GS Leslie Gabriel Valiant cho rằng: "Máy tính có năng lực vô hạn, nó có thể hoàn toàn thay thế con người làm mọi điều, chỉ là khi nào mà thôi".
Trong phiên toạ đàm "Trí tuệ nhân tạo: Tiềm năng đột phá và thách thức" thuộc khuôn khổ Tuần lễ Khoa học Công nghệ VinFuture 2023, GS Leslie Gabriel Valiant nhắc lại lời của nhà khoa học người Anh - Alan Turing từng nói "có những điều con người làm được và máy móc không bao giờ làm được".
Thế nhưng vị chuyên gia về Khoa học máy tính và Toán ứng dụng tại Đại học Harvard (Mỹ), thành viên của Hội đồng Giải thưởng VinFuture này lại cho rằng, đó chỉ là trấn an. Máy tính có năng lực vô hạn, nó có thể hoàn toàn thay thế con người "nó có thể làm mọi điều, chỉ là khi nào mà thôi".
"Về tư duy, máy móc vô địch ở nhiều cuộc thi trí tuệ. Hay nếu xét về năng lực logic, suy đoán, máy móc đều có tiềm năng lớn", ông nhấn mạnh, máy tính đang chiến thắng chúng ta.
GS Leslie Gabriel Valiant chia sẻ tại toạ đàm.
Trên thực tế, để giảm được lỗi sai trong dự báo, chúng ta cần tăng hiệu quả tính toán cho máy móc. Nhiều công ty hiện nay đã đầu tư hàng chục triệu USD để tạo ra những thuật toán đòi hỏi độ chính xác cao hơn trong tính toán.
Đồng quan điểm, TS Xuedong David Huang, Giám đốc Công nghệ của Tập đoàn Zoom, thành viên Hội đồng Giải thưởng VinFuture cho rằng, hiện nay có nhiều cơ hội đột phá và cơ hội rất gần chúng ta. Lịch sử phát triển của con người rõ ràng có liên quan mật thiết tới năng suất làm việc, động lực phát triển thế giới.
Chẳng hạn, trước khi có công nghệ in ấn, tốc độ phát triển của thế giới vô cùng thấp, GDP toàn cầu cũng thấp. Nhưng đến khi công nghệ in ấn phát minh ở châu Âu, thế giới thoát khỏi "thời đen tối" về công nghệ. Sau đó, khi người Anh phát minh ra động cơ hơi nước, tốc độ tăng trưởng còn mạnh hơn... Như vậy, cuộc cách mạng công nghiệp sau lại nhanh hơn cuộc cách mạng trước đó, thậm chí tăng theo hàm mũ.
"Hiện tại là thời khắc lịch sử. Năng suất toàn cầu tăng nhanh hơn nhiều so với các cuộc cách mạng công nghiệp trước đây. Tôi tin đây chính là cơ hội đột phá thay đổi lịch sử. Nếu nắm bắt được cơ hội này thì cá nhân, doanh nghiệp nhỏ hay lớn đều có cơ hội để đổi mới", TS Huang nhấn mạnh.
TS Huang cho biết thêm, AI làm thay đổi GDP toàn cầu. Chẳng hạn, trong trường Luật, các luật sư tương lai phải tham gia các kỳ thi. Con người tham gia thi và có điểm trung bình là 68%. Trong khi đó, các công cụ AI cũng thi là GPT4, ChatGPT và Chat GPT – 3.5 có thể trí tuệ thấp hơn con người, điểm thi lại vượt trội hơn, lên tới 75,7%. "Rõ ràng con người hiện không thể thắng nổi máy tính nữa", TS Huang nhận định.
TS Xuedong David Huang.
TS Padmanabhan Anandan, nhà khoa học nổi tiếng toàn cầu về thị giác máy tính và AI, thành viên Hội đồng Giải thưởng VinFuture cũng nhận thấy, AI không chỉ là bong bóng hay giấc mơ viển vông nữa. AI chắc chắn sẽ sớm chuyển sang làn sóng tiếp theo và giai đoạn sau sẽ còn nhiều tiềm năng phát triển.
