Toàn bộ phi hành đoàn 31 người trên chiếc máy bay do thám của Mỹ tử nạn sau khi dính hỏa lực Triều Tiên. Ngay sau đó, nhiều máy bay chiến đấu Mỹ tại Hàn Quốc đã tải vũ khí hạt nhân chiến thuật, sẵn sàng chờ lệnh trả đũa.
Phi hành đoàn trên chiếc EC-121M Warning Star.
50 năm trước, ngày 15.4.1969, máy bay do thám EC-121M Warning Star của hải quân Mỹ, cất cánh từ căn cứ NAS Atsugi tại Nhật Bản, bay tới không phận quốc tế ngoài khơi bờ biển phía đông Triều Tiên.
EC-121M được giao nhiệm vụ thu thập toàn bộ các tín hiệu ở các dải tần khác nhau cũng như tín hiệu tình báo viễn thông phát ra từ phía Triều Tiên. Tên của sứ mạng này là DEEP SEA 129.
Kiểu sứ mạng do thám như DEEP SEA 129 ngày đó không phải là hiếm. Theo Chương trình Do thám đường không thời bình (PARP), với bí danh Beggar Shadow, các chuyến bay do thám Triều Tiên được quân đội Mỹ tiến hành đều đặn vào cuối thập niên 1960.
Trên chuyến bay của EC-121M Warning Star là phi hành đoàn gồm 31 thành viên, trong đó có 9 nhà ngôn ngữ và chuyên gia mật mã.
Chiếc máy bay hướng đến biển Nhật Bản và thực hiện quỹ đạo bay gần biên giới Triều Tiên với Nga. Phi công cẩn thận bay cách bờ biển Triều Tiên không quá 50 dặm trong suốt hành trình.
Theo kế hoạch, một khi nhiệm vụ thu thập dữ liệu tình báo hoàn tất thì kết quả của nó được gọi là “Super Connie” sẽ “nổi” tại Căn cứ không quân Osan tại Hàn Quốc.
Nhưng trong sứ mạng lần này, dữ liệu từ DEEP SEA 129 đã không bao giờ đến được căn cứ Osan.
12h30 trưa (theo giờ địa phương), tức là gần 2 tiếng sau khi DEEP SEA 129 bắt đầu, hai chiếc MiG-21 đã được cử đi từ phi trường gần Wonson, Triều Tiên để hộ tống chiếc EC-121M trở về an toàn.
Vào 13h22, các kỹ thuật viên radar của quân đội Mỹ tại Hàn Quốc mất dấu hai chiếc MiG-21, nhưng nhanh chóng phát hiện trở lại hai chiếc máy bay vào khoảng 13h37, khi hai phi cơ đang sẵn sàng thực hiện một cuộc đánh chặn để bảo vệ DEEP SEA 129.
13h44, đội MiG-21 thực hiện một cuộc gọi khẩn tới phi hành đoàn DEEP SEA 129, cảnh báo họ có nguy cơ bị tấn công. Phi hành đoàn lập tức hủy sứ mạng, bật chế độ piston lớn để cung cấp năng lượng cho chiếc máy bay hướng nhanh về Hàn Quốc.
Liền sau đó, hai chiếc MiG bật phóng tới. 13h47, hai chiếc chiến đấu cơ đã cặp được với EC-121, nhưng chỉ hai phút sau đó, chiếc máy bay do thám bất ngờ rớt khỏi màn hình radar.
DEEP SEA 129 là chuyến bay phi phòng thủ giống như hầu hết các sứ mạng do thám khác do thiết kế của máy bay (thậm chí điều này vẫn không thay đổi cho tới tận ngày nay), và toàn bộ phi hành đoàn 31 người trên máy bay đều thiệt mạng sau khi phi cơ dính hỏa lực đối phương.
Đường bay (vạch màu đỏ) của chiếc phi cơ do thám Mỹ bị Triều Tiên bắn hạ. Ảnh: CIA/News.com
Cận kề một cuộc trả đũa hạt nhân
Ban đầu, phi hành đoàn DEEP SEA 129 được cho là có thể sống sót và chỉ là họ đã hạ tầm máy bay ra khỏi phạm vi của radar địch như là một biện pháp phòng thủ.
Nhưng trên thực tế, các phi công thực hiện sứ mạng do thám này đã không có bất cứ cuộc gọi khẩn cấp nào thông báo họ bị tấn công. Chiếc EC-121 cũng không bao giờ xuất hiện trở lại màn hình radar nữa.
