Đại học York của Canada phải xin lỗi sau khi một giáo sư dọa đánh trượt sinh viên Myanmar không thể thi trực tuyến do chính quyền quân sự cắt Internet.

Một du học sinh người Myanmar hôm 18/3 trao đổi qua email với giáo sư Đại học York ở Toronto, Ontario, Canada về đề xuất xin hoãn thi với lý do Internet và dịch vụ mạng di động sắp bị cắt hoàn toàn.

Sinh viên giấu tên này là một trong rất nhiều du học sinh của Đại học York phải trở về quê nhà do diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19. Họ được yêu cầu học từ xa và làm các bài thi trực tuyến.

Tuy nhiên, giáo sư này trả lời đây là "cơ hội cuối cùng hoặc nhận điểm kém", thậm chí hỏi lại một cách chế nhạo rằng "Internet cũng bị ảnh hưởng bởi Covid-19 cơ à?", theo ảnh chụp màn hình email trao đổi giữa họ.

Sinh viên Myanmar giải thích rằng "Internet không bị đứt vì Covid-19". "Có một cuộc đảo chính quân sự tại nơi em đang sống và gần 200 người biểu tình đã bị bắn chết. Chính quyền quân sự quyết định cắt mọi dịch vụ viễn thông vào ngày mai", sinh viên này viết.

Sau khi giải thích, sinh viên này hỏi lại là mình có nên lo lắng về việc bỏ lỡ kỳ thi hay không. "Tất nhiên là em nên lo lắng", giáo sư này trả lời. "Nếu lỡ kỳ thi lần tới, mọi thứ sẽ kết thúc".

"Nhân tiện, những bình luận của em cả về chương trinh học lẫn quê hương khiến tôi tự hỏi em có nhận thức được thực tế không", giáo sư này tiếp tục. "Người ta không bị bắn chỉ vì đi biểu tình, mà vì nhiều lý do sâu xa hơn".

4226 4

Cảnh sát Myanmar đứng trên tuyến đường bị người biểu tình chặn lại ở thành phố Yangon ngày 14/3. Ảnh: AFP.

Sau khi ảnh chụp màn hình các email được công bố trên mạng xã hội, giáo sư trên đã hứng chịu chỉ trích dữ dội từ dư luận. Ảnh chụp này đã được chia sẻ hơn 8.000 lần trên mạng xã hội.

Lãnh đạo Đại học York đã phải lên tiếng xin lỗi. Barbara Joy, phát ngôn viên của Đại học York, khẳng định tin nhắn của giáo sư trên "không phản ánh các giá trị của trường", cam kết "duy trì và thúc đẩy các giá trị của sự tôn trọng, bình đẳng, đa dạng và hòa nhập".

Các cuộc biểu tình nổ ra ở nhiều nơi tại Myanmar kể từ khi quân đội đảo chính và bắt Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi hôm 1/2. Lực lượng chức năng nước này sử dụng hơi cay, đạn cao su và cả đạn thật để trấn áp người biểu tình, khiến ít nhất 237 người bị bắn chết, theo Hiệp hội Hỗ trợ Tù nhân Chính trị.

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres đã lên án quân đội Myanmar tiếp tục hành động bạo lực với người biểu tình, cho rằng cộng đồng quốc tế cần có "phản ứng thống nhất, vững chắc" với cuộc khủng hoảng ở nước này.

Nhiều nước phương Tây đã lên án cuộc đảo chính quân sự ở Myanmar, yêu cầu chấm dứt bạo lực và trả tự do cho bà Suu Kyi. Mỹ cũng đã áp lệnh trừng phạt với một số tướng quân đội Myanmar sau cuộc đảo chính.

Nguyễn Tiến (Theo NY Post)

Myanmar: Ngân hàng đóng cửa, doanh nghiệp chật vật trả lương nhân viên Myanmar: Ngân hàng đóng cửa, doanh nghiệp chật vật trả lương nhân viên
Quyền lực của quân đội Myanmar Quyền lực của quân đội Myanmar

Ngày đăng: 16:47 | 20/03/2021

/ vnexpress.net