TS Anandan cho biết, AI có thể mang lại nhiều lợi ích cho 3 lĩnh vực. Thứ nhất, liên quan tới công cụ thiết bị như đọc, X quang, cộng hưởng từ, AI chắc chắn giỏi hơn con người trong việc đọc kết quả để biết bệnh nhân bị làm sao.
Thứ hai, AI giúp đưa ra hướng dẫn cho người nông dân để trồng trọt tốt hơn. Thứ ba, AI cũng thể hiện sự hữu ích khi phòng ngừa dịch bệnh lây lan, chẳng hạn như COVID-19.
Bàn về sự đột phá mà AI tạo ra cho Việt Nam, TS Bùi Hải Hưng, Tổng giám đốc VinAI dẫn chứng, khi mọi người mở điện thoại dùng ChatGPT sẽ có những trải nghiệm, thông tin rất thấy thật. Chính những người làm OpenAI cũng ngạc nhiên bởi sự phát triển vượt bậc này. Mọi người không ngờ công nghệ này lại nhanh thế.
"AI thực ra đã là hiện thực. Đây là thời điểm chúng ta cần nghiêm túc hơn trong nghiên cứu ứng dụng AI. Đúng vậy, AI không còn là giấc mơ nữa", ông Hưng nói.
Theo TS Bùi Hải Hưng, với sự xuất hiện của các trào lưu trên thế giới như ChatGPT, AI được đánh giá có tốc độ phát triển càng ngày càng nhanh hơn. Do đó, làm thế nào để các đội ngũ đang theo đuổi và làm việc trong lĩnh vực này cần phải nắm được các trào lưu trên thế giới, đồng thời bắt kịp chúng để tạo ra các giá trị trúng đích. Điều này cũng cho thấy cộng đồng AI thế giới và cộng đồng AI Việt Nam cần tạo nên mối liên hệ mật thiết.
"Tôi nghĩ hiện tại Việt Nam hoàn toàn có thể bắt kịp trong việc xây dựng nền tảng của chính mình. Phở GPT, mô hình ngôn ngữ tiếng Việt, hay các ứng dụng đang được các công ty khác đang phát triển là minh chứng cho thấy năng lực của đội ngũ trí tuệ nhân tạo của Việt Nam bắt kịp với thế giới rất nhanh chóng", ông nói.
TS Hưng cũng băn khoăn, công nghệ càng phát triển thì sự ảnh hưởng của nó đến xã hội lại càng lớn. Trên thực tế, AI có thể bị lợi dụng dùng vào mục đích xấu. Do đó, để sử dụng AI một cách an toàn, cần phải có những luật đặt ra từ phía các chính phủ.
"Năm 2023 là năm chứng kiến những cuộc tranh luận bùng nổ về trí tuệ nhân tạo (AI) và ảnh hưởng của lĩnh vực này tới đời sống, khi AI dần trở thành yếu tố mới định hình kinh tế - xã hội toàn cầu. Chúng ta có thể thấy các chatbot AI trở thành nơi tìm kiếm và truy vấn thông tin của hàng triệu người. ChatGPT của OpenAI đạt mức 100 triệu người dùng chỉ trong vòng 2 tháng. Đây là mức tăng trưởng kỷ lục so với bất kỳ loại dịch vụ Internet nào, vượt xa cả Facebook (cần 4,5 năm để đạt mốc này).
Đặc biệt, sự xuất hiện của các mô hình ngôn ngữ GPT-3 (2022) và GPT-4 (2023) đánh dấu một bước tiến quan trọng trong sự phát triển của AI. Thế nhưng, đi cùng với sự phát triển là những dự báo về mặt trái. Theo các nhà kinh tế học tại Goldman Sachs (Mỹ), khoảng 300 triệu người trên thế giới có thể sẽ mất việc vì công nghệ này".
Ngày đăng: 10:57 | 20/12/2023
HÀ CƯỜNG / VTC News