Liệu có thể khẳng định cách nói “30% công chức cắp ô” không còn đúng nữa, 30% ấy không chỉ lười biếng mà còn dốt nát, cả trong chuyên môn lẫn đối nhân xử thế.
Theo tên gọi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thì “Văn hóa” xếp đầu tiên, có lẽ vì thế nên trong quan niệm dân gian, bà con đều nghĩ rằng “văn hóa” của cơ quan này chắc là rất cao, cao hơn các cơ quan cùng cấp khác.
Nếu mà căn cứ vào thực tế “tai nghe, mắt thấy” mấy năm vừa rồi thì hình như dân chúng đang bị nhầm, đang hơi tiếc vì tốn khá nhiều tiền thuế để nuôi bộ máy có đến “mấy chục phần trăm văn hóa cao” khác thường này.
Sở dĩ nói “mấy chục phần trăm” vì bình thường ra, như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trước đây nhận định là “khoảng 30% không có cũng được”, tuy nhiên với những biểu hiện mấy năm nay thì tại Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chắc không phải là con số bình quân 30% như cả nước.
Năm 2015, nghị trường Quốc hội được phen vui vẻ khi ông nguyên Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trả lời chất vấn của đại biểu rằng:
“Trách nhiệm là tôi sẽ truyền đạt lại cho Bộ trưởng kế tiếp. Biết làm thế nào được, thời gian không còn nữa, nhiệm kỳ sắp hết”.
Đầu năm 2017, nghĩa là “thời” của nhiệm kỳ sau, báo chí viết như sau:
“Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, sáng nay ông được Thủ tướng gọi sang và nhắn nhủ, nếu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch không lên tiếng, phản hồi về những bức xúc trong lễ hội thì báo cáo để Thủ tướng lên tiếng”.
Thủ tướng nhắc nhở Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tức là nhắc Bộ trưởng. Dân chúng suy đoán theo nguyên lý “giật cấp lùi” chắc sẽ còn nhiều nhắc nhở khác, quả nhiên là như vậy.
Dưới cấp Bộ là cấp “Thứ”, ngày 2/6/2017, ông Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái ra văn bản yêu cầu xử lý phát ngôn của Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng về quy hoạch bán đảo Sơn Trà.
Hai ngày sau, ngày 4/6/2017 cũng chính ông Thứ trưởng lại ra văn bản thu hồi quyết định chỉ đạo của mình. Hình như còn có chuyện ông Ái yêu cầu xử lý những cán bộ đã tham mưu cho ông ban hành văn bản này.
Chuyện này liên quan đến ông Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn, công văn mà ông Ái ký là do ông Tuấn chuyển đến, lại còn yêu cầu ông Ái ký ngay (vào lúc 7 giờ tối) vì đây là chỉ đạo của Phó Thủ tướng?
Theo ông Ái: “tôi xem xét và đề nghị chỉnh sửa lại câu chữ cho mềm mại hơn, ban đầu văn phong quản lý nhà nước rất dữ dội”!
Ông Ái đã “chỉnh sửa” cho ông Tuấn, vậy đến lượt ông Tuấn, ông sẽ “chỉnh sửa” tiếp xuống cấp nào?
Cứ tưởng ông chỉ “giật cấp lùi” xuống cấp cục, vụ ai ngờ ông giáng thẳng xuống đầu cái vật vô tri là… “công văn” chứ không phải các cộng sự mẫn cán do ông lãnh đạo.
Nguyên lời ông Tổng cục trưởng là “công văn có sai sót nội dung và từ ngữ”, thật là khéo, cái “công văn” đó sai chứ làm gì có chuyện các chuyên viên soạn thảo và bề trên phê duyệt sai!
Ông Tổng cục không nói “lỗi đánh máy”, “lỗi phông chữ” hoặc “lỗi văn thư” chứng tỏ ông rất có bản lĩnh, đã rút kinh nghiệm sâu sắc các vụ việc, thế nên sáng tạo khái niệm “công văn sai” cần phải xem là một sáng kiến kinh nghiệm để bình xét thi đua cuối nhiệm kỳ!
Dưới cấp “Thứ”, cấp “Tổng” là cấp “Cục”, hàng loạt lùm xùm quanh chuyện cấm một số bài hát trong đó có những bài “đi cùng năm tháng” như “Nối vòng tay lớn”, “Mùa hoa đỏ”,… chưa kịp lắng thì nhân dân lại một phen tá hỏa khi biết 70 năm qua mình hát Quốc ca “không phép”.
Nói thế là vì bài “Tiến quân ca” chỉ mới được Cục Nghệ thuật biểu diễn đưa vào danh sách bài hát được phép phổ biến gần đây.
Nếu mà kể thêm, thì còn nhiều chuyện cười ra nước mắt khác.
