"Giáo viên trường tôi, tới tháng nhận lương, nhìn số tiền thực nhận và các khoản đóng góp… chỉ biết lắc đầu".
Những giáo viên tâm sự đồng lương nhỏ bé, trách nhiệm lớn lao. Ảnh minh hoạ: HH |
Chúng tôi công tác tại một huyện miền núi. Núi bọc xung quanh như chảo, xen lẫn là xã đồng bằng. Thế nên chúng tôi được hưởng phụ cấp xã đồng bằng.
Thu nhập của chúng tôi không có gì khác ngoài lương, dạy thêm là điều không thể mà giá cả lại đắt đỏ vì các mặt hàng phải vận chuyển xa xôi. Giáo viên chúng tôi phải mặc áo dài, đồ công sở lên lớp, muốn mua vải, may áo lại phải chạy xuống phố.
Đồng lương nhỏ bé, trách nhiệm lớn lao. Chúng tôi phải ra sức học, rèn luyện chuyên môn nghiệp vụ mới mong đáp ứng yêu cầu giáo dục hiện nay. Mấy anh em trong trường đều than rằng: Giá như lương đủ nuôi cái miệng thì chúng ta sẽ chỉ nghĩ đến việc dạy.
Đến khi nhận lương lại ngậm ngùi vì bị trừ rất nhiều khoản. Tất cả các khoản đóng góp đều cần phải đóng, dù là mang danh nghĩa tình nguyện. Ngoài các khoản bắt buộc như bảo hiểm, các khoản phí, chúng tôi đều đặn phải đóng thêm các khoản như quỹ tang chế, ủng hộ nạn nhân chất độc màu da cam, quỹ mái ấm gia đình, quỹ vì người nghèo, quỹ đền ơn đáp nghĩa, chữ thập đỏ, quỹ tương trợ, ủng hộ bão lụt, tương trợ trẻ em, quỹ tương trợ ngành tỉnh, quỹ vì phụ nữ nghèo, quỹ ngân hàng bò, quỹ tiếp sức cho em đến trường…
Chỉ riêng quỹ tương trợ thì có đến 3 chỗ để đóng: Cơ sở, ngành, tỉnh. Các khoản này không chỉ hỗ trợ ở trường mà đến khi về địa phương, chúng tôi cũng phải hỗ trợ. Từ chối thì được trả lời, chỉ tiêu trên đưa xuống, phải thu.
Đã là tình nguyện, tại sao không đóng theo hình thức hảo tâm, mà nhất định phải là một ngày, nửa ngày lương? Những khoản tiền này khó có thể nợ để qua tháng sau vì giáo viên khi đó sẽ bị trừ điểm, thi đua cuối năm không còn. Nghịch lý thay, các khoản như tăng lương cơ bản, chuyển ngạch, phụ cấp thâm niên, tăng bậc lương…. gần như, chưa bao giờ chúng tôi được hưởng liền, cứ phải đợi dài cổ rồi truy lĩnh, đến khi nhận thì đã trượt giá.
Nói ra thành chỗ nhỏ mọn, không nhân ái, không có tinh thần “Lá lành đùm lá rách”, nhưng một người đau chân thì làm sao quên được cái chân đau của mình để nghĩ đến người khác. Phải thắt lưng buộc bụng để nộp các khoản gọi là “tình nguyện” - chúng tôi cũng chua xót lắm chứ. Lương ít ỏi tháng nào ăn hết tháng đó, lấy đâu tiền để đám cưới, mua đất, cất nhà, mua xe, vi tính, điện thoại... Muốn mua sắm gì lại đến ngân hàng. Không trả nổi theo hợp đồng, chúng tôi oằn ra trả lãi quá hạn.
Ngày ngày, mọi người đều thấy giáo viên chúng tôi đến lớp, trang phục chỉnh tề, giảng dạy nhiệt tình, hoạt động ngoại khóa tích cực; mà mấy ai hay biết đang có đủ các loại hồ sơ sổ sách, các khoản hỗ trợ và lãi ngân hàng tháng đang “sống” song hành cùng chúng tôi.
Hàng trăm giáo viên mầm non ở Hà Tĩnh có lương hưu hơn một triệu/tháng
Đại diện Bảo hiểm Xã hội Hà Tĩnh cho biết so với mặt bằng viên chức hiện nay, giáo viên mầm non có mức đóng ... |
Bộ trưởng Giáo dục: \'Thầy cô hy sinh cả đời, lương hưu 1,3 triệu sống sao được\'
Ông Phùng Xuân Nhạ cho hay, những trường hợp lương hưu thấp như cô giáo mầm non ở Hà Tĩnh rất phổ biến và Bộ ... |
http://laodong.vn/ban-doc/giao-vien-chi-biet-lac-dau-nhan-luong-573158.ldo
Ngày đăng: 12:45 | 31/10/2017
/ Bích Nhàn/Báo Lao động