Phải làm thêm nhiều công việc cùng lúc, các giáo viên đếm từng ngày được tăng lương.
Khi học sinh cuối cùng được bố mẹ đón về, cô Nguyễn Thị Kim (sinh năm 1973) leo lên chiếc xe số vỡ một bên yếm để đến chợ nhập hoa, phục vụ công việc tay trái. Cô Kim đang làm thêm 3 công việc bên cạnh việc chính là giáo viên mầm non.
Cô Kim bắt đầu đi dạy từ năm 1996, đến nay 26 năm thâm niên trong nghề. Nữ giáo viên hưởng mức lương bậc 7, hạng 3 là 5,9 triệu đồng/tháng. Cộng cả tiền phụ cấp (bao gồm 35% đứng lớp và phụ cấp thâm niên), thu nhập mỗi tháng của cô là khoảng 8,4 triệu đồng.
“Số tiền này không đủ nuôi ba đứa con - hai đứa học tiểu học và một đại học. Tôi từng có ý định nghỉ việc để đi làm công nhân, không phải gánh nhiều việc một lúc”, cô Kim nói.
Để trang trải cuộc sống, cô Kim làm thêm đủ thứ nghề. Cô từng làm các nghề như thêu tranh, đánh máy thuê, trông trẻ cuối tuần... Buổi sáng, sau khi đưa 2 con nhỏ đi học, cô Kim vòng ngược lại đưa con của hàng xóm đến lớp. Buổi tối, cô cùng chồng nhận làm thêm tráp cưới hỏi và bán hàng online. Đặc biệt vào ngày cuối tuần, cô tranh thủ đi ship những đơn hàng khách đặt.
“Vẫn biết ôm đồm nhiều nghề, tôi sẽ không có thời gian bên con, kèm cặp con học tập, nhưng, cuộc sống vất vả nên lúc nào cũng chỉ mong các con thông cảm cho bố mẹ”, chị Kim nói.
Giáo viên làm thêm nhiều nghề để trang trải cuộc sống.
Cũng như cô Kim, cô Trần Huyền - giáo viên mầm non tại Bắc Giang cũng làm đủ nghề để kiếm sống. Nữ giáo viên này cho biết, bản thân vào nghề từ năm 2012, hưởng hệ số lương 3,03 (bậc 4, hạng 3), hàng tháng nhận về khoảng 4,5 triệu đồng. “Nếu chỉ trông chờ vào lương thì không thể nuôi 2 đứa con ăn học, càng không đủ chi trả cho cuộc sống”, cô Huyền nói.
Ngày Chủ nhật, kết thúc công việc MC tại 2 đám cưới, cô Huyền lại nhanh chóng thu dọn đồ đạc đến nhà một khách hàng để làm công việc vẽ tường. Tối về, cô nhận phun xăm thẩm mỹ cho khách đã hẹn.
Cô Huyền tâm sự, dù tất cả những công việc hiện tại đều để mong con cái có cuộc sống tốt đẹp hơn, nhưng sâu thẳm trong lòng, cô luôn cảm thấy có lỗi vì dành quá ít thời gian cho các con. "Nếu sớm được tăng lương, tôi sẽ giảm bớt một công việc để có thêm thời gian bên các con”, cô Huyền tâm sự.
Đi dạy 5 năm, thu nhập 6 triệu đồng/tháng
Trong báo cáo gửi đại biểu Quốc hội mới đây, Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, theo thống kê từ hệ thống cơ sở dữ liệu ngành, năm học 2021-2022,16.265 giáo viên nghỉ việc, chuyển việc. Trong đó, giáo viên công lập nghỉ việc là 10.407 người, giáo viên ngoài công lập nghỉ việc là 5.858 người.
Giáo viên nghỉ việc nhiều nhất là ở bậc mầm non. Nguyên nhân, hơn 2 năm ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, một số cơ sở mầm non ngoài công lập phải đóng cửa, dẫn đến giáo viên ở các cơ sở này phải tìm kiếm việc làm khác. Một số giáo viên không phải người địa phương trở về quê cùng gia đình tránh dịch và không trở lại.
Với cơ sở giáo dục công lập, tình trạng giáo viên nghỉ việc là do chế độ, chính sách về tiền lương còn nhiều bất cập, lương giáo viên chưa đủ để trang trải cuộc sống.
Hiện giáo viên công tác trong 5 năm đầu thu nhập bình quân từ lương và phụ cấp khoảng 6 triệu đồng/tháng. Trong khi đó, chi phí thiết yếu cho cuộc sống (ăn, ở, nuôi con, chăm sóc sức khỏe…) khá cao. Điều này khiến một số giáo viên phải chuyển sang làm các công việc khác thu nhập cao hơn”, Bộ trưởng nói. Mặt khác, sự phát triển của các thành phần kinh tế trong thời kỳ đổi mới đã tạo ra nhiều cơ hội lựa chọn việc làm khác cho đội ngũ giáo viên.
