Giá xăng, dầu trong nước liên tiếp lập đỉnh đòi hỏi phải có ngay chính sách để giảm gánh nặng cho người dân và doanh nghiệp.
Hiện nay, hầu như người ta chỉ quan tâm đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) mà không muốn quan tâm đến các chỉ số giá khác như chỉ số giá cơ bản (BPI - Basic Price Index) và chỉ số giá sản xuất (PPI - Production Price Index). “Rổ” hàng hóa theo cách tính chỉ số giá tiêu dùng không phân biệt sản phẩm trong nước và sản phẩm nhập khẩu.
Chưa bàn đến các vấn đề vĩ mô như cung tiền, chi phí đẩy, quan hệ tiền - hàng, cung - cầu hàng hóa thì có mấy vấn đề xảy ra với CPI một cách trực tiếp. Đó là, nhập khẩu nhiều hàng hóa giá rẻ làm tăng nhập siêu nhưng làm CPI hạ nhiệt. Thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng hàng nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt… đánh trên hàng nhập khẩu góp phần làm CPI tăng. Chính sách thuế và phí đối với hàng nhập khẩu và hàng hóa sản xuất trong nước góp phần ảnh hưởng không nhỏ đến CPI.
Chỉ số giá sản xuất được hiểu là chỉ số giá của sản phẩm, hàng hóa tại cổng doanh nghiệp (chưa qua khâu lưu thông). Tính toán từ cấu trúc của bảng cân đối liên ngành cho thấy, xăng dầu chiếm khoảng 5,8% trong giá trị sản xuất và chiếm 8,2% trong chi phí trung gian (intermediate inputs) của nền kinh tế; riêng đối với nhóm ngành vận tải xăng dầu chiếm 46,1% trong giá trị sản xuất và chiếm khoảng 62% trong chi phí trung gian. Và như vậy khi giá xăng dầu tăng 45% thì chi phí trung gian tăng khoảng 3,3%, chỉ số giá sản xuất tăng khoảng 2,34%. Riêng nhóm ngành vận tải chỉ số giá sản xuất tăng khoảng 18%; các ngành vận tải đường thủy và đường bộ tăng trên 20%. Mức tăng giá này khiến tổng giá trị tăng thêm (hoặc GDP) ở chu kỳ sản xuất tiếp theo có thể giảm khoảng 8%.
Trước tình hình giá dầu thô thế giới tăng đột biến và thấy rõ ảnh hưởng của giá xăng dầu với nền kinh tế và đời sống của dân cư, các nhà điều hành đã đồng loạt đề xuất sử dụng các công cụ thuế, phí để kìm đà tăng giá xăng dầu. Mới đây, Bộ Tài chính lại đề xuất giảm thuế bảo vệ môi trường đối với nhóm xăng, dầu, mỡ nhờn xuống mức sàn trong khung thuế, tương đương giảm 700 - 1.000 đồng/lít (tùy loại) đến hết năm nay. Tuy đây là mức giảm “kịch sàn” khung thuế này nhưng thực sự cũng chỉ như muối bỏ bể, không thấm vào đâu, bởi giá xăng thế giới dự báo sẽ còn tăng.
Nhìn thấy gánh nặng giá cả đang đè trĩu trên vai người dân vốn đã kiệt sức sau đại dịch Covid-19, trên diễn đàn Quốc hội, nhiều đại biểu đề nghị miễn, giảm thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng với xăng dầu trong năm nay. Điều này rất hợp lý, thậm chí nên xem xét bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng dầu bởi đây là mặt hàng thiết yếu của nền kinh tế, chứ không phải là mặt hàng không được khuyến khích tiêu dùng - cũng là mục đích của thuế tiêu thụ đặc biệt. Nếu tiếp tục giữ thuế này, giá cả mọi sản phẩm sẽ tăng, gánh nặng chi phí cho nền kinh tế lớn, tăng lạm phát và giảm lợi nhuận của doanh nghiệp, đời sống người lao động và nhân dân ngày càng trầm luân. Còn hậu quả đối với ngân sách, rất có thể nguồn thu từ các loại thuế đánh vào doanh nghiệp sẽ giảm và bị thiệt hại ở chu kỳ sản xuất tiếp theo.
Một vấn đề nữa là Việt Nam là quốc gia có mỏ dầu (thuộc sở hữu toàn dân). Trong khi doanh nghiệp này xuất khẩu dầu thô thì doanh nghiệp khác lại nhập khẩu dầu thô. Cả doanh nghiệp xuất khẩu dầu thô và doanh nghiệp nhập khẩu dầu thô đều được lời. Xuất khẩu dầu thô có lời là đương nhiên vì giá dầu tăng cao, doanh nghiệp nhập khẩu dầu thô để sản xuất cũng có lời vì chính sách định mức lợi nhuận cùng các kiểu ưu đãi khác và vì giá tăng liên tục. Trớ trêu là tài sản của dân được mang ra sử dụng nhưng chỉ có người dân và nền kinh tế thiệt hại. Phải chăng về cơ chế chính sách có vấn đề? Nếu thực sự như vậy cần sửa ngay và luôn!
Ngày đăng: 12:12 | 22/06/2022
TS. Bùi Trinh /