Cách đây chừng trên dưới bốn trăm năm, lần đầu tiên quanh những lũy tre ở các ngôi làng cũ kỹ của người Việt đã lác đác xuất hiện vài giống người lạ. Nổi trội ở đám người đó là những gã đàn ông mắt xanh da trắng mũi lõ tóc vàng râu hoe hoe dài.
gió âu
Hà Nội là nơi hội tụ tinh hoa văn hóa Đông - Tây, thể hiện rõ nét nhất trong kiến trúc
Bọn họ đến từ những nước phương Tây xa xôi, cuồn cuộn găm sâu trong mình những nét văn hóa văn minh khác lạ. Đó có thể là những nhà truyền giáo, những nhà buôn liều lĩnh hoặc đơn thuần chỉ là một tay chơi ưa phiêu lưu. Rồi đây, người Việt bỡ ngỡ biết châu Âu là qua những con người đại loại vậy.
Tới tận hạ bán thế kỷ 15, châu Âu vẫn mơ hồ về châu Á. Lúc ấy, văn minh hàng hải phương Tây đã cực kỳ phát triển, những đội thương thuyền lớn đã hoành tráng xuất hiện. Nhưng quan trọng nhất là họ đã manh nha có một thế hệ những nhà thám hiểm kiệt xuất kiểu như Colombo hay Magellan. Tuy nhiên với họ, châu Á vẫn chỉ là “nghìn lẻ một đêm” lãng mạn Arập hoặc cùng lắm là huyền bí Ấn Độ. Không phải ngẫu nhiên họ gọi vùng đất Đông Á, nơi có những quốc gia văn minh tiêu biểu khác như Trung Hoa như Nhật Bản… là Viễn Đông (Far - East), đại loại là một thứ phương Đông xa tít “man rợ”.
Tất nhiên trước đó, qua lời kể của thương gia người Ý là Marco Polo, họ cũng mơ màng biết ở nơi màu mỡ ấy, luôn ăm ắp đầy những ngà voi những trầm hương những tơ lụa. Một cái nhìn ngạo mạn phảng phất chất “con buôn”. Hầu hết bọn họ đều không nghĩ rằng, đã có một châu Á với những đỉnh cao tinh hoa về tôn giáo về triết học, được tinh tế sâu sắc thể hiện qua văn chương âm nhạc hay hội họa.
Với bản chất trong sáng cởi mở, người Việt sẵn sàng đón nhận những giá trị tinh thần cao cả nhất từ một nền văn minh phương Tây nhân bản. Và hầu như nhà nào nếu có tủ sách, thì cũng dày dặn có đủ các danh tác của các nhà văn châu Âu vĩ đại.
Có lẽ vì cái thói thực dân “dĩ Âu vi trung” trịch thượng này, mà ngay cả đến bây giờ, các sách về lịch sử do người châu Âu viết vẫn thiển cận tự hào là họ đã “tìm ra châu Mỹ”. Bất chấp một điều, đã hẳn hoi hiện diện cả nghìn năm ở đó, một nền văn minh vĩ đại của người Maya, người Aztec.
Có phải vậy chăng mà khi những “ông Tây” lần đầu tiên đặt chân tới Đại Việt đều bị cảm giác bàng hoàng ngạc nhiên. Thôi thì không kể những lời tụng ca, đôi khi là xã giao nịnh khéo, về phong tục về sản vật. Chỉ cần qua cái nhìn của họ về đàn ông Việt thì đã thấy vô số lẫn lộn nửa đúng nửa sai. Ví như những nhận xét từ cuốn sách “Xứ Đàng Trong năm 1621” của học giả Cristophoro Bori người Ý.
“Đàn ông cũng để tóc dài như đàn bà, cho tóc xõa xuống gót chân và cũng đội nón… Nét mặt thì cũng giống như người Tàu, cũng có mũi tẹt mắt bé nhưng can đảm thì hơn hẳn. Nếu họ nhanh nhẩu và rộng rãi hay cho, thì mặt khác họ lại hay xin những gì họ thấy. Thế nên khi vừa đưa mắt nhìn thấy những vật họ cho là hiếm lạ, là họ đem lòng thèm muốn và nói ngay “xin một cái”. Ai từ chối họ thì bị coi là người xấu”. Truyền thống hay xin những cái gì có giá trị thì đến nay đàn ông Việt có chức quyền vẫn luôn trân trọng gìn giữ.