Năm học 2021-2022 có 16.265 giáo viên nghỉ việc, chuyển việc.
Thêm vào đó, một số cơ sở giáo dục chậm đổi mới trong quản lý, áp lực công việc với giáo viên còn lớn. Dù trong những năm qua, ngành giáo dục quyết liệt trong việc đổi mới cơ chế quản lý nhưng sự thay đổi trong một số nhà trường còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu.
Ngoài vấn đề lương, môi trường làm việc, áp lực dạy học, Bộ trưởng cũng chỉ ra nhiều vấn đề khác như cơ sở vật chất các trường công lập chưa đáp ứng được nhu cầu hoạt động nghề nghiệp của giáo viên, tác động của nền kinh tế thị trường và nhu cầu của giáo viên tăng, giáo viên năng lực tốt thường xu hướng đến những nơi điều kiện tốt hơn để tìm cơ hội thăng tiến; một số giáo viên chấp nhận bỏ nghề, đi học lại để tìm kiếm cơ hội việc làm khác.
"Nhà nước cần quan tâm hơn tới chính sách tiền lương và các chế độ ưu đãi khác của viên chức giáo dục để tiền lương và thu nhập cơ bản đáp ứng được nhu cầu của cuộc sống. Với giáo viên mới vào nghề, giáo viên hợp đồng cần có chính sách hỗ trợ để đảm bảo thu nhập không thấp hơn lương tối thiểu vùng; được hưởng phụ cấp ưu đãi, các khoản hỗ trợ học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng dạy học…", báo cáo của Bộ trưởng nêu rõ.
Đề xuất quy định bảng lương riêng cho giáo viên
Tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV, nhiều đại biểu đề xuất quy định bảng lương theo bậc, ngạch riêng cho nhân viên y tế và giáo viên để xứng đáng với công sức và giữ chân được người tài.
Ông Phạm Văn Hoà, Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp cho biết, Chính phủ đã có động thái nghiên cứu tính toán mức lương đặc thù cho giáo viên và các y bác sỹ, để họ có thể yên tâm sống được với nghề, nhưng tại kỳ họp này, Chính phủ chưa trình Quốc hội xem xét thảo luận.
Hy vọng kỳ họp tới, việc này sẽ được đem ra để bàn bạc, mức lương đặc thù của hai ngành này sẽ được tăng lên xứng đáng với những gì họ cống hiến cho nghề và giữ chân được người tài trong môi trường công lập Nhà nước.
Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hoà.
Đồng quan điểm, đại biểu tỉnh Sóc Trăng Triệu Thị Ngọc Diễm cho rằng, Nhà nước cần có chính sách đãi ngộ đặc biệt với người hành nghề y và đội ngũ giáo viên. Đại biểu cũng đề nghị Quốc hội, Chính phủ bổ sung cơ chế, chính sách tiền lương phù hợp, xứng đáng cho cán bộ y tế, giáo viên để làm sao tăng phụ cấp lên 100% so với hiện tại. Việc này, trước tiên là giữ chân được những y bác sỹ, giáo viên ở lại hệ thống công lập, về dài hạn là thu hút nhân tài, ngăn chảy máu chất xám.
Đồng ý với kiến nghị tăng phụ cấp nghề sư phạm và y tế lên 100%, đại biểu Nguyễn Văn An (thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường) cho rằng, khi dịch COVID-19 bùng phát, công lao của lực lượng y tế đã được ghi nhận, tôn vinh, hay các giáo viên vừa chống dịch vừa gồng mình lên dạy học, không để học sinh bị hỏng kiến thức khi không được tới trường. Thế nhưng, sau đó, hàng chục nghìn nhân viên y tế và giáo viên phải thôi việc, do đời sống khó khăn.
"Nhà nước cần quan tâm đầu tư cả về vật chất và tinh thần cho lực lượng này, giao Chính phủ quy định về chế độ, tiền lương, phụ cấp, trang phục, chế độ đặc thù với người hành nghề y tế bệnh viện công", ông An nói.
Quốc hội quyết định từ 1/7/2023, thực hiện tăng lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức lên mức 1,8 triệu đồng/tháng.
https://vtc.vn/giao-vien-lam-3-cong-viec-cung-luc-dem-tung-ngay-duoc-tang-luong-ar711661.html
Ngày đăng: 16:44 | 24/11/2022
Hoài Anh - Hà Cường / VTC News