Nền kinh tế đã đi qua nửa chặng đường của năm 2023, thu được một số kết quả đáng ghi nhận về kinh tế vĩ mô ổn định, các cân đối lớn được đảm bảo, lạm phát được kiểm soát ở mức phù hợp. Mặc dù còn nhiều khó khăn trong việc đạt mục tiêu tăng trưởng 6,5%, nhưng trong bối cảnh đó, vẫn có những “điểm sáng”.
Hiệu quả từ chính sách kích cầu tiêu dùng nội địa
Tổng cục Thống kê cho biết, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý II/2023 ước tính tăng 4,14% so với cùng kỳ năm trước, chỉ cao hơn tốc độ tăng 0,34% của quý 2/2020 trong giai đoạn 2011-2023, gần thấp nhất trong 13 năm qua. Tính chung 6 tháng, tăng trưởng GDP của nền kinh tế ước chỉ đạt 3,72%. Con số này chỉ cao hơn tốc độ tăng 1,74% của 6 tháng đầu năm 2020 trong giai đoạn 2011-2023. Bên cạnh đó, hầu hết các chỉ số kinh tế như kim ngạch xuất nhập khẩu, chỉ số sản xuất công nghiệp, vốn đầu tư FDI đều giảm. Như vậy, so với mục tiêu GDP tăng trưởng 6,5% cho cả năm 2023 thì kết quả trên là rất hạn chế, cho thấy gánh nặng sẽ dồn vào thời gian từ nay đến cuối năm.
Ngoài ra, tình hình khởi nghiệp cũng đáng quan ngại khi 6 tháng đầu năm cả nước có 75,9 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, giảm 0,5% so với cùng kỳ. Nhưng có tới 60,2 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn; 31 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 28,9% và 8.800 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 2,8%. Chỉ có gần 37,7 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, giảm 7,4%. “Sức khỏe” của doanh nghiệp đang giảm sút, sức hấp thụ vốn cũng hạn chế bên cạnh thực tế “đói” đơn hàng, hợp đồng xuất khẩu.
Trong bối cảnh đó, điểm sáng của kinh tế Việt Nam đến từ khu vực dịch vụ. Các chính sách kích cầu tiêu dùng nội địa, các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch được đẩy mạnh đã góp phần duy trì tăng trưởng của khu vực dịch vụ. Giá trị tăng thêm khu vực dịch vụ 6 tháng đầu năm 2023 tăng 6,33% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức tăng 1,18% và 4,53% của cùng kỳ các năm 2020 và năm 2021. Trong khu vực dịch vụ, đóng góp của một số ngành có tỷ trọng lớn vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế gồm: Bán buôn và bán lẻ tăng 8,49% so với cùng kỳ; ngành vận tải, kho bãi tăng 7,18%; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 7,13%; dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 15,14%... Theo các chuyên gia, khu vực dịch vụ nói trên đã nổi lên là điểm sáng và sẽ được phát huy mạnh mẽ trong những tháng tới; nhất là xét trong bối cảnh cần tận dụng cơ hội khi đã xuất hiện chỉ dấu cho thấy kinh tế trong nước cũng như ở một số đối tác lớn đang phục hồi khá rõ nét. Tiêu dùng trong nước và du lịch cũng đang được kỳ vọng tiếp đà gia tăng và góp phần kích đẩy GDP tăng lên.
Bà Nguyễn Thị Mai Hạnh, Phó Vụ trưởng Vụ Hệ thống Tài khoản quốc gia (Tổng cục Thống kê) cho biết, hoạt động du lịch tăng trưởng sẽ tạo cơ hội cho nhiều ngành dịch vụ phát triển, thúc đẩy tiêu dùng trong nước và xuất khẩu tại chỗ.
Cần đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công
Theo Tổng cục Thống kê, kinh tế nước ta sẽ tiếp tục đối diện nhiều khó khăn, thách thức do các biến động về kinh tế, chính trị của thế giới, an ninh năng lượng, an ninh lương thực bên cạnh thiên tai, biến đổi khí hậu và dịch bệnh bất thường, khó dự báo. Thực tế này đồng nghĩa với gánh nặng và áp lực sẽ dồn lên 6 tháng còn lại của năm kế hoạch 2023. Chính phủ đang tập trung nhận diện thực tế, khắc phục khó khăn, huy động các nguồn lực và tìm giải pháp phù hợp, kịp thời, hữu hiệu nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất kinh doanh trên diện rộng.
Chuyên gia kinh tế TS. Nguyễn Bích Lâm cho rằng, khi sản xuất công nghiệp và xuất khẩu giảm sút thì càng cần chú trọng, đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công bởi đó là động lực của tăng trưởng, nhất là xét trong bối cảnh của năm 2023. Về nội dung này, Chính phủ đang chủ động tăng cường đôn đốc, phát huy vai trò của các tổ công tác đi kiểm tra đôn đốc giải ngân ở các địa bàn cụ thể.
