Theo dự thảo Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, mỗi GPLX sẽ có 12 điểm tương ứng với 12 tháng, đây là mức điểm được lấy theo kinh nghiệm của một số nước đã áp dụng cách làm này.
Bộ Công an sẽ không thể hiện trực tiếp số điểm trên bằng lái mà mã hóa, lưu trên hệ thống dữ liệu. Khi có quyết định xử phạt, điểm sẽ được trừ trên hệ thống. CSGT chỉ cần kiểm tra nhanh trên máy sẽ biết tài xế còn bao nhiêu điểm.
“Trong trường hợp bị trừ hết điểm, giấy phép lái xe bị coi không còn hiệu lực. Tài xế muốn cấp giấy phép lái xe mới, phải học và thi trong thời gian ít nhất 6 tháng” – Đại tá Đỗ Thanh Bình, Phó Cục trưởng Cục CSGT cho biết.
Theo Đại tá Đỗ Thanh Bình, trong thời hạn một năm kể từ lần trừ điểm gần nhất, nếu người lái xe không bị trừ hết điểm thì cơ quan chức năng sẽ cấp lại 12 điểm để áp dụng cho năm kế tiếp. Trong một năm mà tài xế không vi phạm thì sẽ không được cộng tích luỹ điểm sang năm kế tiếp. Tài xế bị trừ hết điểm sẽ phải thi lại GPLX.
“Ví dụ trong năm 2020, bạn không vi phạm, không bị trừ điểm nào thì năm 2021 bạn vẫn chỉ được cấp 12 điểm chứ không được cộng dồn điểm của năm 2020 thành 24 điểm. Điều này sẽ tránh được việc nhiều người có GPLX nhưng không điều khiển phương tiện, nếu cộng dồn điểm sang năm sau thì người đó vẫn không có kỹ năng lái xe thực tế. Chúng tôi đang đề nghị theo hướng, nếu lái xe chấp hành nghiêm quy định của pháp luật về bảo đảm TTATGT thì sẽmua bảo hiểm trách nhiệm dân sự với giá thấp hơn. Lái xe bị trừ điểm nhiều – tức là có nguy cơ mất an toàn cao hơn thì sẽ phải mua bảo hiểm với giá cao hơn” - Đại tá Đỗ Thah Bình cho biết.
Đại tá Đỗ Thanh Bình đánh giá đây là biện pháp quản lý văn minh và toàn diện. Thay vì chỉ quản lý theo từng hành vi đơn lẻ như hiện nay, cơ quan Nhà nước còn có thể theo dõi quá trình chấp hành luật của tài xế sau vi phạm.Cục CSGT đã tham khảo kinh nghiệm một số nước có hệ số an toàn giao thông cao có sử dụng hệ thống trừ điểm như Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc... để sớm xây dựng hướng dẫn, mức điểm trừ cụ thể cho từng hành vi trong thời gian tới.
“Ở các nước, khi tài xế vi phạm bị xử phạt, cơ quan quản lý sẽ tính điểm tùy theo mức độ nguy hiểm của hành vi. Khi bị mất toàn bộ số điểm, họ sẽ thu hồi GPLX và người muốn được cấp lại giấy phép sẽ phải thi lại hoặc thậm chí là học lại luật. Ngoài việc quản lý toàn diện, việc này còn tác động giúp tài xế có ý thức hơn, hạn chế tái phạm”, Đại tá Đỗ Thanh Bình thông tin thêm.
Vừa qua, Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 123/NQ-CP phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 8.2020. Trong nghị quyết này, đáng chú ý là việc Chính phủ thống nhất với đề xuất của Bộ Công an trong dự thảo Luật bảo đảm TTATGT đường bộ quy định về điểm của giấy phép lái xe khi thảo luận về dự thảo luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Trong đó, Chính phủ thống nhất quy định về điểm của giấy phép lái xe là một biện pháp quản lý hành chính (không phải là một hình thức xử phạt hành chính) theo hướng giấy phép lái xe được cấp 12 điểm/năm.
Nếu trong 1 năm mà bị trừ hết điểm thì phải thi lại giấy phép lái xe; còn nếu không trừ hết điểm thì phải cấp lại 12 điểm để áp dụng cho năm kế tiếp hoặc trong 1 năm mà không có vi phạm thì phải được cộng điểm, tức là phải có hình thức cộng lại điểm (hoặc khôi phục điểm) cho giấy phép lái xe hằng năm. Trên cơ sở đó, Chính phủ sẽ quy định cụ thể thẩm quyền, căn cứ, trình tự, thủ tục thực hiện, bảo đảm đơn giản, hợp lý, tránh phiền hà cho người dân.
Chính phủ lưu ý rằng dự thảo luật quy định mang tính nguyên tắc, Chính phủ sẽ quy định cụ thể các hành vi, nhóm hành vi vi phạm trong lĩnh vực trật tự, an toàn giao thông đường bộ bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe trong nghị định xử phạt vi phạm hành chính có liên quan.
Chính phủ giao Bộ Công an tiếp thu ý kiến các thành viên Chính phủ, khẩn trương chỉnh lý, hoàn thiện dự án luật, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định trình Quốc hội khóa XIV tại kỳ họp thứ 10.
Được biết, hiện nay, Bộ Công an đang chỉ đạo Cục CSGT triển khai phần mềm xử lý phạm, khi phần mềm này ra đời, toàn bộ phương tiện vi phạm, GPLX của người vi phạm đã có trong dữ liệu. Khi CSGT ra quyết định xử phạt sẽ nhập dữ liệu vào phần mềm này, từ đó, sẽ kiểm soát được tất cả những lỗi lái xe đã vi phạm.Dữ liệu này sẽ song song với việc quản lý cấp đổi GPLX. Việc này sẽ không phát sinh thủ tục hành chính cho người dân. Sự kết nối thông qua công nghệ thông tin giữa cơ quan quản lý nhà nước, đặc biệt là CSGT với người dân sẽ dễ dàng hơn.
Phương Thuỷ
Tước giấy phép lái xe tải 2 tháng vì không nhường đường xe ưu tiên |
Dự thảo Luật Giao thông đường bộ chỉ còn quy định 14 hạng Giấy phép lái xe |
Ngày đăng: 00:04 | 07/09/2020
/ cand.com.vn