Thông tin từ Bộ Tài nguyên và Môi trường, bắt đầu từ ngày mai (26-9) tại Cần Thơ sẽ diễn ra hội nghị về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Những năm qua, tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu tới khu vực này là rất rõ rệt và có xu hướng tăng nhanh. Vì thế, việc tìm giải pháp chuyển đổi mô hình phát triển cho đồng bằng sông Cửu Long là hết sức cần thiết.
Trái Đất sẽ đối mặt cơn đại tuyệt chủng mới vào năm 2100 |
Hướng đến "đô thị xanh" |
Kênh phục vụ tưới tiêu xã Hưng Yên, huyện An Biên, Kiên Giang bị nhiễm mặn.
Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là vùng đất giàu tiềm năng phát triển kinh tế, nơi sinh sống của khoảng 18 triệu người dân Việt Nam; đóng góp khoảng 18% GDP toàn quốc, với 90% tổng lượng gạo xuất khẩu, gần 60% kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam và 70% sản lượng trái cây cả nước. Đây là nơi gạo trắng nước trong, là vựa lúa, vựa cá, vựa trái cây của cả nước. Tuy nhiên, đây cũng là vùng bị ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu (BĐKH), dẫn tới ruộng đồng nhiều nơi khô hạn, triều cường, ngập mặn xâm nhập sâu vào nội đồng, tấn công cả vào các đô thị. Trong đó lĩnh vực nuôi trồng thủy sản gặp bất lợi nhất.
Ngay từ năm 2010, các chuyên gia khí tượng thủy văn đã mạnh mẽ cảnh báo: Theo kịch bản BĐKH, khoảng 35% dân số của vùng, tương đương gần 6,3 triệu dân ĐBSCL có nguy cơ bị ảnh hưởng trực tiếp. 15/161 đô thị tại đây có khả năng ngập úng do lũ, triều cường và mưa lớn. Đặc biệt, dưới tác động của triều cường, mưa lũ thay đổi cực đoan, mực nước biển dâng khiến tình trạng ngập lụt ở ĐBSCL trong đó có các đô thị diễn ra ngày càng gay gắt. Theo PGS.TS Lưu Đức Cường (Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn, Bộ Xây dựng), dự báo mực nước biển trung bình vùng ĐBSCL tiếp tục tăng thêm 23cm đến 27cm vào năm 2050 và tăng 59cm đến 75cm vào năm 2100. Lúc đó diện tích đất ĐBSCL bị ngập trên 0,5m là hơn 3 triệu ha. Khi đó các đô thị như Châu Đốc, Long Xuyên, Cao Lãnh, Sa Đéc, Vĩnh Long, Tân An, Mỹ Tho, Cần Thơ, Vị Thanh, Sóc Trăng, Rạch Giá, Hà Tiên... sẽ bị ngập trên 1m. Từ đó, người ta đã tính đến chuyện phát triển mô hình đô thị nông nghiệp để thích ứng với BĐKH tại đây.
Tuy nhiên, vấn đề đô thị vùng ĐBSCL bị ngập úng vẫn chưa đáng ngại bằng việc đồng ruộng khi ngập, khi hạn, độ mặn ngày một tăng cao khiến không chủ động được trong trồng trọt, chăn nuôi và làm cho năng suất, sản lượng vật nuôi cây trồng sụt giảm. Thực tế cho thấy, khoảng 5 năm trở lại đây, số bà con nông dân khu vực này bán ruộng, cho thuê ruộng, bỏ làng, bỏ ruộng tới các thành phố, các khu công nghiệp để kiếm việc làm diễn ra khá phổ biến. Nhất là với giới trẻ, lực lượng lao động chính thì một bộ phận lớn đã thoát li khỏi ruộng vườn. Số người nghèo tại ĐBSCL có xu hướng tăng lên, cũng như phát sinh những vấn đề xã hội gay gắt.
Giải pháp tổng thể để ĐBSCL ứng phó với BĐKH, phát triển bền vững đã được đặt ra từ khá lâu, nhưng sự chuyển động tới nay vẫn không rõ rệt. Chung sống với BĐKH hay là bỏ xứ ra đi vẫn là điều day dứt của nhiều người, nhất là với người nghèo.
GS Nguyễn Tất Đắc (nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam cho rằng), trước tác động rất lớn từ BĐKH, vấn đề của ĐBSCL không còn là việc kiểm soát lũ mà còn là chuyện chống hạn, thay đổi dòng chảy, sạt lở đất, xâm nhập mặn, mất nguồn lợi từ lũ. Do đó phải kiểm soát được lũ để người dân “sống chung với lũ, chuyển từ thế bất lợi sang chủ động khai thác tất cả những lợi ích từ lũ mang lại.
