Suốt thời gian dài, hàng loạt hành vi vi phạm pháp luật thông qua dịch vụ quảng cáo trên Google, Facebook, Youtube đã bị phát hiện.

Hàng loạt hành vi vi phạm pháp luật thông qua dịch vụ quảng cáo trên Google, Facebook, Youtube đã bị phát hiện nhưng việc xử lý trách nhiệm đối với các doanh nghiệp này vẫn chưa tạo được sức răn đe.

Dày đặc vi phạm

Theo Báo cáo xu hướng marketing số Việt Nam năm 2021, quy mô thị trường quảng cáo trực tuyến tại Việt Nam năm 2020 đạt 820 triệu USD. Dự báo năm 2021, 2022 mức doanh thu này sẽ đạt trên 955 triệu USD. Trong đó, hiện nay có đến 80% “miếng bánh” doanh thu rơi vào Google, Facebook...

Miếng bánh “màu mỡ” là vậy nhưng thống kê cũng cho thấy chỉ có khoảng 45% doanh thu quảng cáo trên Google và khoảng 30% trên Facebook thông qua doanh nghiệp đăng ký kinh doanh dịch vụ quảng cáo hợp pháp tại Việt Nam. Còn lại, khoảng 55% doanh thu quảng cáo trên Google và khoảng 70% doanh thu quảng cáo trên Facebook do các khách hàng tại Việt Nam tự liên hệ với hai nền tảng trên. Lợi nhuận khổng lồ như vậy nhưng các nền tảng xuyên biên giới này lại đang để xảy ra hàng loạt các hành vi vi phạm pháp luật và gây ra rất nhiều hệ lụy.

Trước hết là việc truy thu một lượng lớn tiền thuế của các nền tảng này là rất khó. Đơn cử năm 2018, doanh thu quảng cáo trực tuyến tại Việt Nam ước đạt 550 triệu USD, trong đó Facebook chiếm 235 triệu USD và Google chiếm khoảng 152 triệu USD. Chỉ cần tạm tính 70% của khoản doanh thu 235 triệu USD của Facebook và 55% của khoản doanh thu 152 triệu USD của Google không nộp 10% thuế nhà thầu cũng có thể thấy được là khoản thuế bị thất thu lên đến hàng chục triệu USD.

Tràn lan sai phạm về quảng cáo trên Google, Facebook

Không chỉ có vậy, theo đánh giá của một số các cơ quan chức năng, Google và Facebook là 2 nền tảng lớn liên tục “tiếp tay” cho các hành vi vi phạm pháp luật nên các cơ quan chức năng của Việt Nam đã yêu cầu phải có giải pháp xử lý mạnh tay. Cụ thể, theo thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông (Bộ TT&TT): Từ đầu năm 2018 đến tháng 6/2021, Facebook đã thực hiên chặn, gỡ 330 fanpages liên quan đến quảng cáo game cờ bạc, game đổi thưởng trên Facebook; gỡ bỏ 72 tài khoản, fanpages liên quan đến quảng cáo buôn bán vũ khí, vật liệu gây nổ.

Cùng với Facebook, nền tảng Google cũng đã thực hiện ngăn chặn 130 video quảng cáo mua bán, săn bắn động vật hoang dã nằm trong danh sách được bảo vệ; 500 video quảng cáo, hướng dẫn chế tạo vũ khí, vật liệu gây nổ. Ngoài ra, trong năm 2021, các đơn vị chức năng cũng đã xử lý, ngăn chặn hơn 1.000 trang tin điện tử vi phạm, đăng tải các nội dung quảng cáo phản cảm, tiêu cực.

Rà soát của Bộ TT&TT cũng cho thấy, hiện, trên Youtube có khoảng trên 55 nghìn video clip có nội dung xấu độc vi phạm pháp luật. Dù thời gian qua Google đã ngăn chặn, gỡ bỏ gần 8.000 video clip xấu độc trên YouTube theo yêu cầu của Cục Phát thanh - Truyền hình và Thông tin điện tử nhưng do cơ chế quản lý nội dung trên YouTube còn rất nhiều bất cập nên việc ngăn chặn gỡ bỏ này như "bắt cóc bỏ đĩa."

