Việc thay đổi nhân sự cấp cao ở một số DNNN không ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp này.

Không ảnh hưởng sản xuất, kinh doanh

Thời gian qua, tại một số doanh nghiệp nhà nước (DNNN) diễn ra sự thay đổi về nhân sự cấp cao.

Mới đây nhất, ông Trần Việt Thắng, Tổng giám đốc Tổng công ty Xi măng Việt Nam (Vicem) đã được cho thôi chức.

Nguyên nhân là do một số sai phạm trong quản lý, điều hành sản xuất, kinh doanh của Vicem và một số đơn vị thành viên thuộc Tổng công ty này trong thời gian ông Thắng làm Tổng giám đốc.

Cũng vào cuối tháng 8 vừa qua, HĐQT Tổng công ty Cổ phần Rượu bia và Nước giải khát Hà Nội (Habeco) đã ra Nghị quyết về việc tạm dừng quyền điều hành của Tổng giám đốc Nguyễn Hồng Linh để tập trung cho công việc thoái vốn Nhà nước tại Habeco và thu hồi công nợ, xử lý các việc liên quan giữa Công ty Cổ phần bia Hà Nội - Nghệ An và Tổng công ty Hợp tác kinh tế Việt - Lào.

Bình luận về việc một số sếp DNNN \'bay\' chức trong bối cảnh các doanh nghiệp này đang đẩy mạnh cổ phần hóa, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Trưởng bộ môn Quản trị Tài chính Quốc tế, khoa Tài chính Quốc tế (Họ viện Tài chính) cho rằng, việc kiểm tra giám sát các DNNN đang trong quá trình cổ phần hóa, thậm chí tạm thời đình chỉ công việc, cách chức, cho nghỉ việc hay đưa một số cán bộ trong diện nghi vấn vào diện kiểm tra, giám sát của các cơ quan có thẩm quyền trở thành đòi hỏi bắt buộc.

Lý giải điều này, theo ông Thịnh, rất nhiều DNNN trong thời gian qua đã buông lỏng quản lý và dẫu các DN này có đưa cơ chế kinh tế thị trường vào thì đó không phải là cơ chế thị trường thực sự. Một số cá nhân hay nhóm lợi ích nào đó lợi dụng cơ chế thị trường để đưa người thân vào nắm những chức vụ, và khâu công việc có tính quyết định đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN, để nó thực thi theo ý muốn chủ quan của mình, trong đó có việc phân chia lợi ích.

Habeco bất ngờ tạm dừng quyền điều hành của Tổng giám đốc Nguyễn Hồng Linh

"Đặc biệt, những người này lợi dụng vị thế của các DNNN cũng như nguồn lực và ưu đãi mà các DN này được hưởng để phục vụ cho lợi ích nhóm hay lợi ích cá nhân. Do đó, họ không muốn thực thi các hoạt động cổ phần hóa cũng như chuyển giao vốn theo đúng quy trình của Nhà nước.

Trong quá trình cổ phần hóa thời gian trước đây đã xảy ra hiện tượng một số cá nhân bằng cách này hay cách khác thâu tóm DNNN bằng các biện pháp không chính đáng, từ đó làm giàu cho gia đình và cá nhân.

Đây là vấn đề gây bức xúc khi Nhà nước mất vốn, người lao động mất quyền lợi, các cá nhân tự nhiên giàu lên và đáng ra phải chỉnh sửa từ lâu khi quá trình cổ phần hóa bị trì trệ", PGS.TS Đinh Trọng Thịnh chỉ rõ.

Vị chuyên gia khẳng định, việc xử lý các cán bộ cấp cao của DNNN thể hiện quyết tâm làm trong sạch DNNN.

"Việt Nam vẫn giữ một lượng tương đối lớn các DNNN để phục vụ những mặt hàng chủ lực của nền kinh tế và có thể làm những doanh nghiệp động lực cho 1 ngành nghề, 1 khu vực nào đó.

Việc giữ lại đó không ảnh hưởng đến việc phát triển của nền kinh tế và kế hoạch về mặt cổ phần hóa của Nhà nước. Vì thế, việc đẩy mạnh cổ phần hóa để góp phần làm khu vực kinh tế tư nhân phát triển, làm năng lực và tài sản của các DNNN hiện nay chuyển hóa thành năng lực của khu vự kinh tế tư nhân trở thành đòi hỏi bắt buộc.

Khi kiên quyết làm như vậy thì danh sách các DNNN cổ phần hóa và kế hoạch cổ phần hóa phải được thực thi theo đúng trình tự, đảm bảo vừa thu hồi dược vốn cho Nhà nước trong bối cảnh đang thiếu vốn đầu tư, đồng thời bảo đảm việc chuyển hóa đó phải thực sự diễn ra và mang lại hiệu quả, làm khu vực kinh tế tư nhân mạnh lên, đem lại xung lực mới cho sự phát triển mới của nền kinh tế", PGS Thịnh phân tích.

