Các nhà lãnh đạo thế giới, người đứng đầu các tổ chức quốc tế và các nhà hoạt động đang có mặt tại Thủ đô Paris của Pháp để tham dự một hội nghị thượng đỉnh kéo dài hai ngày nhằm tìm kiếm những giải pháp hữu hiệu hơn để giải quyết vấn đề đói nghèo và biến đổi khí hậu thông qua định hình lại hệ thống tài chính toàn cầu.
Khoảng 40 nhà lãnh đạo trên thế giới, trong đó có Tổng thống nước chủ nhà Emmanuel Macron, Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường, Thủ tướng Đức Olf Scholz, Tổng thống Brazil Luiz Inácio Lula da Silva, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres, người đứng đầu Ngân hàng Thế giới (WB) Ajay Banga và Chủ tịch Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva, sẽ cùng tham dự "Hội nghị Thượng đỉnh về Hiệp ước Tài chính Toàn cầu Mới", diễn ra trong hai ngày 22 và 23/6 tại Paris. Các nhà hoạt động khí hậu như Greta Thunberg và Vanessa Nacate cũng sẽ tham dự.
Theo Reuters, mục đích của hội nghị là nhằm tăng cường tài trợ cho các nước có thu nhập thấp vượt qua khủng hoảng, cải cách hệ thống tài chính sau chiến tranh và giải phóng quỹ viện trợ để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu thông qua việc đạt được sự đồng thuận cấp cao nhất về phương pháp tiến hành một số sáng kiến hiện đang gặp khó khăn tại các cơ quan, tổ chức quốc tế như G20, COP, IMF, WB và Liên hợp quốc. Hội nghị thượng đỉnh cũng hướng đến mục tiêu tạo ra các lộ trình đa phương diện có thể được áp dụng trong 18-24 tháng tới trong nhiều lĩnh vực.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết cuộc chiến chống đói nghèo, nỗ lực kiềm chế sự nóng lên toàn cầu và bảo vệ đa dạng sinh học "có mối liên hệ chặt chẽ với nhau". Do đó, các nước cần phải cùng nhau thống nhất về các biện pháp tốt nhất để giải quyết những thách thức này ở các nước nghèo và các nước mới nổi.
Một trong các chủ đề chính sẽ được thảo luận là những thay đổi cần thiết trong cách WB và IMF cho vay và cấp tiền cho các quốc gia dễ bị tổn thương. Cả hai tổ chức này trong thời gian qua đã bị chỉ trích vì không tính đến biến đổi khí hậu khi đưa ra các quyết định cho vay và bị chi phối bởi các quốc gia giàu có như Mỹ.
Theo AP, nhiều đại biểu tham gia hội nghị dự kiến sẽ ủng hộ áp thuế đối với khí thải nhà kính được tạo ra từ hoạt động vận chuyển quốc tế, với mục đích dọn đường cho sáng kiến này được thông qua tại cuộc họp của Tổ chức Hàng hải Quốc tế sẽ diễn ra vào tháng 7.
Bên cạnh đó, nhiều nhà hoạt động cũng thúc đẩy việc đánh thuế đối với việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch và một loại thuế khác đối với các giao dịch tài chính liên quan đến hóa thạch - hai đề xuất có vẻ nhận được rất ít sự ủng hộ từ các quốc gia giàu có. Trong một diễn biến có liên quan, nhiều nhà hoạt động khí hậu đã tổ chức một cuộc biểu tình gần Tháp Eiffel hôm 21/6 với biểu ngữ có nội dung "Chấm dứt tài trợ cho nhiên liệu hóa thạch" và "Buộc người gây ô nhiễm phải chịu trách nhiệm".
Hội nghị thượng đỉnh tại Paris được tổ chức sau một kế hoạch do Thủ tướng Barbados Mia Mottley ủng hộ nhằm tạo điều kiện tiếp cận nguồn tài chính cho các quốc gia dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu.
Bà Mottley và nhiều lãnh đạo khác lập luận rằng các nước đang phát triển phải trả lãi suất cao đến mức phải vật lộn để tài trợ cho các dự án thích ứng, như tường chắn biển, hoặc các sáng kiến năng lượng xanh, như trang trại năng lượng mặt trời lớn, hoặc đơn giản là trả các khoản nợ chưa thanh toán khi các thảm họa thiên nhiên ập tới.
Ngoài ra, các cuộc đàm phán tại Paris diễn ra trong bối cảnh đại dịch COVID-19, chiến sự ở Ukraine và cuộc khủng hoảng nợ toàn cầu đã khiến tuổi thọ trung bình giảm và tỷ lệ nghèo đói gia tăng ở hầu hết các quốc gia trên thế giới, theo Chương trình Phát triển Liên hợp quốc.
Cơ cấu lại và xóa nợ cũng là chủ đề được tranh luận, khi ngày càng nhiều quốc gia phải vật lộn với các khoản nợ do các vấn đề biến đổi khí hậu làm trầm trọng thêm. Ngoài ra, các nhà hoạt động khí hậu và các quốc gia đang phát triển cũng kêu gọi các nước giàu thực hiện các cam kết hiện có của họ.
Các chuyên gia kỳ vọng tại hội nghị sẽ công bố cam kết cung cấp cho các quốc gia nghèo 100 tỷ USD viện trợ mỗi năm để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu toàn cầu. Lần đầu tiên được đưa ra vào năm 2009 và được tái khẳng định tại Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu ở Paris năm 2015, cam kết này chưa bao giờ được thực hiện.
Cécile Duflot, Tổng giám đốc Oxfam Pháp, cho biết các quốc gia giàu có phải có "trách nhiệm chính trị, lịch sử" và "nghĩa vụ đoàn kết" đối với các nước nghèo. "Chúng tôi ủng hộ các biện pháp triệt để… bởi vì đó là những biện pháp duy nhất phù hợp với mức độ của vấn đề", bà Duflot nhấn mạnh.
Các nhà hoạt động không mấy lạc quan về triển vọng của các cuộc đàm phán ở Paris. Harjeet Singh, chuyên gia tại Mạng lưới Hành động Khí hậu Quốc tế cho biết: "Hệ thống tài chính hiện nay không chỉ cần 'băng bó” mà cần một cuộc can thiệp phẫu thuật chuyên sâu", "nhiều ý tưởng hay đang được thảo luận, nhưng có thể sẽ không đi đến đâu cả".
Dù vậy, ban tổ chức nhấn mạnh hội nghị thượng đỉnh Paris không có nhiệm vụ đưa ra các quyết định chính thức, mà nó nhằm mục đích tạo động lực chính trị mạnh mẽ cho các vấn đề chính sẽ được thảo luận trong các hội nghị về khí hậu và các cuộc họp quốc tế khác sắp diễn ra.
https://cand.com.vn/Quoc-te/giai-quyet-bien-doi-khi-hau-va-doi-ngheo-i697832/
Ngày đăng: 08:15 | 23/06/2023
Tiến Dũng / cand.com.vn