Ngoài ra, việc tái diễn tình trạng quảng cáo sản phẩm, dịch vụ của nhiều doanh nghiệp được gắn trong các video có nội dung xấu độc, phản động vi phạm pháp luật Việt Nam phát trên mạng xã hội Youtube thông qua dịch vụ quảng cáo của Google vẫn có chiều hướng gia tăng. Google đã có những giải pháp nhưng không giải quyết được triệt để những vi phạm này, gây rủi ro các thương hiệu khi quảng cáo trên Youtube.

Cụ thể, các đại lý quảng cáo của Google tại Việt Nam không chủ động kiểm soát việc đăng phát quảng cáo của các đối tác (nhãn hàng, thương hiệu) trên nền tảng YouTube khiến tình trạng quảng cáo bị gắn vào các clip xấu độc tái diễn trở lại; không báo cáo cho cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động thực hiện dịch vụ quảng cáo liên quan đến các doanh nghiệp nước ngoài cung cấp dịch vụ xuyên biên giới vào Việt Nam, vi phạm quy định tại Điểm c, Khoản 2 Điều 15, Nghị định 181/2013/NĐ-CP của Chính phủ.

Gian nan xử lý

Hàng loạt sai phạm của Google, Facebook đã được chỉ rõ nhưng việc xử lý trách nhiệm vẫn đang là “bài toán”. Trong khi một nghịch lý đang tồn tại là các nền tảng này đang thu số tiền khổng lồ tại Việt Nam nhưng lại không phải chịu trách nhiệm trước các sai phạm.

Theo quy định của pháp luật về thuế, Google, Facebook khi phát sinh doanh thu tại Việt Nam đều phải kê khai, nộp thuế, song không thể ép buộc nếu như họ không có chi nhánh tại Việt Nam và không phát sinh thu nhập ở nước sở tại.

Tràn lan sai phạm về quảng cáo trên Google, Facebook

Hình ảnh quảng cáo được xuất hiện “vô tư” trên một tài khoản của Facebook

Nhìn nhận về vấn đề này, ông Lê Quốc Vinh - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Le Invest (Holdings) Corporation - Tập đoàn Truyền thông Lê - cho rằng: "Đặc thù của công ty công nghệ là có thể vận hành từ xa thông qua hệ thống của họ, không cần thiết phải đặt chi nhánh, trụ sở tại nhiều nước. Nếu bắt buộc, họ cũng chỉ đặt văn phòng đại diện tại Việt Nam song văn phòng đại diện sẽ không phát sinh thu nhập, không thể yêu cầu kê khai và nộp thuế”.

Một số chuyên gia cũng cho rằng Google, Facebook, Youtube đều có trụ sở tại nước ngoài. Các “ông lớn” này sẽ ký hợp đồng và ủy quyền cho đại lý quảng cáo của Việt Nam thực hiện còn phần doanh thu từ khách hàng liên hệ trực tiếp vẫn chưa được kê khai và truy thu. Khi đó, chỉ đại lý Việt Nam phát sinh thu nhập từ hoạt động quảng cáo và nhà nước thu được thuế từ đây, còn nguồn thu từ nước ngoài thì cơ quan thuế của Việt Nam không thể quản lý.