Cũng theo ông Thịnh, việc thay đổi nhân sự cấp cao nói trên không làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của DNNN. Lý do là vì DNNN có cơ quan chủ quan và cả một bộ máy theo dõi, quản lý và không bị quyết định bởi một hay một vài cá nhân nào đó. Nhưng khi chuyển sang kinh tế thị trường thì quyền lực sẽ tập trung vào trong tay các giám đốc hoặc tổng giám đốc. Chính vì thế, một số người đã lợi dụng việc chuyển hóa sang cơ chế thị trường và đưa các thành phần họ mong muốn vào bộ máy quản lý để mưu cầu lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm mà không theo đường hướng của Nhà nước.

Chính vì thế, dẫu có thay thế một số giám đốc, tổng giám đốc thì DNNN vẫn hoạt động bình thường, thậm chí đó là hoạt động cần thiết để có một bộ máy làm đúng theo yêu cầu của cơ chế thị trường: phải có cơ quan giám sát, phải có các yêu cầu về việc công khai, minh bạch và đem lại lợi ích cho Nhà nước, tập thể người lao động của doanh nghiệp đó và cho cả xã hội.

Sự thay đổi ít tốn kém nhất

Trước lo ngại của dư luận về việc thay đổi nhân sự cấp cao ở một số DNNN có thể là một cuộc "hạ cánh an toàn" cho một số cá nhân, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh bày tỏ quan điểm rằng, cần có sự xem xét, đánh giá cả công và tội của các nhân sự này.

"Làm thế nào sự thay đổi đó ít tốn kém nhất, đạt hiệu quả cao nhất. Nếu làm quá thì sẽ có phản ứng và dẫn tới nhiều vấn đề khác, thậm chí liên quan đến việc phá hoại hoạt động của cơ chế đó, khiến DN bị tổn hại nhất định, thậm chí không hoạt động được.

Bởi vậy, làm thế nào thay đổi được bộ máy, cách thức, cơ chế quản lý của DNNN mà nó vẫn nằm trong giới hạn tùy thuộc vào cách xử lý cụ thể của các cơ quan quản lý nhà nước. Tuy nhiên, tôi cho rằng chúng ta đang đi đúng hướng", PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nói.

Vị chuyên gia nhận xét, những việc đang làm ở một số DNNN chỉ là chạy theo và cố gắng giảm thiểu thiệt hại trong quá trình quản lý cũng như trong hoạt động của các DN này.

Mặt khác, thông qua việc thay đổi bộ máy nhân sự sẽ dẫn đến sự thay đổi cơ chế quản lý, từ đó xốc lại được tình hình của các DN này. Trên cơ sở đó, việc đẩy mạnh cổ phần hóa có thể có đường hướng mới.

"Trước hết, việc xem xét giá trị tài sản của các doanh nghiệp này có thể được xem xét lại, việc một số cá nhân o bế cơ chế quản lý và chứng từ sổ sách, giá trị của DNNN có thể được mang ra ánh sáng một cách rõ ràng hơn và giá trị thực của các DNNN sẽ đầy đủ hơn.

Lợi nhuận và chi phí của DNNN cũng có thể thay đổi. Khi tồn tại lợi ích nhóm, việc mua bán ở đầu vào có thể được khai tăng lên trong khi việc bán ra sụt đi và ăn chia vào các khâu khác, các bộ phận do người thân của lãnh đạo nắm giữ.

Vì thế, nếu thay đổi có thể lộ ra chi phí thực và lãi thực của DNNN, từ đó làm cho giá trị thị trường của DNNN cao lên.

Không phải tự nhiên một số nhà máy xi măng mang ra bán có các nhà đầu tư nước ngoài, như Thái Lan, đến mua. Không ai mua nhà máy lỗ, đó là vì họ nhìn ra được đầu vào, các chi phí trong quá trình sản xuất có thể bị khai khống và đầu ra có vấn đề. Các nhà đầu nghĩ rằng, với những gì họ biết, họ có thể làm nhà máy có lãi và lãi cao thì mới mua", ông phân tích.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh kết luận, việc thay đổi bộ máy nhân sự cấp cao ở một số DNNN sẽ dẫn đến nhiều vấn đề. Tuy nhiên, mục đích cuối cùng là giúp nhà máy vẫn hoạt động tốt với giá trị thị trường hơn, từ đó giúp cho quá trình cổ phần hóa mang lại hiệu quả cao hơn cho Nhà nước và lợi ích lớn hơn cho người lao động.

(http://baodatviet.vn/kinh-te/doanh-nghiep/giai-ma-viec-nhieu-ong-lon-dnnn-thay-tuong-giua-dong-3342414/?paged=2)

Ngày đăng: 21:27 | 06/09/2017

/ Theo Thành Luân/Báo Đất việt