự kiện có khoảng hơn 4.500 người, đã cơ động lên Điện Biên luyện tập, hợp luyện từ ngày 26 đến 28-4. Theo kế hoạch, tại lễ chào cờ mở đầu cho chương trình diễu binh, diễu hành sẽ có màn pháo lễ bắn 21 loạt trên nền Quốc thiều Việt Nam. Sau khi lãnh đạo Đảng, Nhà nước đọc diễn văn sẽ là màn phát biểu của chiến sĩ Điện Biên, đại diện thế hệ trẻ và cử nhạc kèn ca khúc “Chiến thắng Điện Biên”.
Về phần diễu binh, diễu hành, mở đầu sẽ là phần diễu hành của khối nghi trượng gồm 4 khối: Xe mô hình Quốc huy với 54 người (27 nam, 27 nữ) đại diện cho 54 dân tộc anh em; khối cờ Đảng, cờ Tổ quốc với 70 vận động viên mặc đồng phục; xe rước ảnh Bác Hồ với 70 thiếu nhi cầm hoa sen; xe biểu tượng 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ với 70 thanh thiếu niên. Lực lượng Không quân Việt Nam bao gồm 9 máy bay trực thăng mang theo cờ Đảng, cờ Tổ quốc bay qua lễ đài.
Tiếp sau là phần diễu binh của lực lượng vũ trang gồm 24 khối (quân đội, dân quân tự vệ 16 khối, công an 8 khối), trong đó khối công an với đại diện các lực lượng như: Xe chỉ huy và tổ Công an kỳ, khối nam sĩ quan An ninh nhân dân, khối nam sĩ quan Cảnh sát nhân dân, khối nam sĩ quan Phòng cháy chữa cháy, khối nam sĩ quan Cảnh sát cơ động, khối nữ sĩ quan Cảnh sát giao thông, khối nữ chiến sĩ Cảnh sát đặc nhiệm, khối Cảnh sát cơ động Kỵ binh. Ngay sau đó là phần diễu hành của khối quần chúng và kết thúc là phần diễu hành của khối nghệ thuật.
“Điện Biên Phủ - Nhìn từ nước Pháp” mang đến những thông tin chưa từng được tiết lộ tới khán giả về Chiến thắng Điện Biên Phủ |
Cầu truyền hình “Dưới lá cờ Quyết thắng”
Một trong những điểm nhấn của đợt tuyên truyền Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ là cầu truyền hình “Dưới lá cờ Quyết thắng” được tường thuật trực tiếp vào lúc 20h ngày 5-5-2024 trên kênh VTV1. 5 điểm cầu được kết nối với nhau gồm: Khu vực sân hành lễ ở tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ tại đồi D1 (Điện Biên); quảng trường Ba Đình (Hà Nội); quảng trường Lam Sơn (Thanh Hóa); nhà rông Kon Klor (Kon Tum) và Khu di tích Cột cờ Thủ Ngữ (TP.HCM), xâu chuỗi những câu chuyện, cung bậc cảm xúc hòa trong bản hùng ca Điện Biên. Đặc biệt, điểm cầu Điện Biên Phủ được thiết kế tại không gian của tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ, dựa trên 56 bậc thang tượng trưng cho 56 ngày đêm khoét núi ngủ hầm để làm nên chiến thắng lịch sử.
Để chuẩn bị cho chương trình, Ban Sản xuất các chương trình giải trí đã nghiên cứu các nguồn tư liệu, tìm kiếm các nhân chứng lịch sử để thực hiện phóng sự nhằm mang tới bức tranh tổng thể về Chiến thắng Điện Biên Phủ với góc nhìn mới, giàu cảm xúc. Đảm nhận vai trò sản xuất chương trình, nhà báo Tạ Bích Loan chia sẻ, cầu truyền hình sẽ có phần giao lưu với các nhân chứng lịch sử, chiếu phim tư liệu về chiến dịch Điện Biên Phủ và phần nghệ thuật với âm nhạc được phối khí bởi nhạc sĩ Lưu Hà An và Thanh Phương tái hiện những ngày tháng lịch sử và cả hơi thở của thời đại mới. “Không chỉ tại Hà Nội, Điện Biên mà ở khắp mọi nơi, chúng tôi vô cùng xúc động khi các cựu chiến binh - không biết có phải vì không khí kỷ niệm sục sôi không mà các bác đều khỏe, minh mẫn - kể những câu chuyện rất hay.
