Ba Lan có thể là mô hình để Maduro và phe đối lập Venezuela tìm ra tiếng nói chung, cứu đất nước khỏi nguy cơ nội chiến.
Thủ lĩnh đối lập Juan Guaido tự phong là tổng thống lâm thời Venezuela hôm 23/1. Ảnh: Reuters.
Cuộc khủng hoảng kinh tế, chính trị ở Venezuela đang đi theo chiều hướng ngày càng tiệm cận với một cuộc xung đột thảm họa, khi xã hội nước này bị chia rẽ sâu sắc giữa một bên là Tổng thống Nicolas Maduro được quân đội hậu thuẫn, còn bên kia là tổng thống tự phong Juan Guaido, chủ tịch quốc hội và là thủ lĩnh phong trào đối lập, theo CNN.
Giáo sư Jeffrey Sachs, giám đốc Trung tâm Phát triển Bền vững tại Đại học Columbia, nhận định trong bối cảnh căng thẳng hiện nay ở Venezuela, bất cứ mồi lửa nào cũng có thể châm ngòi cho một cuộc nội chiến, khi hai bên đều dựa vào lực lượng hậu thuẫn của mình để "quyết đấu" mà không ai chịu nhượng bộ.
Tờ WSJ hôm 25/1 dẫn nguồn tin từ một quan chức cấp cao chính quyền Tổng thống Donald Trump cho biết ngay trước khi Guaido tự nhận mình là "tổng thống lâm thời", Phó tổng thống Mỹ Mike Pence đã gọi điện cho ông này, đảm bảo Mỹ sẽ hậu thuẫn nỗ lực lật đổ Maduro của Guaido.
Đây được cho là một phần trong kế hoạch bí mật được Mỹ xây dựng suốt nhiều tuần qua, nhằm can thiệp vào nền chính trị Venezuela. Mỹ cùng đồng minh Canada và nhiều nước Nam Mỹ ngay sau đó đồng loạt tuyên bố ủng hộ Guaido, trong khi Trung Quốc, Nga và Cuba khẳng định chỉ có Maduro là Tổng thống hợp pháp của Venezuela.
5 nước châu Âu đã ra "tối hậu thư" yêu cầu Tổng thống Maduro tổ chức bầu cử trong vòng 8 ngày. Tuy nhiên, yêu cầu này đã bị Maduro bác bỏ và giáo sư Sachs cho rằng đó cũng không phải là phương án khả thi. Một cuộc bầu cử diễn ra vào thời điểm này với kết quả nghiêng về bất cứ bên nào đều có thể khoét sâu mâu thuẫn và chia rẽ ở Venezuela, khiến nguy cơ "nồi da xáo thịt" càng cao hơn.
Sachs đánh giá rằng yếu tố khiến căng thẳng Venezuela tăng nhiệt chính là "hành động khiêu khích" của Mỹ. Theo ông, Washington từ lâu đã bị cáo buộc bắt nạt khu vực Mỹ Latin và thường xuyên có các hành động can thiệp vào tình hình khu vực. Những hành động can thiệp cả gián tiếp và trực tiếp của Mỹ đã tạo ra hàng chục lần thay đổi chế độ ở Mỹ Latin trong hơn một thế kỷ qua.
Bởi vậy, trong trường hợp Venezuela tổ chức bầu cử và Guaido lên nắm quyền, hàng triệu người ở Mỹ Latin cũng như trên thế giới đều sẽ coi đây là hậu quả của một chiến dịch can thiệp, lật đổ của Mỹ nhằm vào chế độ của Maduro. Dư luận Venezuela và khu vực khi đó sẽ lại một lần nữa sôi sục, khiến chiến tranh có thể nổ ra bất cứ lúc nào.
Việc Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 25/1 bổ nhiệm Elliott Abrams, người có tư tưởng diều hâu, làm đặc sứ phụ trách vấn đề Venezuela, càng làm tăng mối hoài nghi này. Abrams từng ủng hộ việc cung cấp vũ khí cho các nhóm nổi dậy Contras ở Nicaragua và bị tòa án tuyên có tội vì hành vi che giấu quốc hội Mỹ về các chiến dịch bí mật vũ trang cho phiến quân, trước khi được tổng thống ân xá.