Đồng thời, đối với các sai phạm trong quảng cáo trên các nền tảng xuyên biên giới, nhiều khi yêu cầu gỡ bỏ khá gian nan, một phần vì họ không có trụ sở tại Việt Nam. Trong nhiều trường hợp, Facebook và Google không chịu gỡ các bài viết có nội dung xấu, độc vì cho rằng không vi phạm chính sách cộng đồng của doanh nghiệp. Nhiều bài viết, hình ảnh, video đăng tải trên các nền tảng xuyên biên giới dù vi phạm pháp luật nhưng vẫn được cho phép quảng cáo, bật kiếm tiền. Và từ đó, đứng đằng sau câu chuyện bình phong là san sẻ lợi nhuận cho nhà sản xuất nội dung, nguồn tiền vẫn vô tư chảy vào túi các nền tảng xuyên biên giới.

Thực tế còn cho thấy, dù Google hay Facebook đang có nguồn thu rất lớn từ quảng cáo trực tuyến xuyên biên giới song các doanh nghiệp này lại hoàn toàn không “gắn” trách nhiệm của mình trong việc chủ động ngăn chặn, xử lý các vi phạm. Cách mà các doanh nghiệp này xử lý vi phạm chủ yếu theo kiểu "bắt cóc bỏ đĩa", nghĩa là khi được thông báo nền tảng số cụ thể nào có vi phạm, hoặc do chính nhãn hàng yêu cầu, thì mạng lưới quảng cáo mới tiến hành loại bỏ nền tảng ấy.

Bên cạnh đó, theo ThS. Trần Kiều Nhi thuộc Khoa Luật, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành cho rằng: Một trong những vấn đề quan trọng nhất của kiểm soát hoạt động quảng cáo trực tuyến, chính là “kiểm soát nội dung quảng cáo. Tốc độ quảng cáo thông qua các mạng xã hội như Facebook, Zalo, Tiktok… hiện đang phát triển rất mạnh, dẫn đến thực trạng quảng cáo một cách tràn lan, tự phát, khó kiểm soát. Nhiều quảng cáo chứa những hình ảnh, nội dung nhạy cảm đã được phát hiện và gỡ bỏ. Tuy nhiên, một số mạng xã hội mới nổi lên gần đây như Tiktok, việc kiểm soát quảng cáo vẫn chưa thật sự hiệu quả.

Nguyên nhân của việc khó kiểm soát một phần vì người quảng cáo sử dụng tài khoản cá nhân để thực hiện các hoạt động quảng cáo cho doanh nghiệp, nội dung quảng cáo không được kiểm duyệt. Việc kiểm soát này càng trở nên khó khăn hơn đối với các tổ chức kinh doanh dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới. Mặc dù Điều 14 và Điều 15 Nghị định số 181/2013/NĐ-CP quy định về điều kiện hoạt động quảng cáo trên trang thông tin điện tử của tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới tại Việt Nam và Điều kiện và trách nhiệm của người kinh doanh dịch vụ quảng cáo. Tuy nhiên, các quy định này không nói rõ trách nhiệm kiểm duyệt nội dung quảng cáo và xử lý đối với những quảng cáo không phù hợp.

Ngoài ra, một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến việc vi phạm quảng cáo trực tuyến vẫn còn nhiều trên thực tế là do quy định xử lý vi phạm chưa đủ tính răn đe. Mặc dù Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 38/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo thay thế cho Nghị định số 158/2013/NĐ-CP, đã tăng mức xử phạt đối với hành vi vi phạm quảng cáo. Tuy nhiên, quy định mức phạt tiền tối đa đối với một hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực quảng cáo là 100 triệu đồng đối với cá nhân, trong khi đó, với tổ chức thì chỉ bị phạt tối đa là 200 triệu đồng là chưa thật sự đủ tính răn đe. Mức phạt này so với doanh thu mà các doanh nghiệp và người phát hành quảng cáo là không đáng kể.

Báo Công Thương sẽ tiếp tục làm việc với các cơ quan quản lý để thông tin tới bạn đọc.

 

https://congthuong.vn/giai-phap-nao-khi-google-facebook-tran-lan-sai-pham-van-thu-loi-khung-179263.html

Ngày đăng: 11:55 | 02/06/2022

Minh Cường - Đăng Khoa /