Bức tranh tổng thể về Chiến thắng Điện Biên Phủ được tái hiện với góc nhìn mới, giàu cảm xúc |
Có bác lưng còng phải chống gậy, ngồi xe lăn nhưng chỉ cần nghe đến “chiến sĩ Điện Biên” là bỏ cả xe lăn đứng dậy, sức mạnh tinh thần rất lớn. Tại nghĩa trang A1, các bức tường ghi tên những liệt sĩ và các ngôi mộ vô danh dày đặc. Ở đó có những người con vẫn ngày đêm đi tìm cha, có bác tóc đã hoa râm còn tâm sự đến giờ vẫn mơ thấy bố về xoa đầu mình” - nhà báo Tạ Bích Loan xúc động kể. Chị cũng cho biết thêm, trong quá trình tìm gặp các nhân chứng lịch sử, ê-kip sản xuất đã tuân thủ rất chặt chẽ khâu kiểm chứng thông tin, có sự cố vấn của Viện Lịch sử quân sự, kiểm tra chéo thông tin để đảm bảo tính xác thực tuyệt đối.
Điện Biên Phủ - Nhìn từ nước Pháp
Chương trình “VTV đặc biệt: Điện Biên Phủ - Nhìn từ nước Pháp” được phát sóng vào lúc 20h10 ngày 7-5-2024 trên kênh VTV1 hứa hẹn mang đến những thông tin đắt giá, chưa từng được tiết lộ tới khán giả về chiến thắng Điện Biên Phủ.
Nhà báo Trần Thu Hà - Phó Trưởng Ban Đối ngoại Truyền hình VTV4 cho biết, nhóm sản xuất chương trình chỉ có 4 tháng để nghiên cứu, thực hiện ghi hình tại Việt Nam và Pháp. Để hoàn thiện được những thước phim này, ê-kip sản xuất đã khai thác từ khối tư liệu đồ sộ về chiến dịch tại Trung tâm lưu trữ của Bộ Quốc phòng Pháp, Quốc hội Pháp để tiếp cận nhiều tài liệu mới được giải mật, nhiều thông tin chưa hoặc ít được nhắc tới về sự kiện lịch sử này. Trong quá trình thực hiện, nhóm cũng đã gặp gỡ với các nhân chứng lịch sử của Pháp và Việt Nam, tham khảo ý kiến của các chuyên gia, xử lý khối lượng thông tin khổng lồ, đồng thời sử dụng nhiều hình ảnh tái hiện sinh động kết hợp với đồ họa ấn tượng để thể hiện nội dung một cách chân thực nhưng vẫn cuốn hút người xem.
Trong số đó phải kể đến những thông tin giá trị được khai thác từ khối tư liệu báo cáo hàng ngày của quân đội Pháp trước, trong và sau chiến dịch Điện Biên Phủ. Các tài liệu được giải mật từ năm 2015 và có cả một số tài liệu mới được giải mật từ năm 2023, hiện còn một số chưa được công bố rộng rãi tới công chúng. Đặc biệt có cả văn bản tối mật từ phía Pháp ghi nhận vì sao thất bại tại Điện Biên Phủ, rồi câu chuyện tiếp diễn sau sự kiện ngày 7-5-1954 là gì. “Ngay sau thất bại Điện Biên Phủ, phía Pháp mở một phiên điều tra. Đến năm 1955 các tướng lĩnh phải điều trần và các phiên điều trần diễn ra trong suốt 8 tháng. Các kết luận độc đáo của các tướng lĩnh cũng được đưa vào trong chương trình” - đại diện nhóm sản xuất tiết lộ.
Cũng trong chương trình, ở phần cuối có nói về các cựu chiến binh Pháp từng tham gia chiến dịch tại Việt Nam. Nhà báo Trần Thu Hà chia sẻ, việc khai thác khía cạnh này gặp khá nhiều khó khăn vì những người lính năm xưa nhiều người đã mất, ê-kíp sản xuất rất vất vả mới tìm được 4 - 5 cựu binh Pháp trong độ tuổi từ 90 đến 101 hiện còn sống và vẫn minh mẫn. Tuy nhiên, khi liên hệ thì người Pháp vốn có tính tự tôn rất cao, lại là bên thua trận nên không phải ai cũng thiện chí nhận lời.
Sau đó nhờ sự hỗ trợ từ Bộ Quốc phòng Pháp, nhóm sản xuất chương trình đã gặp được 2 cựu binh tham chiến trực tiếp tại Điện Biên Phủ (trong đó có 1 người năm nay đã 94 tuổi, từng 4 lần bị quân ta bắt) và 2 cựu binh tham chiến tại Đông Dương. Trong 4 người đó có 1 người xuất thân là họa sĩ, trong quá trình bị dẫn giải về Thanh Hóa đã được các chiến sĩ của ta phát cho chiếc túi để đựng đồ dùng cá nhân. Sau hàng chục năm về nước, chiếc túi ấy vẫn được ông cất giữ cẩn thận và cách đây 2 năm đã trao tặng lại cho Bảo tàng Hồ Chí Minh.
Ngày đăng: 08:40 | 05/05/2024
An Vy / ANTĐ