Ngày 15/9/2015, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã đến dự lễ khai giảng năm học mới tại Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội.
Nhận định về nguy cơ “suy đồi văn hóa”, ông Vũ Đức Đam cho rằng: “Nguy cơ ấy cũng tương tự như nguy cơ tụt hậu về kinh tế và đấy là nguy cơ hiện hữu có thật”.[2]
Trong khi “văn hóa” cả xã hội xuống cấp mà đòi hỏi “văn hóa” của Bộ Văn hóa đi lên thì có phải là nghịch lý?
Văn hóa của các bộ không dính đến “văn hóa” có thể lên lên xuống xuống hoặc lúc lên lúc xuống, điều này là bình thường.
Vì Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có nhiệm vụ lãnh đạo văn hóa nên tất nhiên phải là “đầu tàu” kéo đoàn tàu văn hóa xã hội, khi cả đoàn tàu lao dốc, chẳng lẽ đầu tàu không chạy trước mà vòng lại phía sau?
Chắc chắn phải nhờ đường lối “vĩ mô” của ngành Văn hóa nên đất nước mỗi năm mới có đến 8.000 lễ hội, mới có cảnh đạp lên người nhau tranh lộc, tranh ấn,…
Nếu người làm văn hóa có tầm nhìn cỡ 20 năm, nghĩa là từ năm 1997 đã hạn chế việc phát ấn đền Trần, vay tiền bà Chúa Kho, hạn chế việc mua thần bán thánh tại các khu di tích lịch sử, tâm linh thì ngày nay quốc gia không tốn mỗi năm hàng nghìn tỷ cho việc đốt vàng mã, và cũng không phí phạm hàng triệu ngày công đi hối lộ thánh thần.
Chuyện đã xảy ra rồi bây giờ có nói cũng chỉ là nói “vuốt đuôi” ý nghĩa chẳng là mấy, điều đáng nói là chuyện hôm nay, chuyện lúc này.
Đó là chuyện ông Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái tiết lộ văn bản mà ông Tổng cục trưởng Du lịch Nguyễn Văn Tuấn đưa sang: “lúc đầu văn phong quản lý nhà nước rất dữ dội”, do đó ông phải chỉnh sửa cho “mềm” đi.
Hóa ra cái mà ông Ái quan tâm là “văn phong” chứ không phải luật pháp.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch là cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực được phân công chứ không phải cơ quan bảo vệ pháp luật.
Do đó việc ông Thứ trưởng ký văn bản yêu cầu xử lý Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng là không đúng thẩm quyền.
Nếu lãnh đạo hiệp hội Du lịch Đà Nẵng làm trái pháp luật thì cơ quan điều tra, kiểm sát và tòa án phải vào cuộc chứ không phải là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Nhận thức về pháp luật của ông Thứ trưởng có vấn đề hay đây chỉ là “lỗi kỹ thuật” mà ông thỉnh thoảng mới mắc?
Dùng từ “thỉnh thoảng” là bởi như trình bày phía sau, ông đúng là “thỉnh thoảng” có mắc chuyện này chuyện nọ.
Về vấn đề “văn phong”, sau khi được Thứ trưởng trau chuốt nhưng văn bản vẫn bị buộc phải thu hồi, lý do thu hồi như ông Tổng cục trưởng giải thích là do “công văn có sai sót nội dung và từ ngữ tạo ra những cách hiểu khác nhau gây bức xúc trong dư luận xã hội”.
Qua hai tầng xem xét, cả ông Thứ trưởng lẫn ông Tổng cục trưởng đều không phát hiện “sai sót nội dung và từ ngữ” mà đội ngũ chuyên viên chuẩn bị, vậy có phải các ông không cần quan tâm đến “nội dung” và cũng có đôi chút khó khăn về... “đọc hiểu” văn bản?
Nói một cách nghiêm túc, theo “ngôn ngữ nghị quyết” thì có một “bộ phận không nhỏ” công chức cơ quan Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch từ cấp đánh máy đến cấp rất cao đều cần được đánh giá lại về năng lực, trình độ và đạo đức.
Và không loại trừ cần xem xét cả quá trình vì sao những người, với năng lực quản lý nhà nước yếu kém như vậy lại được đề cử, bổ nhiệm vào vị trí hiện thời?
Có sự kết bè kéo cánh hay sự hình thành “nhóm lợi ích” nào trong quá trình đề cử, bổ nhiệm hay không?
Để hiểu thêm về Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái, xin trở lại câu chuyện cổ phần hóa hãng phim truyện Việt Nam (VFS).
Sau cổ phần hóa, đơn vị nắm 65% cổ phần là Tổng Công ty vận tải thủy. Vì sao một đơn vị chuyện vận tải đường thủy lại nắm quyền điều hành hãng phim truyện Việt Nam là một câu chuyện dài.