Chia sẻ quan điểm trên, Vụ trưởng Vụ Công nghiệp và Xây dựng (Tổng cục Thống kê) Phí Thị Hương Nga nhấn mạnh, giải ngân nguồn vốn này sẽ là “vốn mồi” quan trọng để thúc đẩy phát triển hạ tầng, tạo thuận lợi cho kinh doanh cùng các hoạt động kinh tế trên diện rộng.
Theo Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) Đỗ Nhất Hoàng, gần đây nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn của Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc đã đến tìm hiểu cơ hội đầu tư và hướng tới những dự án quy mô lớn tại Việt Nam. Cơ quan chức năng cũng đánh giá, thu hút vốn đầu tư nước ngoài sẽ cải thiện mạnh trong thời gian tới, góp phần thúc đẩy tăng trưởng, tạo việc làm cũng như góp phần an sinh xã hội.
Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương cho biết, ngoài chính sách giảm thuế VAT, Chính phủ cũng thực hiện gia hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2023 (số tiền xem xét gia hạn khoảng 110 nghìn tỷ đồng). Bên cạnh đó, nhiều loại thuế, phí khác (giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn; gia hạn thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước v.v...) cũng được miễn, giảm, gia hạn để khuyến khích tiêu dùng, hỗ trợ sản xuất. Việc hàng hóa được giảm giá sẽ thúc đẩy tiêu dùng của thị trường trong nước, tạo cú hích cho doanh nghiệp phục hồi, lấy lại đà sản xuất trong những tháng cuối năm 2023. Đây cũng là giải pháp tạo và nuôi dưỡng nguồn thu bền vững cho ngân sách nhà nước.
Để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong các tháng tiếp theo, bà Nguyễn Thị Hương cho rằng, cần ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát; phối hợp hài hòa các chính sách kinh tế vĩ mô, cân bằng giữa kiểm soát lạm phát và tăng trưởng; giữa lãi suất và tỷ giá; giữa cân đối ngân sách và hỗ trợ người dân, doanh nghiệp; giữa đầu tư công; đẩy nhanh giải ngân đầu tư công, kịp thời tháo gỡ các khó khăn vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện kế hoạch đầu tư công; cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, giảm thiểu thủ tục hành chính nhằm tận dụng cơ hội dịch chuyển chuỗi cung ứng, kiến tạo thúc đẩy đầu tư trong và ngoài nước, tăng năng suất và giảm chi phí sản xuất, kinh doanh.
Việt Nam không thuộc nhóm nước có mức lạm phát cao
Tổng cục Thống kê cho biết, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6/2023 tăng 0,27% so với tháng trước. So với tháng 12/2022, CPI tháng 6 tăng 0,67% và so với cùng kỳ năm trước tăng 2%. So với các quốc gia khác, Việt Nam không thuộc nhóm nước có mức lạm phát cao khi lạm phát tháng 6/2023 tăng 2% so với cùng kỳ năm trước. Một số nguyên nhân khiến Việt Nam kiểm soát được lạm phát trong 6 tháng đầu năm 2023 là do giá xăng dầu, giá gas trong nước giảm theo giá thế giới, bình quân 6 tháng đầu năm 2023, giá xăng dầu giảm 18,27%, giá gas trong nước giảm 9,99%. Bên cạnh đó, đối với những hàng hóa và dịch vụ do Nhà nước định giá như dịch vụ y tế, dịch vụ giáo dục, giá điện sinh hoạt (chiếm tỷ trọng 12,87%) trong tổng chi tiêu dùng của dân cư đã được Chính phủ điều hành thận trọng trong 6 tháng đầu năm 2023. Đối với nhóm hàng lương thực, thực phẩm, nhóm hàng có tác động lớn tới CPI, chiếm tỷ trọng khoảng 1/4 trong tổng chi tiêu dùng của dân cư, thường xuyên được các bộ, ngành, địa phương thực hiện các biện pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn giá, nhất là mặt hàng thịt lợn. Chính sách tiền tệ được điều hành linh hoạt, thận trọng với mục tiêu kiểm soát lạm phát, tỷ giá VND ổn định so với USD, bảo đảm ổn định vĩ mô cùng với kinh nghiệm điều hành giá của Chính phủ là những yếu tố góp phần kiểm soát được lạm phát trong 6 tháng đầu năm 2023... (Trân Trân)
https://cand.com.vn/Kinh-te/giai-phap-nao-thuc-day-tang-truong-kinh-te-6-thang-cuoi-nam--i698651/
Ngày đăng: 10:07 | 30/06/2023
Lưu Hiệp / cand.com.vn