Cách chấm điểm câu đọc hiểu trong bài kiểm tra tiếng Anh khiến cô giáo lớp 6 bị đánh giá nhận thức kém.
Bức ảnh chụp một câu hỏi trong bài kiểm tra tiếng Anh lớp 6 ở Singapore được đăng lên mạng đầu tháng 3 đã gây tranh cãi kịch liệt, bởi người chấm điểm đã truyền thông điệp sai lệch cho học sinh.
Bài kiểm tra gây tranh cãi. Ảnh: Facebook
Đoạn văn đọc hiểu phía trên kể về một cậu bé muốn làm mẹ ngạc nhiên bằng cách mua bánh sinh nhật tặng. Học sinh phải đọc một số câu diễn giải sau đó về đoạn văn, chọn "True" (đúng) hay "False" (sai) và giải thích lý do.
Ở câu đầu tiên, "Tác giả (cậu bé) xuất thân từ một gia đình khá giả", học sinh đã xác định là sai và giải thích: "Tác giả muốn mua một chiếc bánh nhưng chỉ đủ tiền mua một miếng". Giáo viên đánh dấu câu trả lời là không chính xác và sửa lại: "Mẹ của tác giả làm việc trong một quán cà phê cóc".
Câu này có giá trị một điểm và được cho là một phần của bài kiểm tra đánh giá thường xuyên (CA) của trường.
Rainbow Lim (24 tuổi), gia sư của học sinh nói trên đã chia sẻ bức ảnh lên Facebook, được chia sẻ gần 4.000 lần. Lim cho biết học sinh thất vọng về đáp án được sửa. Em nói: "Bố em làm việc ở một khu bán hàng rong ngoài trời (mô hình phổ biến ở Singapore) nhưng nhà em không nghèo, nên em không nghĩ đó sẽ là đáp án".
Trên mạng xã hội, cộng đồng bày tỏ sự phẫn nộ trước cách chấm điểm vô lý, cho rằng trường học đang khuyến khích xây dựng định kiến về các tầng lớp xã hội. Nhiều người khẳng định họ cũng có bố hoặc mẹ bán hàng rong hay phụ việc ở quán nhỏ và gia đình họ "không nghèo".
Đoạn văn được sử dụng là một trích đoạn trong truyện ngắn "Grasshoppers" của nhà văn Singapore O Thiam Chin. Trả lời The New Paper, anh cho biết rất ngạc nhiên với cách tác phẩm của mình được diễn giải trong nhà trường. Đoạn trích chỉ là một phần nhỏ của câu chuyện, và giáo viên đang cố tách nó ra khỏi bối cảnh chung.
"Nếu chỉ dựa trên một dòng mô tả về công việc hoặc môi trường làm việc của nhân vật mà rút ra kết luận nhân vật đó giàu hay nghèo thì thật bất công. Điều này phản ánh sự nông cạn về nhận thức, cách đánh giá chủ quan và kinh nghiệm sống ít ỏi của người đọc", anh nhận xét.
Trong bối cảnh Singapore muốn đề nghị UNESCO công nhận văn hóa hàng rong ở nước này là di sản văn hóa nhân loại, thái độ của người chấm bài càng trở nên khó chấp nhận đối với cộng đồng.
Bộ Giáo dục không đưa ra bình luận về sự việc vì chưa xác minh nguồn gốc của bài kiểm tra. Tuy nhiên, Bộ khuyên giáo viên nên nhạy cảm với các vấn đề chủng tộc, tôn giáo, tầng lớp kinh tế xã hội khi ra đề và chấm điểm cho học sinh.
‘Bà ấy biết gì mà làm sếp’ - con ngáo ộp mang tên định kiến
Sống giữa tràn ngập định kiến, phụ nữ luôn trong tình trạng phải vô thức dành một phần năng lượng quý báu của não bộ ... |
Hoa hồng cho 8/3 - đừng mãi trói nhau bằng tư duy những ngày đã cũ
“Đàn ông phải thế này”, “phụ nữ phải thế kia”, “con gái mà thế à”, “con trai thì không được khóc” … Tại sao chúng ... |
CEO Nguyễn Tử Quảng: "Nếu thay đổi định kiến, Việt Nam sẽ là cường quốc công nghệ"
Theo người sáng lập BKAV, định kiến người Việt không thể làm ra những sản phẩm cạnh tranh với các nước lớn là giới hạn ... |
Ngày đăng: 14:20 | 26/03/2019
/