Theo ông Đắc, cũng cần phải tính đến chuyện để lũ vào đồng tự do và cả trong trường hợp không có lũ để có các quy hoạch mang tính tổng thể từ vùng trồng lúa, nuôi trồng thủy sản đến việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp. Còn GS.TS Tăng Đức Thắng (Viện Khoa học thủy lợi Việt Nam) thì cho rằng, các kịch bản kiểm soát lũ ĐBSCL cần tính tới việc chỉnh trị dòng chảy cũng như xây dựng các khu vực chứa nước ngọt nhằm cung cấp nước cho các vùng ở hạ lưu cũng như đảm bảo nguồn nước ngọt phục vụ sản xuất nông nghiệp, đảm bảo mọi nhu cầu về sống chung với lũ một cách an toàn của người dân.
Gần đây, tại ĐBSCL, người ta còn chứng kiến nhiều vụ sạt lở đất, mà theo các chuyên gia thì không hẳn chỉ do việc khai thác cát trên các dòng sông. Rất có thể nó còn có những nguyên nhân sâu xa khác cần phải tính đến. Tại các tỉnh Vĩnh Long, Sóc Trăng, Cà Mau, Tiền Giang, Hậu Giang và cả TP Cần Thơ cũng có những vụ sạt lở đất. Đặc biệt, tại các khu vực hai bên sông, nạn lở đất khiến cho nhiều người dân hoang mang, phải di chuyển chỗ ở.
Những biểu hiện và tác động xấu từ BĐKH ở vùng ĐBSCL đã đến lúc phải có những giải pháp giải quyết rõ ràng, theo giới chuyên gia thì cần phải có một cuộc chuyển đổi lớn. Điều này được GS Trần Thục (Hội đồng Tư vấn Ủy ban quốc gia về BĐKH) nhấn mạnh tại Hội nghị khu vực phía Nam triển khai thực hiện Thỏa thuận Paris do Bộ TNMT tổ chức cách đây chưa lâu tại TP HCM.
Theo ông Thục, ĐBSCL đang đứng trước nhiều thách thức rất lớn, trong đó vấn đề đáng lo ngại nhất hiện nay và trong những năm tới là sự suy giảm lượng phù sa từ thượng nguồn. Ông Thục cũng nhìn nhận, ĐBSCL hiện có rất nhiều quy hoạch, cả cấp vùng và cấp địa phương, về sản xuất, xây dựng, sử dụng đất, chống ngập… Nhưng các quy hoạch này lại không có sự gắn kết đồng bộ nên không phát huy được hiệu quả, thậm chí gây những hậu quả ngoài tính toán.
Ông Thục dẫn chứng Dự án hệ thống đê bao Ô Môn - Xà No tiêu tốn 300 triệu USD để bảo vệ 43.000ha lúa. Chưa rõ diện tích lúa này mỗi năm tạo ra lợi nhuận có tương xứng với khoảng đầu tư nói trên hay không, nhưng đã đẩy ngập sang TP Cần Thơ, cho thấy cái giá của nó là quá lớn. “Nước biển dâng có xu hướng không thể đảo ngược, những tác động của nó là không thể tránh khỏi, do đó trong điều kiện khả năng chống chịu có hạn thì giải pháp tốt nhất cho ĐBSCL là phải thực hiện một cuộc chuyển đổi quy mô lớn về sản xuất và sử dụng đất”- GS Trần Thục nói. Nhưng ông Thục cũng cho rằng, việc chuyển đổi- ví dụ như từ trồng lúa sang nuôi tôm; từ trồng lúa sang trồng cây ăn quả cũng cần nghiên cứu kỹ lưỡng, vì phải đạt được tính bền vững chứ không chỉ là giải pháp tình thế.
ĐBSCL đã đóng góp nhiều cho đất nước, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp. Lúa, trái cây, thủy sản... là mặt mạnh truyền thống của vùng này. Vì vậy, khi mà ĐBSCL chịu sự tác động tiêu cực từ BĐKH thì nghĩa vụ của cả nước là phải chung tay góp sức. Đã nhiều cảnh báo được đưa ra, nhiều hội thảo được tổ chức nhưng tình hình chưa biến chuyển. Hy vọng rằng với Hội nghị về phát triển bền vững ĐBSCL, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tới đây sẽ có được những quyết sách đúng đắn, tổng thể và mạnh mẽ, để ĐBSCL sẽ trở lại là vùng đất phì nhiêu, giàu có của đất nước. Một giải pháp tổng thể chứ không chỉ là giải pháp tình thế.
http://daidoanket.vn/tin-tuc/goc-nhin-dai-doan-ket/giai-phap-tong-the-380591
Ngày đăng: 15:55 | 25/09/2017
/ Nam Việt/daidoanket.vn