Vỉa hè- nơi nguồn lợi lớn đến mức các nhóm lợi ích không dễ gì bỏ qua. Muốn lập lại trật tự vỉa hè, điều quan trọng nhất là phải đặt nguyên tắc thượng tôn pháp luật lên hàng đầu thì mới chế ngự được lực cản của lợi ích nhóm.
Trong tuần vừa qua, xen kẽ những thông tin “đại án” PVN và Ngân hàng Xây dựng, đơn từ chức của ông Đoàn Ngọc Hải – gương mặt đại diện cho chiến dịch đòi lại vỉa hè rầm rộ trên cả nước – có lẽ là thông tin được nhiều người quan tâm nhất. Ông Hải xin “cởi áo từ quan” khỏi chức phó chủ tịch Quận 1 khi thừa nhận mình không hoàn thành nhiệm vụ, như những gì ông đã hứa khi được trao quyền dọn vỉa hè ở địa bàn này hồi đầu năm.
Trùng hợp, cùng thời điểm, một phóng sự điều tra của báo Người Lao động tiết lộ nhiều vấn đề bất cập liên quan đến cuộc chiến giành vỉa hè cũng ở Quận 1. Trong đó, mạnh mẽ nhất là cáo buộc địa phương nhẹ tay xử lý với các bãi gửi xe của “người nhà” – do các phòng ban thuộc quận đứng tên – trong khi hơn 700 hồ sơ của dân xin phép "gia hạn, cấp mới các bãi giữ xe có thu phí và không thu phí trên vỉa hè" thì vẫn bị ngâm mấy tháng nay chưa được giải quyết.
Ông Đoàn Ngọc Hải trong một lần xử phạt xe biển xanh 80B đậu trên vỉa hè. Ảnh: NLĐ |
Đây rõ ràng là cái kết đáng buồn để ước mơ biến Sài Gòn thành Singapore của ông Hải, cũng như tạo ra sự thất vọng sâu sắc cho những người từng đặt niềm tin vào quyết tâm của ông. Nhưng buồn hơn có lẽ là những hộ kinh doanh nhỏ lẻ, những người bán hàng rong, bơm xe, bán hoa dạo,… những người lao động nghèo vốn không còn đường nào khác ngoài việc tìm cách mưu sinh trên hè phố - những người luôn bị coi là “thủ phạm chính” làm cho đô thị xấu xí, nhếch nhác. Vì khi vỉa hè được “dọn dẹp”, cần câu cơm của họ dĩ nhiên cũng biến mất.
Tuy nhiên, sau khi phố phường sạch sẽ, khang trang, những người lao động mới nhận ra rằng, câu chuyện ở đây không đơn giản chỉ dọn dẹp là xong.
Vỉa hè- nơi nguồn lợi lớn đến mức các nhóm lợi ích không dễ gì bỏ qua, kể cả chà đạp lên qui định của pháp luật. Điều tra công phu của báo Người Lao động đã chứng minh, cuộc dọn dẹp vừa rồi chỉ là cách để các nhóm lợi ích phân phối lại quyền chiếm đóng từ bên này qua một bên khác.
Hiện tượng này có lẽ không chỉ diễn ra ở Quận 1, Tp. HCM.
Hẳn nhiều người còn nhớ, gần một năm trước, chủ tịch UBND Tp. Hà Nội Nguyễn Đức Chung, vốn là thiếu tướng công an, từng phát biểu, phần lớn các quán bia ở Hà Nội đều có công an đứng phía sau. Câu hỏi mà người dân đang quan tâm là, người đứng đầu thành phố đã “chỉ mặt đặt tên” rõ như vậy, một năm trôi qua, tình trạng này đã được xử lý như thế nào?
Mới đây, ngay sau quyết định tăng giá dịch vụ trông giữ xe ở thủ đô Hà Nội, đã xuất hiện những cơ sở trông giữ xe "chui". Những ai sử dụng ô tô trong nội đô có lẽ đã quá quen với cảnh chỉ cần dừng xe, ngay lập tức sẽ có người đến đòi thu tiền mà không hề có hóa đơn, hay chứng từ. Liệu có hay không tình trạng cơ quan quản lý làm ngơ cho các hoạt động kinh doanh phi pháp lòng, lề đường và vỉa hè?
Ý thức tuân thủ pháp luật của người dân phụ thuộc rất lớn vào quan điểm của họ về tính công bằng. Nếu người dân cho rằng chính sách không được thực thi đồng đều giữa các nhóm lợi ích khác nhau, hay nhóm này được hưởng lợi nhiều hơn nhóm khác, thì tất yếu sẽ dẫn đến tình trạng bất tuân pháp luật. Người dân cũng sẽ tìm cách bỏ qua các khuôn khổ pháp lý để hành động theo cách mà họ thấy công bằng. Khi đó, mọi nỗ lực lập lại trật tự vỉa hè, đường phố sẽ lại trở về con số không.
Câu chuyện "giành lại vỉa hè" cũng tương tự như vậy. Nếu sự quyết liệt của chính quyền chỉ là nhất thời, việc xử lý vi phạm chỉ gói gọn trong phạm vi những nhóm yếu thế trong xã hội, thì việc nhận được sự đồng tình của người dân sẽ vô cùng khó khăn.
Tôi đồng ý với quan điểm của một lãnh đạo Tp. HCM, cho rằng giải phóng vỉa hè không thể chỉ làm trong ngày một ngày hai là xong. Vỉa hè gắn liền với nhiều yếu tố bám rễ trong văn hóa và tư duy của nhiều người, muốn thay đổi điều đó cần có thời gian đủ dài. Nhưng dù thời gian dài hay ngắn, điều quan trọng nhất là cần phải đặt nguyên tắc thượng tôn pháp luật lên hàng đầu.
Nếu ngay chính pháp luật còn có thể bị bẻ cong bởi nhóm lợi ích, thì dẫu có thêm 1000 ông Đoàn Ngọc Hải cũng không thể giải được bài toán vỉa hè đô thị ở nước ta.
Quận 1 đồng loạt kiểm tra các bãi giữ xe \'chặt chém\'
Trước việc các bãi giữ xe tư nhân tại trung tâm Sài Gòn bị phản ánh lấy giá cao hơn quy định, UBND quận 1 ... |
Ngăn chặn nạn “tham nhũng vỉa hè”
"Cháy nhà ra mặt chuột”, dân gian nói chớ có sai. Cái nhà lợi ích của vỉa hè đang cháy, người châm mồi lửa là ... |
Ngày đăng: 08:45 | 20/01/2018
/ Vietnamnet