Không chỉ bị chấn động tâm lý, những trẻ bị phạt nhốt trong tủ kín sẽ nảy sinh ý tưởng bạo lực, có suy nghĩ bi quan về thế giới.
Bạo lực chưa bao giờ là phương pháp dạy học
Đánh giá về hành động "phản giáo dục" của giáo viên trường Maple Bear Westlake Point khi nhốt trẻ trong tủ đựng đồ, TS Vũ Thu Hương - Chuyên gia giáo dục độc lập khẳng định "bạo lực chưa bao giờ là phương pháp dạy học".
"Giáo viên coi việc bạo lực trẻ em dễ dàng như vậy thể hiện là người thiếu kiến thức, thiếu kỹ năng mềm và đạo đức nghề nghiệp", TS Vũ Thu Hương nói.
Còn theo TS Nguyễn Thị Thanh - Hiệu trưởng trường Mầm non Thực hành Hoa Sen, hành động nhốt trẻ vào tủ kín là cách xử lý không đúng mực, biểu hiện của việc bạo hành về tinh thần. Để trẻ mầm non vào trong bóng tối và không có chỗ dựa tinh thần sẽ khiến trẻ hoảng loạn và gây ra những sang chấn tâm lý.
Bà cho rằng, ở tất cả các tình huống liên quan đến trẻ, người giáo viên trực tiếp đứng lớp phải chịu trách nhiệm, hiệu trưởng và toàn bộ nhà trường cũng chịu liên đới.
Theo bà Thanh, việc học sinh không nghe lời xuất phát từ nhiều nguyên nhân, có thể do tính của trẻ còn ngây thơ, hồn nhiên, nghịch ngợm; hoặc nguyên nhân khác là do cô giáo nói nhưng trẻ chưa hiểu yêu cầu; hay cũng có thể do những ức chế từ bên ngoài như thời tiết nóng bức, áp lực học tập căng thẳng…
Một cơ sở của trường Mầm non Maple Bear. (Ảnh: Infonet) |
Giáo viên muốn trẻ nghe lời thì phải tìm ra nguyên nhân thì mới có cách ứng xử phù hợp. “Giáo viên cũng phải đưa ra những thương thuyết với trẻ. Giáo viên mầm non không thể nghĩ trẻ em như người lớn, bảo gì phải nghe đấy được”, TS Nguyễn Thị Thanh nhận định.
TS Thanh băn khoăn: “Mỗi lớp học mầm non có ít nhất hai giáo viên. Vậy giáo viên còn lại có cùng tham gia và đồng tình với cách ứng xử với đồng nghiệp hay không? Tại sao khi biết chuyện vẫn không báo lên với ban giám hiệu nhà trường?”.
Trẻ chấn động tâm lý, nảy sinh ý tưởng bạo lực
Theo TS Vũ Thu Hương, hành động phạt nhốt trẻ vào tủ của giáo viên sẽ ảnh hưởng nặng nề đến tinh thần của trẻ, đặc biệt là trẻ lứa tuổi mầm non. Nhốt trẻ trong tủ kín là tạo "môi trường độc hại" để dạy trẻ. Môi trường này sẽ tác động trực tiếp đến đứa trẻ bị phạt và gián tiếp đến nhiều đứa trẻ khác trong lớp.
"Bản thân trẻ bị nhốt trong tủ sẽ rất sợ. Tuy nhiên, trong tâm lý học, trạng thái sợ quá có thể sẽ đẩy ký ức vào quên lãng. Nhưng với trẻ chứng kiến việc này gián tiếp thì chúng thậm chí còn sợ, hốt hoảng và chấn động tâm lý hơn. Bởi không phải tiếp nhận sự việc trực tiếp nên mọi cảm giác đều do tự chúng phỏng đoán", chuyên gia phân tích.
Nguy hiểm hơn, không chỉ bị chấn động tâm lý, những đứa trẻ còn nảy sinh ý tưởng bạo lực, hoặc hành vi không tốt khiến chúng có suy nghĩ bi quan về thế giới.
