Nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục Đào tạo (GDĐT) Phạm Minh Hạc cho rằng ông không đồng tình với đề xuất trên bởi quản lý giáo dục rất phức tạp, còn nguyên Thứ trưởng Trần Xuân Nhĩ không hoàn toàn bác bỏ đề xuất trên.
Đề xuất xóa bỏ phòng GDĐT quận/huyện để tinh giản biên chế, góp phần tăng lương cho giáo viên mới đây tiếp tục thu hút sự chú ý của dư luận. Về đề xuất này, các nguyên lãnh đạo Bộ GDĐT đang có những quan điểm trái chiều.
GS Phạm Minh Hạc - nguyên Bộ trưởng Bộ GDĐT cho biết: “Tôi khá bất ngờ khi nghe đề xuất trên. Quản lý giáo dục rất phức tạp không chỉ thực hiện chủ trương lớn mà còn có những việc rất cụ thể như là giờ dạy, giáo dục và dạy học trong trường, ngoài trường, kết hợp với xã hội, gia đình... Quản lý trong giáo dục cũng phải chia đến cấp huyện, cấp xã giống như quản lý ở cấp chính quyền. Vì thế, không thể giải thể hay cắt giảm cấp quản lý giáo dục ở huyện, xã được”.
Nguyên Thứ trưởng Bộ GDĐT Trần Xuân Nhĩ cho rằng không nên hoàn toàn bác bỏ ý kiến đề xuất này bởi trước bất cứ đề xuất nào cũng nên bình tâm suy xét kỹ. Hiện nay, chúng ta đang thực hiện giao quyền tự chủ cho các cấp cơ sở. Vì thế, nếu cơ sở tự chủ và phát huy tốt thì vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước cũng sẽ ít đi. Còn nếu như tự chủ khiến phát sinh chuyên quyền, độc đoán, tạo nên những “ông vua con” thì rất cần thiết các cơ quan quản lý.
Hiện nay, vai trò, chức năng của phòng giáo dục là kiểm tra, giám sát về chuyên môn xem các cơ sở có thực hiện đúng thể chế theo quy định hay không. Tuy nhiên, nhiều cán bộ cơ sở của chúng ta phần lớn vẫn chưa đáp ứng được các yêu cầu đó nên đề xuất bỏ phòng giáo dục cũng là một hướng để xem xét, nghiên cứu.
“Theo tôi, cơ cấu hoạt động của phòng giáo dục bao gồm cả về nhân sự, chuyên môn, thanh tra... có vẻ cũng hơi nặng nề. Chúng ta có thể xem xét thí điểm thực hiện bỏ phòng GDĐT ở một vài nơi để đưa ra kết luận chứ không nên vội vàng bác bỏ", vị nguyên lãnh đạo Bộ GDĐT cho biết thêm.
Còn TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp - Bộ GDĐT nhận định cần đánh giá cụ thể việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của các phòng GDĐT. “Cần xem xét Phòng GDĐT đã thực hiện đúng, tốt chức năng của mình chưa hay chỉ thêm phiền toái cho các trường. Nếu bỏ các phòng GDĐT thì trách nhiệm quản lý thuộc về Sở GDĐT. Lúc này, Sở phải đủ năng lực và có sự phối hợp hiệu quả với UBND quận/huyện. Vấn đề này phải được nghiên cứu cụ thể vì sẽ liên quan tới nhiều người, nhiều vấn đề" - TS Hoàng Ngọc Vinh nói.
Ngày đăng: 07:00 | 17/12/2017
/ Lao động