Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 14, chiều ngày 20/9, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi). Nhiều ý kiến cho rằng việc giao cho cơ quan quản lý, sử dụng người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập tiến hành xác minh tài sản, thu nhập là khó khả thi, có thể dẫn đến oan sai…
Có nên mở rộng phạm vi điều chỉnh?
Dự thảo Luật mở rộng từng bước về phạm vi điều chỉnh của dự án Luật sang khu vực ngoài nhà nước, trước mắt tập trung vào các loại hình công ty đại chúng, tổ chức tín dụng và quỹ đầu tư; các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức từ thiện và các tổ chức xã hội khác có tư cách pháp nhân (gọi chung là các tổ chức xã hội).
Thẩm tra dự án Luật, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp (UBTP) của Quốc hội Lê Thị Nga cho biết: Đa số ý kiến thành viên UBTP tán thành với việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự án Luật và cho rằng, trên thực tế tình hình “tham nhũng khu vực ngoài nhà nước” đã và đang xuất hiện ảnh hưởng bất lợi đến các hoạt động cạnh tranh lành mạnh, môi trường đầu tư, kinh doanh, đồng thời cản trở hiệu quả phòng chống tham nhũng (PCTN) trong khu vực công; bên cạnh đó Bộ luật Hình sự năm 2015 cũng đã hình sự hóa một số hành vi tham nhũng trong khu vực này như tham ô tài sản, nhận hối lộ, đưa hối lộ, môi giới hối lộ. Tuy nhiên, trong Tờ trình và dự thảo Luật vẫn chưa có khái niệm giải thích rõ thế nào là tham nhũng khu vực ngoài nhà nước, do đó nhiều quy định của dự thảo Luật về vấn đề này còn thiếu rõ ràng.
Dẫn chứng theo quy định của Luật Thanh tra chưa cho phép thanh tra các doanh nghiệp ngoài nhà nước, Chủ nhiệm UBTP Lê Thị Nga đặt vấn đề: Sửa Luật này phải sửa thêm bao nhiêu luật nữa?
Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga phát biểu tại Phiên họp. (Ảnh: TH).
Thống nhất việc mở rộng phạm vi của dự án Luật sang khu vực ngoài nhà nước, tuy nhiên, Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao (VKSNDTC) Nguyễn Hải Phong lưu ý mở rộng đến đâu, đây là chính sách rất lớn, cần nghiên cứu kỹ, đánh giá thận trọng để hạn chế nhũng nhiễu gây khó khăn cho các đối tượng ngoài nhà nước.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh niên Thiếu nhiên và Nhi đồng Phan Thanh Bình đề nghị trước hết tập trung khu vực công lập nhà nước, vì tham nhũng thường gắn với quyền lực, nếu mở rộng đã đủ lực chưa?.
Theo Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, hiện nay chúng ta còn chưa làm tốt công tác PCTN trong khu vực nhà nước (là khu vực chủ yếu và quan trọng nhất trong PCTN), do đó trước mắt chưa mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự án Luật, mà nên tập trung nguồn lực làm tốt công tác PCTN trong khu vực nhà nước. Riêng đối với các hành vi tham ô tài sản, nhận hối lộ, đưa hối lộ, môi giới hối lộ trong tổ chức, doanh nghiệp ngoài nhà nước thì sẽ được xử lý theo quy định của Bộ luật Hình sự.
Nhấn mạnh việc mở rộng phạm vi điều chỉnh sang khu vực ngoài nhà nước là phù hợp với thông lệ quốc tế, tuy nhiên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân lưu ý, quy định này cần được tiếp tục nghiên cứu thận trọng, đánh giá tác động để vừa bảo đảm mục tiêu PCTN, song cũng không được gây khó khăn, ảnh hưởng đến quyền tự do kinh doanh của các doanh nghiệp ngoài nhà nước.
Thiếu cơ chế bảo đảm cho cơ quan quản lý xác minh tài sản, thu nhập
Dự thảo Luật có nhiều sửa đổi, bổ sung về minh bạch, kiểm soát tài sản, thu nhập như mở rộng đối tượng kê khai tài sản; bỏ quy định kê khai hàng năm, thay vào đó là kê khai lần đầu và kê khai bổ sung; quy định về một số cơ quan, đơn vị kiểm soát tài sản, thu nhập để quản lý bản kê khai, theo dõi biến động và xác minh tài sản, thu nhập được kê khai không trung thực, không được giải trình một cách hợp lý (theo mô hình tập trung)...
Tuy nhiên, theo Chủ nhiệm UBTP Lê Thị Nga, việc giao cho cơ quan quản lý, sử dụng người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập tiến hành xác minh tài sản, thu nhập (khoản 2 Điều 53) là khó khả thi vì cơ quan này không có chuyên môn, nghiệp vụ và dự thảo Luật không quy định cơ chế bảo đảm cho cơ quan này thực hiện nhiệm vụ trong việc xác minh tài sản, thu nhập.