Khác với trẻ ở lứa tuổi Tiểu học, trẻ dưới tuổi lớp 1 hay trẻ nhỏ phụ thuộc người lớn đến 80%, vì vậy tâm lý của chúng yếu ớt hơn lứa tuổi đã có tính tự chủ.
Bảng học phí của trường Mầm non Maple Bear tại Việt Nam, mức cao nhất là gần 200 triệu đồng/năm. |
Giá trị giáo dục không đi đôi với học phí
Sự việc trường Tiểu học Gateway chết thương tâm trên xe đưa đón chưa lắng xuống thì trường Maple Bear Westlake Point lại bị phát hiện phạt trẻ bằng biện pháp "phi giáo dục", khiến nhiều phụ huynh lo ngại chất lượng và chi phí đắt đỏ của các ngôi trường mang danh "quốc tế" này.
Về vấn đề này, theo tiến sĩ Hương, hiệu quả giáo dục ở Hà Nội không tương đồng với số tiền học mà cha mẹ phải đóng. "Nhiều phụ huynh đóng tiền không dựa trên chất lượng thực chất của ngôi trường mà dựa trên đồ dùng, dựa trên mác "quốc tế". Trong khi đó rất nhiều ngôi trường tốt với giá thành rất rẻ, giáo viên có tâm, kiến thức và đạo đức", TS. Vũ Thu Hương nói.
Để khắc phục tâm lý cho trẻ, chuyên gia cho rằng cần phải chuyển trường, thay đổi môi trường mới để trẻ không bị ảnh hưởng sau sự việc, nhanh quên nhất những hậu quả mà con phải chịu.
Về hình thức sa thải giáo viên, theo tiến sĩ Hương, đó chỉ là giải pháp trước mắt. "Sa thải xong, hiệu trường sẽ nhận ai vào làm?", chuyên gia đặt câu hỏi. Bà cũng cho rằng, sau sự việc cơ sở giáo dục cần có phương án rõ ràng trong việc tuyển dụng, đào tạo và kiểm tra, thanh tra công việc dạy dỗ của giáo viên.
Chị Lê Mai Linh - có con là cháu Lê M. đang theo học lớp Panda cho biết, gần đây con chị sợ đi học. Bé học tại trường được gần hai năm và trước đó rất thích đi học. Sau nhiều lần yêu cầu nhà trường cho xem camera lớp học thì phát hiện con bị mắng, nhiều cháu bị nhốt trong tủ quần áo.
Thời gian gần đây bé nhà chị đi học với tâm trạng hoảng loạn. Chị có gặng hỏi thì con nói rất sợ cô Thu, cô Hằng.
Sau nhiều lần đề nghị, chị Linh được xem lại camera ngày 5/8/2019. Lúc xem, chị "tá hỏa" trước những hình ảnh mà camera ghi lại. Không chỉ là hình ảnh con quấy khóc không được dỗ dành, mà chị còn thấy cô giáo nhốt trẻ vào trong tủ đựng đồ của lớp học nhiều lần trong ngày. "Cô kéo một bạn nhét vào tủ quần áo, rồi lấy gối chèn cửa...", chị Linh nói.
Dù học phí 20 triệu đồng/tháng nhưng do tin tưởng vào cam kết của nhà trường: 'Maple Bear - tạo nên những đứa trẻ hạnh phúc' hay 'lấy trẻ làm trung tâm' nên chị gửi con ở đây.
Chiều 19/8, ông Lê Hồng Vũ, Trưởng phòng GD&ĐT quận Tây Hồ (Hà Nội) cho biết, Maple Bear Westlake Point chưa có giấy phép hoạt động và cũng chưa được giao tuyển sinh. Cách đây 2 tuần, phòng có văn bản yêu cầu trường dừng hoạt động, hiện vẫn có học sinh theo học là vì đang giải quyết những vấn đề còn lại.
Maple Bear là tổ chức giáo dục toàn cầu có liên kết với Việt Nam từ năm 2010. Đến nay, tại nước ta có 6 cơ sở với 134 giáo viên và 450 học sinh theo học hệ thống giáo dục này.
Ngày đăng: 09:32 | 20/08/2019
/ vtc.vn