Trong một bài viết trên tạp chí Nghị viện Bắc Mỹ về Mỹ Latin (Nacla), bình luận viên Rebecca Hanson và Tim Gill cho rằng việc Bộ Ngoại giao Mỹ từ chối rút nhân viên ngoại giao theo yêu cầu của Maduro dường như là hành động "câu nhử" để Tổng thống Venezuela đưa ra quyết định bột phát tạo cớ cho Mỹ can thiệp. Thực tế cho thấy các cuộc can thiệp của Mỹ vào Grenada năm 1983 và Panama năm 1989 đều được thực hiện trên cái cớ bảo vệ công dân Mỹ.
Trump và các lãnh đạo Mỹ dường như tin rằng một chiến dịch can thiệp quân sự của Mỹ hay một cuộc đảo chính của quân đội Venezuela sẽ mang lại tiến trình dân chủ toàn diện cho quốc gia này. Nhưng sử gia Greg Grandin chỉ ra rằng sau khi Mỹ hậu thuẫn cuộc đảo chính quân sự lật đổ tổng thống Manuel Zelaya năm 2009, Honduras ngày càng trở thành một quốc gia kém dân chủ hơn, khi tình trạng tham nhũng, tội phạm tràn lan khiến ngày càng nhiều người dân rời bỏ đất nước.
Lực lượng Vệ binh Quốc gia Venezuela bắn đạn hơi cay trấn áp người biểu tình tháng 4/2017. Ảnh: CNN.
Bởi vậy, giáo sư Sachs tin rằng giải pháp cho cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay ở Venezuela không phải là một chiến dịch lật đổ chính quyền dưới sự đạo diễn của Mỹ. Thay vào đó, hai bên có thể cùng đàm phán, tìm ra giải pháp chia sẻ quyền lực cho đến khi một cuộc bầu cử mới được tổ chức, có thể là vào năm 2021.
Mô hình này đã được chứng minh là thành công trong lịch sử, khi giúp Ba Lan thoát khỏi khủng hoảng chính trị, kinh tế cuối thập niên 1980. Vào đầu năm 1989, đất nước Ba Lan đứng trên bờ vực thảm họa khi nền kinh tế gần như sụp đổ với tỷ lệ lạm phát phi mã cùng tình trạng thiết quân luật tràn lan.
Sau khi lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev đề xướng chính sách cải tổ, chính phủ thân Liên Xô của Ba Lan và phong trào Công đoàn Đoàn kết đối lập đi đến Thỏa thuận Bàn tròn 1989, mở đường cho bầu cử quốc hội vào cuối năm đó và khởi đầu cho cuộc cải cách kinh tế toàn diện cho quốc gia này.
Trong cuộc bầu cử quốc hội, phong trào Công đoàn Đoàn kết kiểm soát thượng viện, còn đảng Công nhân Thống nhất Ba Lan cầm quyền vẫn nắm đa số tại hạ viện. Công đoàn Đoàn kết đã tìm ra giải pháp "tổng thống của các anh, thủ tướng của chúng tôi" nhằm tháo gỡ bế tắc chính trị. Theo đó, ghế tổng thống và bộ trưởng quốc phòng, nội vụ thuộc về đảng Công nhân Thống nhất Ba Lan, trong khi lãnh đạo Công đoàn Đoàn kết trở thành thủ tướng và được quyền bổ nhiệm nội các.
Dưới sự bảo trợ của Gorbachev, Mỹ, châu Âu và Giáo hoàng John Paul II, thỏa thuận chính trị này nhanh chóng được thực thi. Chính phủ mới của Ba Lan phát động cuộc cải cách tham vọng nhất trong lịch sử, giúp nền kinh tế nước này thoát khỏi khủng hoảng và tăng trưởng trở lại, mở đường cho việc gia nhập Liên minh châu Âu. Khi Lech Walesa được bầu làm tổng thống năm 1990, Ba Lan hoàn toàn thoát khỏi cuộc khủng hoảng mà không có bất cứ cuộc xung đột đổ máu nào nổ ra.