Tiếp đó, vẫn học giả này đã hồn nhiên chân thành nhận xét “Người Đàng Trong dịu dàng và lịch thiệp hơn tất cả các sắc dân phương Đông nào khác. Người ngoại quốc tới đây không cần biết một chữ gì, chỉ cần chữ “đói”, nghĩa là tôi đói thì tất cả cư dân bản địa động lòng sẽ cho họ ăn. Đến nỗi trong một thời gian rất ngắn họ đã thủ được nhiều thức ăn dự trữ bởi người Đàng Trong tử tế và hòa nhã”. (Sách đã dẫn, trang 51- 53).
Trong cuốn “Lịch sử cuộc viễn chinh Nam Kỳ 1861”, Trung úy hải quân Léopold Pallu kinh ngạc “Hầu hết đàn ông chỉ dùng một miếng vải rộng buộc bằng dây lưng quấn quanh bụng gọi là cain-chian (cái chăn). Họ ham chơi, khi làm được tiền là xài ngay. Họ không thích và không có khả năng về thương mại. Họ ham mê cờ bạc cao độ. Thoáng là đã thua sạch chỉ còn cain-chian ở trên người”. Quả là một nhận xét thú vị.
Kinh Phật có kể, một con nòng nọc bỗng một hôm thành cóc nhảy lên bờ. Nó gặp con mèo và khi quay về cố tả lại cho bọn cá sống cùng ao. Nhưng cho dù ngôn từ của nó có hoạt hơn cả “em xi” truyền hình, thì vẫn không sao miêu tả đúng. Đơn giản bọn cá chỉ thắc mắc là không có mang thì làm sao thở nổi, và không có vây thì chuyển động thế quái nào được. Cảnh giới khác nhau thì hiển nhiên chủ quan đánh giá cũng khác nhau. Chắc hẳn người Việt mà hồi ấy được sang Tây, thì cũng bình luận ngu ngơ nửa nông nửa sâu như vậy.
Tất nhiên cùng với thời gian, loại đi những trang sử đẫm máu tàn bạo của thói quen chiếm hữu thực dân, thì giờ đây quá nhiều người Việt đương đại đã thân thuộc với châu Âu qua những thương hiệu thời trang khét tiếng, qua những kiểu dáng xe hơi lừng danh. Hoặc sang trọng hơn, qua những màu sắc độc đáo của các chai vang già tuổi.
Với bản chất trong sáng cởi mở, người Việt sẵn sàng đón nhận những giá trị tinh thần cao cả nhất từ một nền văn minh phương Tây nhân bản. Người ta dễ dàng thấy trong những ngôi nhà của giới trung lưu Việt hôm nay, luôn thiết tha vang lên những giai điệu tuyệt vời của những bản concerto. Và hầu như nhà nào nếu có tủ sách, thì cũng dày dặn có đủ các danh tác của các nhà văn châu Âu vĩ đại.
Ngay từ buổi đầu “gió Âu mưa Á”, (cuối thế kỷ 19 sang 20), một giấc mơ thánh thiện luôn cháy bỏng trong đầu những tiền bối trí thức Việt yêu nước. Đó là làm sao thế hệ trẻ phải sâu sắc hấp thụ bằng được những tinh hoa văn hóa Đông-Tây, để từ đấy dựng xây một quốc gia hùng cường. Những giá trị nhân văn cao cả từ châu Âu đã góp một phần không nhỏ để giấc mơ tuyệt vời đấy thành hiện thực.
Hà Nội rợp bóng cây những năm 1990 Cây lộc vừng 9 gốc soi bóng hồ Gươm, phố Lò Đúc có hàng sao đen thẳng tắp, khu vực ven hồ Tây còn là ... |
Những bí mật trong lòng công viên đầu tiên của Hà Nội Tôi vẫn nhớ cái lần đầu tiên vào Vườn Bách Thảo Hà Nội. Khi ấy tôi mới là cậu sinh viên chân ướt chân ráo ... |
Ngày đăng: 09:20 | 11/12/2017
/ An ninh Thủ đô