Giá xăng dầu từ đầu năm 2022 đến nay liên tục được điều chỉnh tăng vừa tác động làm tăng giá sản phẩm đầu vào, vừa làm tăng giá sản phẩm tiêu dùng cuối cùng. Trong những tháng cuối năm, nếu giá xăng dầu tiếp tục tăng gây áp lực tăng giá cao và ngấm vào nền kinh tế.

Bà Nguyễn Thu Oanh, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá, Tổng cục Thống kê (TCTK) Bộ Kế hoạch & Đầu tư nhận định, giá xăng dầu có nhiều biến động sẽ tác động đến mặt bằng giá nhiều hàng hóa quan trọng như xăng, vật tư nông nghiệp, vật liệu xây dựng, vận tải. Hiện nay giá xăng dầu thành phẩm trên thị trường Singapore chiếm khoảng 70% giá cơ sở đối với xăng và khoảng 80% giá cơ sở đối với dầu cho nên việc giá thế giới tăng cao có tác động rất mạnh tới giá trong nước. Theo tính toán của TCTK, thì giá xăng dầu cứ tăng 10% sẽ tác động làm CPI tăng 0,36 điểm phần trăm.

Do vậy, để đạt được các mục tiêu tăng trưởng, Việt Nam cần có các chính sách để ổn định giá xăng dầu, vì đây là nguyên vật liệu đầu vào của các ngành sản xuất và kiềm chế lạm phát ở mức cho phép. Theo đó, cần nâng cao khả năng tự chủ nguồn cung xăng dầu trong nước. Cần rà soát, xem xét, đánh giá lại năng lực sản xuất, các nút thắt của các nhà máy lọc dầu để có chính sách quản lý hỗ trợ, tháo gỡ nút thắt cho các đơn vị này hoạt động hiệu quả, đảm bảo nguồn cung xăng dầu trong nước. Đồng thời nghiên cứu các giải pháp giảm thuế để chia sẻ khó khăn cho người dân và DN trong giai đoạn giá xăng dầu tăng cao.

Giảm thuế, phí để bình ổn giá xăng dầu -0

Cần xem xét điều chỉnh các loại thuế, phí xăng dầu phù hợp với thực tế sử dụng sản phẩm này ở Việt Nam.

Theo bà Oanh, cần xem xét điều chỉnh các loại thuế, phí xăng dầu phù hợp với thực tế sử dụng sản phẩm này ở Việt Nam. Cần xem xét nó như một mặt hàng thiết yếu cho sản xuất và tiêu dùng để đánh các sắc thuế phù hợp, điều chỉnh một số loại thuế để tác động kích thích tích cực đến sản xuất trong nước.

“Giá xăng dầu đang là tác nhân chính gây ra lạm phát trên toàn cầu. Hầu hết các quốc gia trên thế giới đang thực hiện các chính sách để kiểm soát giá xăng dầu. Ở Việt Nam, lạm phát đang được kiểm soát, tuy nhiên, nếu chúng ta không có giải pháp quyết liệt thì giá xăng dầu tăng cao sẽ gây ra hiệu ứng domino đến mặt bằng giá cả hàng hóa khác. Do đó, cần chấp nhận một khoản thiếu hụt trong ngắn hạn nguồn thu ngân sách từ việc giảm thuế với xăng dầu để hỗ trợ chi phí đầu vào cho DN, ổn định kinh tế vĩ mô cũng như hỗ trợ người dân vượt qua khó khăn”, bà Oanh nhấn mạnh.

Cùng với đó, cần có phương án dự trữ, giải pháp và chiến lược “rất đặc biệt với mặt hàng xăng, dầu”, nhất là tăng dự trữ xăng, dầu quốc gia và làm tốt hơn dự báo để tránh rơi vào thế bị động về nguồn cung; tăng cường thanh, kiểm tra để bình ổn giá, sàng lọc những tổ chức, DN kinh doanh lợi dụng để kinh doanh, tăng giá xăng, dầu

Nhằm giảm bớt áp lực chi phí cho người dân và DN, góp phần kiểm soát lạm phát, từ 1/4/2022, Việt Nam đã giảm 50% thuế bảo vệ môi trường (BVMT). Bộ Công Thương thống nhất kiến nghị mức giảm hết khung thuế BVMT đối với các mặt hàng xăng dầu, mỡ nhờn, cụ thể: giảm thuế BVMT về mức đối với xăng (trừ etanol) là 1.000 đồng/lít; nhiên liệu bay là 1.000 đồng/lít; dầu diesel là 500 đồng/lít; dầu hỏa là 300 đồng/lít; dầu mazut là 300 đồng/kg; dầu nhờn là 300 đồng/lít và mỡ nhờn là 300 đồng/kg. Ngoài ra, Bộ Công Thương tiếp tục kiến nghị Bộ Tài chính phối hợp với các bộ, ngành tiếp tục rà soát, đề xuất giảm thêm một số loại thuế trong cơ cấu giá xăng dầu như thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB), thuế giá trị gia tăng (GTGT) để giảm giá mặt hàng xăng dầu trong nước, hỗ trợ cho đời sống của nhân dân, DN, góp phần bình ổn thị trường, kiểm soát lạm phát và đảm bảo mục tiêu thực hiện chương trình phục hồi kinh tế - xã hội sau đại dịch của Chính phủ.

Theo TCTK, trong các loại thuế trong xăng dầu, việc điều chỉnh thuế nhập khẩu thuộc thầm quyền của Thủ tướng Chính phủ, việc điều chỉnh mức thuế BVMT đối với xăng dầu thuộc thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Do đó, để đảm bảo tính kịp thời, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, đề xuất sớm điều chỉnh 2 loại thuế này là cần thiết. Đối với thuế TTĐB, việc thực hiện điều chỉnh thuế suất thuộc thẩm quyền của Quốc hội nên cần nhiều thời gian và khó có thể áp dụng ngay trong khi giá xăng dầu có những thời điểm biến động nhanh, thời gian ngắn nên sẽ có độ trễ nhất định.

https://cand.com.vn/Thi-truong/giam-thue-phi-de-binh-on-gia-xang-dau-i659062/

Ngày đăng: 14:58 | 04/07/2022

Trân Trân / Công an nhân dân