Trước phản ứng của giới nghệ sĩ và truyền thông, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo rà soát lại toàn bộ quá trình cổ phần hóa hãng phim này.
Ngày 11/1/2017, ông Huỳnh Vĩnh Ái ký công văn yêu cầu VFS rà soát báo cáo với Bộ vào ngày 15/1/2017 tức là trong vòng 5 ngày phải hoàn thành bao gồm cả hai ngày nghỉ cuối tuần?
Kết quả công bố sau đó là hoàn toàn “đúng quy trình, không có gì sai”.
Chính ông Thứ trưởng Bộ Văn hóa Huỳnh Vĩnh Ái chứ không phải ai khác đã góp phần không nhỏ vào việc đem một biểu tượng của ngành điện ảnh Việt Nam, một đơn vị có bề dày 60 năm hoạt động nghệ thuật chuyển cho một đơn vị - theo mô tả của Tienphong.vn - “chuyên về lái tàu, kinh doanh cảng sông”.
Không riêng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, vừa qua báo chí còn đề cập đến một số vị Cục trưởng, Thứ trưởng các bộ ngành khác như Hồ Thị Kim Thoa (Công thương), Nguyễn Đình Toàn (Xây dựng),… người viết không muốn mở rộng danh sách sang cấp tỉnh bởi sẽ làm mất nhiều thời gian của bạn đọc.
Tuy nhiên vì đang nói đến “văn hóa” nên có một trường hợp hy hữu không thể không nhắc đến, đó là một vị nguyên lãnh đạo ở thủ đô Hà Nội được dư luận “nhớ mãi’ vì phát ngôn nổi tiếng “cướp có văn hóa”.
Không phải Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch là cơ quan duy nhất thể hiện uy quyền với những góp ý của người dân.
Trước đây từng có những cảnh báo về trình độ, đạo đức của một bộ phận cán bộ lãnh đạo cấp tỉnh (tương đương với cấp bộ) tiếc rằng những đóng góp nghiêm túc như vậy không những không được tiếp thu mà còn bị Bộ chức năng xử phạt rất nặng.
Bài “Động lực cơ bản của quá trình đổi mới” đăng trên Tạp chí Xây dựng Đảng ngày 3/8/2012 (xaydungdang.org.vn) dẫn lời Hồ Chủ tịch: “Dân chủ thật ra có nghĩa là để cho dân được mở miệng”.
“Dân vừa mở miệng” một cách xây dựng, theo con đường chính quy lập tức bị đe, bị nẹt, thế thì dân sai hay có người không biết đến lời dạy của Hồ Chủ tịch?
Vì sao từ lâu rồi vẫn tồn tại nghịch lý là cơ quan chức năng chẳng làm gì được được những trang web mạo danh các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước trong khi lại có thể xử lý khá hiệu quả các trang cá nhân khác?
Vì sao những thông tin trái chiều đầy rẫy trên mạng xã hội hầu như không được xử lý trong khi đó lại rất để ý đến các tranh biện theo con đường chính thống, đặc biệt là các tin, bài trên báo điện tử?
Chẳng lẽ nhiệm vụ của cơ quan quản lý nhà nước chỉ là quản lý người ngay còn các đối tượng khác thì mặc kệ?
Xây dựng một Chính phủ kiến tạo, minh bạch không phải là nhiệm vụ riêng của Thủ tướng và các Phó Thủ tướng, nếu một bộ phận không nhỏ lãnh đạo cấp bộ năng lực chỉ ở mức “cầm tay chỉ việc” thì những nỗ lực của các ban, ngành, bộ phận khác cũng chẳng khác nào đổ muối xuống biển.
Không phải ngẫu nhiên mà đích thân Thủ tướng phải yêu cầu cách chức ông Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn, cũng không ngẫu nhiên mà nhiều lần Thủ tướng phải chỉ đạo những vụ việc rất nhỏ như vụ “quán cà phê Xin Chào”.
Liệu có thể khẳng định cách nói “30% công chức cắp ô” không còn đúng nữa, 30% ấy không chỉ lười biếng mà còn dốt nát, cả trong lĩnh vực chuyên môn lẫn đối nhân xử thế.
Những công chức kiểu này nếu không đuổi khỏi cơ quan thì sẽ còn nhiều người dân bị liên lụy và uy tín cơ quan cũng không thể nguyên vẹn.
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và dân chúng đã và đang vất vả giải cứu dưa hấu, chuối, thanh long, thịt lợn cho nông dân, liệu có nên bắt Chính phủ phải vào cuộc “giải cứu Văn hóa” cho không ít lãnh đạo ngành Văn hóa?
Ngày đăng: 17:00 | 15/07/2017
/ Theo báo Giáo dục