Đồng quan điểm, Phó Viện trưởng Nguyễn Hải Phong thẳng thắn chỉ ra: “Luật PCTN, coi trọng phòng, nhưng phòng tản mạn suốt cả bộ luật, không có trọng tâm, trọng điểm. Hiện nay, kê khai tài sản cứ đút ngăn bàn, khi nào bổ nhiệm, hay có vấn đề đơn thư mới tiến hành kiểm tra. Nhưng kiểm tra theo các bước thì rất đơn giản. Dự thảo luật đưa vào quy định cơ quan chủ quản tiến hành xác minh, nhưng khi xác minh phát hiện có dấu hiệu bất minh thì trách nhiệm xử lý thế nào?”.
“Nếu quy định như trên thì có hai trường hợp xảy ra, xác minh không có nghiệp vụ thì dễ xảy ra oan sai. Còn nếu xác minh đúng nhưng cơ quan không có thẩm quyền mà xử lý thì trái luật”, ông Phong nói.
Cũng theo ông Phong, các hành vi tham nhũng phải tương ứng với quy định của Đảng, Bộ luật Hình sự. Dự thảo luật quy định 12 hành vi, nhưng Bộ luật Hình sự chỉ quy định 7 tội tham nhũng.
Dẫn chứng khoản 1, Điều 74 quy định “Trường hợp kết luận hành vi tham nhũng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì người ra quyết định kiểm tra, thanh tra, kiểm toán yêu cầu hoặc kiến nghị cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền xử lý kỷ luật người có hành vi tham nhũng”, Phó Viện trưởng cho rằng: “Anh chưa điều tra, anh chưa ra quy trình thì làm sao miễn hay không miễn được. Nếu quy định như thế này thì hoặc bỏ lọt tội phạm hoặc là làm oan sai. Quy định này thì không phù hợp với luật hiện hành vừa không phù hợp với thực tiễn”.
Đồng tình cần thiết công khai bản kê khai thu nhập, tài sản, nhưng Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cho rằng phải bảo đảm quyền bí mật riêng tư đã được Hiến pháp bảo vệ.
Chủ nhiệm Nguyễn Khắc Định cũng tỏ ra băn khoăn Điều 26 dự thảo Luật quy định: “1.Cán bộ, công chức, viên chức không được nhận quà tặng dưới mọi hình thức của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan đến công việc do mình giải quyết hoặc thuộc phạm vi quản lý của mình... Trong trường hợp không thể từ chối được thì phải nộp lại quà tặng cho cơ quan, tổ chức, đơn vị mình và công khai danh tính của người tặng quà”.
Song Điều 354 (Tội nhận hối lộ - Bộ luật Hình sự - PV), Điều 364 (Tội đưa hối lộ - Bộ luật Hình sự - PV) quy định có loại quà phi vật chất, mà quà phi vật chất thì không trả lại được, không nộp lại được. Dự thảo quy định “Việc quản lý, sử dụng quà tặng được nộp lại thực hiện theo quy định của Luật quản lý, sử dụng tài sản công”, nhưng Luật quản lý, sử dụng tài sản công không có quy định nào về nộp, sử dụng quà tặng.
“Đề nghị xem lại để khả thi, nghe thì hay nhưng không khả thi”, ông Định nói.
Cử tri rất bức xúc với vấn đề tham nhũng vặt Theo Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải, trong kiến nghị cử tri thì ngoài những kiến nghị bức xúc ở khu vực công, dự án lớn, hay vấn đề báo chí nêu với 12 dự án đầu tư không hiệu quả thì cử tri rất bức xúc với vấn đề tham nhũng vặt ở khối hành chính, cán bộ thực hiện ở cấp cơ sở. “Có 1 thực tiễn cử tri nêu khối công thì xuất hiện hành vi tham nhũng vặt này, còn khối tư thì không thấy tham nhũng vặt. Đây là hiện tượng cần đánh giá một cách cụ thể trong báo cáo tổng kết 10 năm về PCTN, từ đó mới đưa ra biện pháp để phòng chống”, bà Hải phản ánh. Trưởng Ban dân nguyện bày tỏ trăn trở tham nhũng vặt ảnh hưởng đến đông người dân, ảnh hưởng xã hội học rất xấu, rất lớn đến đời sống tâm lý và đặc biệt làm xói mòn đạo đức, lối sống tốt đẹp, tương thân tương ái của người dân. Trên cơ sở đó, mong muốn Ban soạn thảo quan tâm đến vấn đề này. |
Trung ương đã làm nghiêm, địa phương thì sao?
Từ cổ chí kim, tham lam được xem là một căn bệnh lớn nhất trong thiên hạ. Chẳng những thế, “bệnh tham” còn dễ mắc ... |
Trên \'nóng\' dưới \'nguội\'
20 tháng kể từ sau Đại hội XII của Đảng, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã họp 17 phiên. Mỗi phiên họp không chỉ ... |
Nghi ngờ “lợi ích nhóm”, “sân sau” là có căn cứ
Ủy ban Tư pháp nhận định: Nếu như trước đây, tình trạng “lợi ích nhóm”, “sân sau” mới chỉ là nghi ngờ của dư luận ... |
(http://www.dangcongsan.vn/thoi-su/giao-co-quan-quan-ly-xac-minh-tai-san-thu-nhap-co-kho-kha-thi-454813.html)
Ngày đăng: 08:22 | 21/09/2017
Báo ĐCSVN /