Vào khoảng 14h45, sự cố rơi máy bay EC-121 được xác định là do hành động thù địch, nhiều tin nhắn khẩn cấp liên tiếp được gửi tới Bộ Tư lệnh quốc gia (Mỹ). Các lực lượng tìm kiếm cứu hộ cũng được lập tức triển khai để tìm kiếm phi hành đoàn DEEP SEA 129.
Chỉ vài tiếng sau, Triều Tiên tuyên bố vụ bắn hạ máy bay do thám Mỹ là một thành quả lớn, đồng thời tố cáo chiếc EC-121 Warning Star đã xâm phạm không phận.
Đến nay vẫn chưa rõ lý do cụ thể Triều Tiên ra lệnh bắn hạ, nhưng không còn nghi ngờ gì nữa, vụ việc là một hành động leo thang căng thẳng, một hành động chiến tranh vào thời điểm đó.
Tại Washington, chính quyền Nixon đau đầu tìm cách đáp trả. Không ai có thể khẳng định liệu đây có phải là một vụ việc duy nhất, hay là một dấu hiệu cho những hành động cứng rắn tiếp theo.
Trong khi Nhà Trắng còn đang bối rối, nhiều máy bay chiến đấu triển khai tại Hàn Quốc đã được lắp đặt vũ khí hạt nhân chiến thuật và đặt trong tình trạng báo động cao. Tuy nhiên, lực lượng này được lệnh án binh bất động vài tiếng sau đó.
Một chiếc EC-121 cùng loại với chiếc máy bay thực hiện sứ mạng DEEP SEA 129.
Theo một báo cáo đã được giải mật, thì ban đầu, một số tư lệnh quân sự Mỹ muốn tấn công Triều Tiên để trả đũa ngay. Nhưng hai ngày sau thì những hậu quả của một chiến dịch tấn công Triều Tiên bắt đầu được vạch rõ, trong đó có viễn cảnh Hàn Quốc sẽ “lãnh đòn” nặng nếu Mỹ động binh.
Những ngày sau đó, Triều Tiên đã không hề thay đổi sắp xếp quân sự tổng thể của mình, họ cũng không xuất kích chặn những chuyến bay do thám khác của Mỹ, lúc này đều được hộ tống bởi chiến đấu cơ, hoặc có chiến đấu cơ trực sẵn từ Hàn Quốc có mặt chỉ trong vài phút. Trong khi đó, không lực Mỹ lặng lẽ được điều thêm tới khu vực.
Tổng thống Nixon được các cố vấn trình lên một loạt lựa chọn, không chỉ là trả đũa vụ DEEP SEA 129 mà còn là đối phó với những hành động gây hấn trong tương lai của Triều Tiên.
Lựa chọn hạt nhân có lúc đã nằm trong danh sách những hành động trả đũa Triều Tiên, và sự thật là đội máy bay ném bom B-61 của Mỹ đã treo sẵn vũ khí hạt nhân. Vũ khí hạt nhân chiến thuật Mỹ tại Hàn Quốc thậm chí được đặt trong tình trạng sẵn sàng cho tới tận năm 1991.
Tuy nhiên, Tổng thống Nixon đã không bao giờ ra lệnh tấn công và Triều Tiên cũng không hạ thêm một máy bay nào khác.
Vụ DEEP SEA 129, với cái chết cùa 31 thành viên đoàn bay, trôi qua không có hành động trả đũa nào, và cũng nhờ thế đã tránh được một cuộc chiến tranh tổng lực trên bán đảo Triều Tiên.
Trong bối cảnh Mỹ đang sa lầy trong cuộc Chiến tranh Việt Nam, một cuộc chiến khác tại Triều Tiên, mà chắc chắn sẽ gây đổ máu và tổn thất lớn, sẽ là một bước lùi thảm họa thậm chí không thể chịu đựng nổi với nước Mỹ.
Giải mật thuật khủng bố của Thành Cát Tư Hãn: "Át chủ bài" của quân Mông Cổ
Giải mật thuật khủng bố của Thành Cát Tư Hãn: "Át chủ bài" giúp quân Mông Cổ đại thắng |
Giải mật tài liệu của CIA về điệp viên Phạm Ngọc Thảo
Anh hùng Phạm Ngọc Thảo là người đã dựng ngọn cờ binh biến tại Sài Gòn trong nửa đầu thập kỷ 60 của TK XX ... |
Giải mật cái chết của Nguyễn Thái Bình: Mở kho mật của Sài Gòn
Giữa năm 1972, một sự kiện chấn động thế giới xảy ra khi sinh viên Nguyễn Thái Bình "cướp máy bay" Boeing 747 Mỹ để ... |
Ngày đăng: 17:58 | 18/05/2019
/ http://danviet.vn