Vào khoảng năm 1116, Fulbert, giáo chủ nhà thờ Đức Bà, đã tìm được một gia sư sáng giá cho cô cháu gái tài năng của mình. Cô gái trẻ nổi tiếng là có học thức, vì vậy Fulbert đã chọn Abelard, một triết gia nổi tiếng và lá cờ đầu của giới trí thức Paris bấy giờ. Được trao toàn quyền dạy dỗ và thậm chí trừng phạt Heloise (cô cháu gái) nếu có thể, Abelard đã tận dụng để… quyến rũ cô.

Người thầy và quyền lực tuyệt đối

Mối tình của hai người có vẻ là đồng thuận, nhưng sự thực thì nó được hình thành bởi sự chênh lệch điển hình của mối quan hệ thầy trò. Trong cuốn “Biên niên sử những tai họa”, tự truyện mà Abelard viết 15 năm sau, ông ta nhớ lại những khoảnh khắc mình đã lạm dụng quyền lực người thầy để hành hạ Heloise mà không bị Fulbert nghi ngờ: “Nên, để tránh bị nghi ngờ, đôi khi tôi đánh em, những cú đấm của tôi không có dấu hiệu của sự tức giận, mà là tình cảm ngọt ngào hơn bất kỳ loại nước hoa nào”.

Sau khi bị phát hiện, Abelard đã bí mật gửi Heloise, khi ấy đang mang thai, đến nhà chị gái mình ở Brittany để sinh con. Sau đó, để xoa dịu người chú Fulbert quyền lực đang tức giận vì cô cháu gái bị lừa tình, Abelard đã ép Heloise kết hôn, dù cô không muốn. Sau này, Abelard ép Heloise vào một tu viện. Những người họ hàng quyền lực của Heloise cho rằng Abelard đang cố rũ bỏ cô dâu, đã thiến ông ta để bảo vệ sự tự tôn của gia tộc.

Giáo dục và khủng hoảng chữ “lễ” -0
Những người thầy đang phải chịu quá nhiều áp lực, mỗi cử chỉ của họ giờ đây đều có thể trở thành “phốt” trên mạng xã hội. Ảnh: Getty

Câu chuyện về tình yêu cam chịu của họ đã trở thành bất tử, các tác giả từ Jean[1]Jacques Rousseau, Alexander Pope cho đến Mark Twain và Anne Carson đã kể lại nó. Cuộc đời và những lá thư của họ là nền tảng cho ít nhất hai cuốn tiểu thuyết, một vở kịch Broadway và một bộ phim ướt át.

Nhưng, tạm bỏ qua chuyện ngôn tình thì mối tình nổi tiếng này cho thấy một khía cạnh liên quan đến giáo dục: Cách mà chênh lệch quyền lực quá lớn trong quan hệ thầy-trò hủy hoại cuộc đời của không những một, mà hai con người.

Chúng ta đều biết rằng các nhà giáo dục thời Trung cổ thường xuyên sử dụng đòn roi, thậm chí là gậy gộc và... mái chèo, đặc biệt khi dạy trẻ nhỏ. Các học giả thời này nghĩ rằng đau khổ và sợ hãi là một phần cơ bản của mối quan hệ thầy trò. Ám ảnh về quyền lực tuyệt đối này của các nhà sư phạm lớn đến nỗi các thầy giáo thường được vẽ cùng với một cây roi trong những minh họa của sách thời kỳ này.

Vai trò của những người thầy còn lớn hơn nữa, trong bối cảnh những phòng học của tu viện thời Trung cổ thường chứa đầy các oblate (cư sĩ), những đứa trẻ đã được cha mẹ chúng giao hẳn cho học viện, nơi chúng có thể ở lại cho đến khi chết. Giữa những bức tường lạnh lẽo của các tu viện, chúng chỉ có thể tìm đến những người thầy, giờ là người thân duy nhất.

Giáo dục trong một không gian kín như vậy khiến người thầy có thể sử dụng mọi công cụ cần thiết và rất nhiều trong số đó có thể bị thế giới hiện đại xem là phản giáo dục. Elfric Bata, một giáo sĩ trong tu viện vào khoảng năm 1000, đã soạn một tập đối thoại chi tiết để dạy học sinh tiếng Latin đàm thoại, mà trong đó có đầy những ngôn ngữ tục tĩu của đời sống như là “Tu scibalum ouis” (Đồ con cừu!), “Tu fimus bouis” (đồ c*t đ*i) hay “Tu stercus porci” (Đồ con lợn). Nếu giáo trình kiểu này xuất hiện vào ngày nay, đấy có thể là một cuộc khủng hoảng lớn cho những người thầy.

