Thay vì giãn cách, người dân và lực lượng làm nhiệm vụ phải tăng tiếp xúc, không thể đảm bảo 5K ở chốt kiểm soát hoặc tại UBND phường xã, nơi xác nhận giấy đi đường.
Tối Chủ nhật 8/8, Hà Nội ra văn bản hỏa tốc yêu cầu siết chặt việc cấp, sử dụng giấy đi đường. Giấy này - do nơi làm việc cấp - phải có xác nhận của UBND phường, xã. Ngoài ra, để qua chốt, người dân phải trình căn cước công dân/chứng minh thư nhân dân, lịch trực, lịch làm việc, văn bản phân công nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị.
Quy định mới được thực hiện ngay trong sáng thứ Hai, khiến các chốt kiểm soát ùn ứ, không chỉ vì lực lượng chức năng phải kiểm tra, xem xét nhiều loại giấy tờ hơn, mà còn vì hầu hết người dân “trở tay không kịp”, chưa thể có văn bản phân công nhiệm vụ hay lịch làm việc.
Cũng trong ngày đầu tuần, UBND các xã, phường quá tải vì số người đến xin xác nhận giấy đi đường, đến nỗi có phường phải tạm đóng cửa UBND để giải quyết hết số hồ sơ đã nhận rồi mới mở ra cho những người tiếp theo. Nhiều công dân phải đợi gần 4 tiếng mới đến lượt. Và khi đến lượt, không ít người vẫn phải ra về tay không do được yêu cầu thêm các giấy tờ khác như: Văn bản đề nghị kèm theo danh sách của công ty, phương án phòng chống dịch COVID-19 của công ty, bản cam kết, đăng ký ngành nghề kinh doanh, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh để khẳng định ngành nghề đủ điều kiện, được hoạt động trong thời gian cách ly xã hội…
Tóm lại, trong tình hình dịch bệnh căng thẳng cần giãn cách tối đa, những người muốn có giấy đi đường phải liên tục xuất hiện nơi đông đúc, đi lại nhiều nơi, thậm chí mỗi nơi phải đến vài lần. Nói cách khác, thay vì giãn cách, họ phải tăng tiếp xúc để đáp ứng các thủ tục mà cơ quan chức năng đòi hỏi. Chỉ cần trong đám đông đang chờ qua chốt kiểm soát hay chờ xin xác nhận ở phường có một ca F0, những người xung quanh họ khó được an toàn, nhất là với virus SARS-CoV-2 biến thể Delta.
Rõ ràng, cách siết chặt của Hà Nội đang lợi bất cập hại và có thể làm lây lan dịch bệnh nhanh hơn, thậm chí mất kiểm soát nếu không thay đổi ngay. Cách làm này khiến cho những địa điểm có nhiệm vụ đảm bảo giãn cách phòng chống dịch lại thành nơi nguy hiểm có thể làm lan tỏa mầm bệnh. Khi đám đông tụ tập, ùn ứ ở một chỗ, làm sao có thể đảm bảo khoảng cách, và như thế, làm sao tuân thủ nghiêm khuyến cáo 5K của Bộ Y tế? Chỉ thị 16 yêu cầu không tập trung quá 2 người tại nơi công cộng, điều này là không thể ở các chốt kiểm soát hay UBND xã nơi xác nhận giấy đi đường.
Vẫn với mục đích siết chặt việc đi lại, hạn chế tối đa các đối tượng được phép ra đường, tại sao chúng ra không sử dụng QR code ở các chốt kiểm soát? C nghệ hiện nay thừa sức làm điều đó, và gần như toàn dân đang dùng điện thoại thông minh. Thời 4.0, giữa Thủ đô, sao phải xếp hàng đóng dấu thủ công như vậy? Hãy để các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp cấp mã cho từng nhân viên vì mỗi mã QR là duy nhất, việc làm giả nếu có sẽ khó khăn hơn nhiều so với văn bản vật lý. Người dân chỉ mất một giây để qua chốt, lực lượng chức năng không phải tiếp xúc gần với họ, cũng không cần bố trí nhiều nhân sự…
Để tăng cường thêm một lớp giám sát, cảnh sát sẽ tuần tra, kiểm tra ngẫu nhiên người đi đường, ai không chứng minh được mình có lý do chính đáng thì xử lý. Hoặc thành phố có thể cấm hẳn việc ra đường và quy định rõ một số đối tượng được phép đi.
Có lẽ khi đòi hỏi thêm nhiều giấy tờ thủ tục, chính quyền muốn sàng lọc những người thực sự cần ra ngoài, vì những người khác sẽ không đủ động lực đáp ứng các điều kiện khắt khe, tốn công tốn sức và cả nguy hiểm như vậy. Nhưng thực tế ngày đầu áp dụng cho thấy, ở Thủ đô, số người nhất thiết phải ra đường rất lớn.
Vì thế thay vì áp dụng sách lược “làm khó”, Hà Nội nên dùng công nghệ để mọi thứ dễ dàng hơn, cho cả người dân và các lực lượng làm nhiệm vụ, vì chính họ cũng đang đối mặt với nguy hiểm khi làm việc trong đám đông đến từ mọi nơi.
Bạn có đồng tình với quan điểm trên? Hãy chia sẻ ở box bình luận bên dưới.
Lê Hòa
Người Hà Nội ra khỏi nhà cần mẫu giấy đi đường và giấy tờ gì? |
Ảnh: Ngày đầu Hà Nội siết chặt giấy đi đường, xe cộ ùn ứ tại chốt kiểm dịch |
Ngày đăng: 07:41 | 10/08/2021
/ vtc.vn