Từ cuối năm 2021 đến nay, giá thịt bò trên địa bàn cả nước giảm mạnh và luôn ở mức thấp. Trong khi đó, giá thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y đều tăng khiến người chăn nuôi thua lỗ nặng. Vậy đâu là giải pháp để ổn định tình hình chăn nuôi bò thịt, bảo đảm nguồn cung trên thị trường?

Chăn nuôi bò tại xã Thuần Mỹ (huyện Ba Vì). Ảnh: Anh Hà

Trang trại của gia đình ông Trần Văn Năm ở xã Viên Nội (huyện Ứng Hòa) đang nuôi hơn 200 con trâu, bò. Theo ông Trần Văn Năm, giá bò hơi giảm mạnh trong thời gian qua, hiện dao động trong khoảng hơn 75.000 đồng/kg, giảm 50% so với trước Tết Nguyên đán 2022. Để tiết kiệm chi phí đầu vào, trang trại đã phải giảm sử dụng thức ăn công nghiệp và chuyển sang trồng cỏ, tận dụng phụ phẩm nông nghiệp để phục vụ chăn nuôi.

Tương tự, theo ông Nguyễn Duy Anh ở xã Minh Châu (huyện Ba Vì), người chăn nuôi bò thịt đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức bởi giá bò hơi giảm sâu trong khi giá thức ăn công nghiệp, thức ăn từ phụ phẩm nông nghiệp và thuốc thú y đều tăng cao, khiến người chăn nuôi lỗ nặng. Nhiều trang trại chăn nuôi bò thịt phải bán tháo để giữ vốn; có thời điểm muốn xuất chuồng cũng khó vì không có thương lái thu mua.

Về nguyên nhân tình trạng trên, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) Tống Xuân Chinh lý giải, giá bò hơi ở các địa phương giảm mạnh do nguồn cung dồi dào. Cả nước hiện có hơn 2,3 triệu hộ nuôi bò thịt, tổng đàn bò khoảng 6,3 triệu con. Hầu hết là hộ chăn nuôi nhỏ lẻ (dưới 5 con/hộ), chăn nuôi quy mô trên 20 con/hộ chỉ chiếm 0,21% tổng số hộ nuôi bò thịt. Do quy mô manh mún nên sản phẩm thịt bò vẫn phải bán qua thương lái, giá cả bấp bênh.

Theo Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở NN&PTNT Hà Nội) Nguyễn Ngọc Sơn, đến nay, tổng đàn bò thịt toàn thành phố là 82.061 con. Nguồn cung thịt bò không giảm, nguồn thịt bò nhập khẩu từ các nước như: Australia, Thái Lan… đều tăng, trong khi sức mua giảm mạnh do người tiêu dùng ưu tiên nguồn đạm động vật rẻ hơn (cá, gà, thịt lợn…). Điều này đặt ra nhiều khó khăn với các cơ sở chăn nuôi bò.

Để chăn nuôi bò thịt phát huy hiệu quả, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm sạch Organic Green (huyện Thường Tín) Nguyễn Văn Chữ cho rằng, các hộ chăn nuôi bò thịt cần tìm cách tiết kiệm chi phí sản xuất. Bên cạnh cắt giảm nguồn thức ăn công nghiệp, các địa phương cần tạo điều kiện để nông dân mở rộng diện tích trồng cỏ voi, cỏ VA06; dự trữ thêm rơm rạ; xay thân các loại cây (ngô, đậu, lạc...) để làm thức ăn cho bò.

Ở góc độ của địa phương có thế mạnh về chăn nuôi bò, theo Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Ba Vì Hứa Bá Trình, thời gian tới, huyện tiếp tục hỗ trợ người chăn nuôi nói chung và người nuôi bò thịt nói riêng tham gia liên kết chuỗi gắn với tiêu thụ, tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm bò thịt. Bên cạnh đó, huyện khuyến khích người chăn nuôi ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng đàn bò thịt; đồng thời, đẩy mạnh thực hiện dự án khu chăn nuôi bò thịt tập trung tại xã Minh Châu; xây dựng nhãn hiệu bò thịt Ba Vì để nâng cao giá bán trên thị trường.

Nhằm ổn định tình hình chăn nuôi bò thịt, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường khẳng định, thời gian tới, Hà Nội tiếp tục định hướng chăn nuôi bò thịt ở các vùng trọng điểm như: Ba Vì, Phúc Thọ, Ứng Hòa… theo hướng tập trung, quy mô lớn. Tuy nhiên, nông dân cần tính toán, cân đối đàn nuôi phù hợp. Trong quá trình nuôi nên tăng cường sử dụng nguồn thức ăn sẵn có tại địa phương như cỏ tươi, rơm rạ, thân cây ngô, đậu, lạc và các phụ phẩm nông nghiệp khác nhằm giảm giá thành chăn nuôi và tăng sức cạnh tranh với sản phẩm thịt bò nhập khẩu trên thị trường.

http://www.hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Nong-nghiep/1035638/giai-phap-nao-on-dinh-chan-nuoi-bo-thit-

Ngày đăng: 09:18 | 29/06/2022

NGỌC QUỲNH / HNM.com.vn