Nhưng, có những chi tiết cho thấy rằng Bata đã sử dụng chúng một cách có mục đích. Các bài học của Bata gây sốc và có nhiều kịch tính, nhưng nó thực sự vẽ ra cuộc sống thực sự của những người trưởng thành, vốn sẽ bị khó khăn và nhiều điều phiền toái bủa vây. Các học trò đã nhận được những bài học sâu sắc mà trong tu viện kín họ không thể tiếp nhận được.

Đến khủng hoảng lễ nghĩa

Cán cân quyền lực thầy-trò đang thay đổi. Mới đây, một đoạn clip được chia sẻ rầm rộ trên mạng về cuộc cãi nhau tay đôi của một nữ sinh với thầy của mình. Nữ sinh thậm chí xưng mày - tao với thầy và buông lời lẽ miệt thị, thách thức. Khi đoạn video được phát tán trên mạng, có rất nhiều học sinh đã bênh vực cách hành xử của nữ sinh trên và cho rằng giáo dục chỉ là một dịch vụ mà thôi.

Các thầy cô đang phải giảng dạy dưới sự “giám sát” của hàng loạt camera, smart[1]phone và cả những cuộc tấn công khốc liệt trên mạng lẫn ngoài đời. Ngày nay, không gian giáo dục đã mở đến mức bất kỳ biểu hiện nghiêm khắc nào của giáo viên có thể dẫn đến những hậu quả lớn. Và, các trường học hiện đại quan tâm đến giải quyết khủng hoảng truyền thông nhiều hơn là câu chuyện giáo dục.

Giáo dục và khủng hoảng chữ “lễ” -0
Ranh giới giữa kỷ luật và bạo lực học trò là rất mong manh. Tranh: Mail & Guardian

Tôi chợt nhớ về các thầy cô giáo cũ của mình. Nếu đặt vào hệ quy chiếu hà khắc của ngày hôm nay, ai trong số họ cũng có thể bị mất việc hoặc khủng bố trên mạng xã hội. Cô giáo lớp 1 của chúng tôi đã phạt những học trò hư bằng cách bắt chúng xòe bàn tay và vụt thước kẻ. Những học sinh cá biệt có thể sẽ phải lên trước cờ vào sáng Thứ hai để hối lỗi trước toàn trường, hình thức có thể khiến một ngôi trường rơi vào khủng hoảng vì “làm nhục” học trò.

Rất khó có câu trả lời rốt ráo trong trường hợp này, nhưng ngay cả vào thời Trung cổ, các nhà giáo dục cũng đã suy nghĩ lại rất nhiều về cán cân quyền lực chênh lệch giữa thầy và trò. Hildemar, một giáo sĩ ở thế kỷ thứ 9 lập luận rằng những cậu bé sống trong tu viện nên được theo dõi sát sao để không có cơ hội vi phạm các quy tắc và những hình phạt, bao gồm đánh đòn, chỉ nên là biện pháp cuối cùng. Nhà sử học người Anh Eadmer kể lại một câu chuyện về Thánh Anselm, trong đó một tu viện trưởng phàn nàn với Anselm rằng, mặc dù bị đánh đập suốt nhưng các học trò của ông ta vẫn cư xử ngày một tệ hơn. Anselm sau đó gợi ý rằng các giáo viên nên gạt đòn roi sang một bên và cho học sinh của họ sự an ủi xoa dịu và lòng từ bi dịu dàng của người cha.

Ngay cả vào lúc quyền lực của người thầy lớn đến mức họ có thể làm bất kỳ điều gì thì vẫn có những người nghĩ về sự cân bằng. Giáo dục có lẽ không phải là trao chân lý vào tay một phía hoàn toàn, mà là nghĩ về một trật tự cân bằng. Giáo viên không thể dùng bạo lực bản năng để dạy học trò, nhưng kỷ luật và lễ nghi từ phía học trò có lẽ là những thứ cần phải được duy trì để có một môi trường giáo dục lành mạnh.

Thế hệ chúng tôi đã lớn lên với sự nể trọng các thầy cô thực sự và có lúc cũng phải vỡ mộng về điều đó nhiều năm sau. Nhưng, những gì nhận được có lẽ cũng không ít và bạn cũng hiểu rõ tấm lòng thực sự của những người thầy nghiêm khắc. Bạn không thể trưởng thành thực sự nếu không nếm trải sự nghiêm khắc và kỷ luật của giáo dục. Bởi vì, để học được một thứ gì đó thực sự, bạn khó mà tiếp thu được chúng chỉ với niềm vui và cách hành xử bản năng.

Những đứa trẻ chỉ quen với việc làm mọi người vừa lòng chúng có lẽ sẽ hiểu ra rằng cuộc đời không vận hành như thế, khi chúng lớn lên.

https://antgct.cand.com.vn/So-tay/giao-duc-va-khung-hoang-chu-le-i672084/

Ngày đăng: 09:55 | 28/10/2022

Ban Cầm / Công an nhân dân