Chiếc đồng hồ ngày tận thế lại được các chuyên gia đặt về mốc 90 giây trước nửa đêm, cảnh báo nguy cơ con người hủy diệt thế giới cận kề.
Đồng hồ Ngày tận thế - Doomsday Clock - được tạo ra từ năm 1947 do các nhà khoa học nguyên tử đến từ tổ chức Bulletin of the Atomic Scientists (BAS) lập ra, cảnh báo thời điểm con người hủy diệt thế giới đang tới gần thế nào.
Hiểm hoạ hủy diệt càng lớn bao nhiêu thì chiếc đồng hồ sẽ càng chạy gần lại thời điểm nửa đêm (12 giờ) bấy nhiêu.
Khi đồng hồ ngày tận thế ở mức 90 giây có nghĩa là chúng ta đang sống trong giai đoạn nguy hiểm chưa từng có.
Vào ngày 23/1, các nhà khoa học Mỹ đã tiếp tục đặt "Đồng hồ tận thể" ở mốc trước nửa đêm chỉ 90 giây, giữ nguyên so với năm ngoái cho thấy những mối lo ngại về thảm hoạ hạt nhân vẫn có thể dẫn đến "ngày tận thế" vẫn chưa hề hạ nhiệt trong suốt 1 năm qua.
Một nhân viên chỉ vị trí kim phút trên “Đồng hồ Ngày tận thế” ở Washington ngày 23/1/2024 (Ảnh: AP News)
Năm 2023, BAS đặt đồng hồ ở mức 90 giây trước nửa đêm với lý do bùng phát xung đột Nga - Ukraine và nguy cơ leo thang hạt nhân ngày càng tăng.
Trước đó, từ năm 2020 đến năm 2022, đồng hồ được đặt ở mức 100 giây trước nửa đêm.
Bà Rachel Bronson, Giám đốc điều hành của tổ chức Bulletin of the Atomic Scientists (BAS) kêu gọi: "Đừng nhầm lẫn! Việc đặt lại đồng hồ từ 90 giây đến nửa đêm không phải là dấu hiệu cho thấy thế giới ổn định mà hoàn toàn ngược lại.
Các chính phủ và cộng đồng trên toàn thế giới cần phải hành động khẩn cấp.
Theo bà quyết định giữ đồng hồ ở mức 90 trước nửa đêm như năm 2023 phần lớn là do những lo ngại về cuộc chiến ở Ukraine, xung đột Israel - Hamas ở Gaza, khả năng xảy ra một cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân và khủng hoảng khí hậu.
"Các xu hướng tiếp tục tiến về phía thảm họa toàn cầu một cách đáng lo ngại. Cuộc chiến ở Ukraine đặt ra nguy cơ leo thang hạt nhân ở mức thường trực" - bà Bronson nói thêm.
Thời gian của Đồng hồ Ngày tận thế sẽ do Ban Khoa học và An ninh thuộc tổ chức phi lợi nhuận Bulletin of the Atomic Scientists, Mỹ chịu trách nhiệm cập nhật theo từng năm dựa trên những mối đe dọa hiện hành đối với sự tồn vong của loài người và Trái Đất.
Nhóm chuyên gia, bao gồm 13 nhà khoa học đạt giải Nobel, sẽ đánh giá mức độ nghiêm trọng của các sự kiện lớn trên thế giới để quyết định vị trí đặt các kim trên Đồng hồ Tận thế.
Chiếc đồng hồ này được tạo ra vào năm 1947 bởi một nhóm nhà khoa học nguyên tử, trong đó có Albert Einstein, người từng làm việc trong dự án Manhattan vào Thế chiến II.
Ban đầu, nhóm Bulletin of the Atomic Scientists chỉ điều chỉnh đồng hồ tận thế dựa trên đe dọa về hạt nhân. Nhưng từ năm 2007, nhóm quyết định bổ sung biến đổi khí hậu vào các yếu tố để đánh giá hiểm họa với Trái Đất.
Các nhà khoa học cho rằng, để có thể "quay ngược đồng hồ", bước đầu tiên cần 3 nước Mỹ, Trung Quốc và Nga có một cuộc đối thoại nghiêm túc về các mối đe dọa toàn cầu từ các cuộc xung đột đang diễn ra trên thế giới.
Ngày đăng: 20:33 | 25/01/2024
Phương Anh / Giao thông