Theo giáo sư Sachs, tình hình của Venezuela hiện nay khá tương đồng với Ba Lan thời kỳ đó. Bởi vậy, quốc gia Nam Mỹ này cần phải tìm ra biện pháp thỏa hiệp để tránh cuộc đối đầu bạo lực giữa chính phủ và phe đối lập, hay một cuộc đảo chính quân sự, nội chiến, hoặc tồi tệ hơn là một cuộc chiến tranh ủy nhiệm giữa hai phe do Mỹ và Nga hậu thuẫn. Bài học lịch sử cho thấy những kịch bản trên đều sẽ mang lại những hậu quả tồi tệ cho quốc gia từng giàu có nhất Nam Mỹ này.
Ngoài thỏa hiệp chính trị, Venezuela cũng phải tìm ra giải pháp cải cách kinh tế. Lạm phát một triệu % một năm và thị trường kiệt quệ chứng tỏ các chính sách kinh tế và kiểm soát giá cả của chính quyền Maduro hiện nay còn nhiều bất cập. Tình hình càng trở nên tồi tệ khi Mỹ áp đặt các lệnh cấm vận khiến ngành sản xuất dầu mỏ của Venezuela sụt giảm nghiêm trọng.
Sachs cho rằng theo mô hình kiểu Ba Lan, Maduro vẫn tiếp tục là Tổng thống Venezuela và nhận được sự hậu thuẫn của Bộ Quốc phòng cũng như Bộ Nội vụ, trong khi Guaido trở thành thủ tướng, bổ nhiệm các bộ trưởng còn lại, kiểm soát Ngân hàng Trung ương và chịu trách nhiệm về kinh tế Venezuela. Bầu cử sẽ được tổ chức vào năm 2021 hoặc 2022, có thể là theo hệ thống "bán nghị viện", trong đó thủ tướng và quốc hội được trao nhiều quyền lực hơn.
Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro vẫy cờ trước những người ủng hộ hôm 23/1. Ảnh: CNN.
Trong thời gian đó, dưới sự bảo trợ của Hội đồng Bảo an, các cường quốc bên ngoài như Mỹ, Trung Quốc, Nga và các quốc gia Nam Mỹ sẽ cùng nhất trí, giám sát việc chấm dứt lệnh cấm vận kinh tế với Venezuela, giúp nước này hòa nhập vào hệ thống kinh tế quốc tế. Các nước chủ nợ của Venezuela có thể chung tay thực hiện các biện pháp khẩn cấp, như tái cấu trúc nợ để chấm dứt tình trạng lạm phát phi mã.
Giới phân tích cho rằng những hành động hiện nay của Mỹ mới chỉ tập trung vào mục tiêu thay đổi chế độ và buộc Maduro phải từ chức hoặc sống lưu vong. Như những lần can thiệp trước đây ở Nam Mỹ, Washington có thể thành công, nhưng hậu quả mà chính sách này để lại cho Venezuela sẽ là vô cùng nặng nề, khi nó tạo điều kiện cho bạo lực bùng nổ và làm trầm trọng hơn khủng hoảng kinh tế, những tiền đề cho một cuộc chiến tranh đẫm máu. "Bây giờ là lúc cấp thiết để tìm ra giải pháp thỏa hiệp cho Venezuela, không phải là cuộc đấu mà kẻ thắng được tất", Sachs nhận định.
4 kịch bản cho khủng hoảng Venezuela
Nếu vẫn được quân đội ủng hộ, Maduro sẽ tiếp tục nắm quyền nhưng sự hỗ trợ tài chính từ các nước khác có thể ... |
Nga phủ nhận gửi người tới Venezuela bảo vệ ông Maduro
Người phát ngôn Điện Kremlin phủ nhận thông tin cử người đến Venezuela để đảm bảo an toàn cho Tổng thống Nicolas Maduro giữa bối ... |
Tuyên bố ủng hộ ông Guaido làm tổng thống lâm thời, tùy viên quân sự Venezuela bị gán tội phản quốc
Bộ quốc phòng Venezuela hôm 27/1 cáo buộc tùy viên quân sự Venezuela ở Washington Jose Luis Silva mắc tội phản quốc khi công nhận ... |
Tổng thống Venezuela nói tối hậu thư của các nước châu Âu là "xấc xược"
Maduro bác bỏ việc 5 nước châu Âu đòi Venezuela tổ chức bầu cử trong vòng 8 ngày, khẳng định sẵn sàng đối thoại với Mỹ. |
Ngày đăng: 14:45 | 28/01/2019
/