Một nhà khoa học Ấn Độ hiến kế giúp giải quyết xung đột biên giới Trung Quốc - Ấn Độ .
Khu bảo tồn thiên nhiên
Trung Quốc và Ấn Độ có thể giải quyết cuộc xung đột biên giới ở dãy Himalaya bằng cách biến tất cả các khu vực tranh chấp thành khu bảo tồn thiên nhiên - Maharaj Pandit, giáo sư khoa học môi trường tại Đại học Delhi - viết trên tạp chí Nature.
Giáo sư Pandit cho biết cả Ấn Độ và Trung Quốc đang xây dựng các con đường và cơ sở hạ tầng khác, phá hủy hệ thực vật và động vật ở dãy núi Himalaya - theo bài báo được công bố vào ngày 23.6. Ông Pandit trích dẫn các ví dụ như Hành lang kinh tế Trung Quốc-Pakistan, hoặc con đường gần biên giới Trung Quốc mà Tổ chức Đường bộ Ấn Độ bắt đầu xây dựng vào tháng 4.2019.
Các nhà phân tích cho rằng ý nghĩa chiến lược của các dự án cơ sở hạ tầng này đã gây khó chịu cho cả hai bên và góp phần vào cuộc xung đột hiện tại ở biên giới, ở khu vực được gọi là Đường kiểm soát thực tế (LAC).
Giáo sư Pandit viết, không bên nào muốn chiến tranh, và những nỗ lực từ các nhà bảo tồn để thiết lập các khu bảo tồn thiên nhiên ở dãy Himalaya nên được coi là một giải pháp ngoại giao khả thi cho các cuộc xung đột biên giới.
Vùng Himalaya, trong đó bao gồm núi Everest, là quê hương của những loài động vật đang bị đe dọa như báo tuyết và hươu xạ, trải dài 2.410km trên một số quốc gia, trong đó có Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan, Nepal, và Bhutan. Tầm nhìn về một khu bảo tồn thiên nhiên khổng lồ sẽ đòi hỏi sự hợp tác của tất cả các quốc gia này - ông Pandit nói.
"Tôi muốn mở rộng cuộc thảo luận tới toàn bộ khu vực miền núi của dãy Himalaya, Trans-Himalaya và dãy Hoành Đạn ở Trung Quốc, cũng như các dãy núi của vùng Ấn Độ-Myanmar" - ông Pandit nói với tờ SCMP trong một cuộc phỏng vấn.
Giáo sư cho hay, đây là 3 điểm nóng đa dạng sinh học toàn cầu quan trọng nhất, có ý nghĩa bảo tồn to lớn và chia sẻ hàng triệu năm trao đổi sinh học.
Các lực lượng Trung Quốc và Ấn Độ đã chiến đấu trong cuộc chiến tranh biên giới năm 1962 và các cuộc giao tranh nhỏ hơn đã xảy ra kể từ đó.
Năm nay, các vụ đụng độ biên giới Trung-Ấn đã nổ ra vào ngày 5-6.5 trên bờ phía bắc của hồ Pangong, một lãnh thổ bị chia cắt bởi biên giới Trung-Ấn.
Nhưng cuộc đụng độ đẫm máu nhất đã diễn ra tại Thung lũng sông Galwan, một phần của dãy núi Karakoram, làm khoảng 20 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng cùng với số lượng thương vong của Trung Quốc không được tiết lộ.
Khu vực biên giới đẹp như tranh trở thành nơi xung đột giữa Trung Quốc và Ấn Độ. Ảnh: AFP |
Ngoại giao là hy vọng duy nhất
Giáo sư Pandit, một người gốc Kashmir, cho biết, ông sẽ tiếp tục viết một số bài báo học thuật về tác động của nạn phá rừng, biến đổi khí hậu và xây dựng đập đối với hệ sinh thái của dãy núi Himalaya.
"Quân sự hóa, thay đổi sử dụng đất và phá hủy môi trường sống trên dãy Himalaya có khả năng đẩy một số loài có quần thể nhỏ đến tuyệt chủng. Ngoại giao là hy vọng duy nhất của chúng. Thật dễ dàng để hình dung những tác động mà các cơ sở quân sự có thể gây ra ở những khu vực mong manh về mặt sinh thái" - ông Pandit viết trên tờ Nature.
Hình ảnh vệ tinh xác nhận rằng các lực lượng Trung Quốc đã dựng lên các tòa nhà ở phía Ấn Độ của Thung lũng sông Galwan. Cả hai bên đã triển khai hàng nghìn binh sĩ đến biên giới khi căng thẳng leo thang. Pandit lập luận trong bài viết của mình rằng, các khu vực có độ cao lớn như Galwan không được có sự can thiệp của con người.
Có những nơi khác, nơi các khu vực phân định không có con người đã giúp động vật hoang dã phục hồi. Ví dụ nổi bật nhất là khu phi quân sự (DMZ) giữa Hàn Quốc và Triều Tiên - một dải đất rộng 4km và dài 248km. DMZ đã không có sự hiện diện của con người kể từ khi ký hiệp định đình chiến sau chiến tranh Triều Tiên năm 1953.
Khu phi quân sự DMZ Hàn-Triều hiện là nơi phát triển mạnh mẽ của các loài động vật đang bị đe dọa, như gấu đen Châu Á và sếu đầu đỏ. Các nhà môi trường, như người sáng lập CNN Ted Turner, đã lập luận rằng DMZ nên được bảo tồn như một khu bảo tồn thiên nhiên, bất kể chính trị, giữa 2 miền Triều Tiên.
Ngọc Vân
Ngày đăng: 10:54 | 01/07/2020
/ laodong.vn