Kim Jong-un muốn có hệ thống đường sắt kết nối các thành phố lớn trong nước và ra thế giới nhưng dự án này đối mặt nhiều khó khăn.
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un thị sát tuyết đường sắt nối Koam với Dapchon ở Triều Tiên hồi tháng 5. Ảnh: KCNA. |
Một tháng trước khi qua đời vào năm 1994, Kim Nhật Thành, người sáng lập Triều Tiên nói rằng một tuyến đường sắt nối hai miền bán đảo Triều Tiên, Trung Quốc và Nga có thể giúp Bình Nhưỡng thu về 1,5 tỷ USD mỗi năm từ vận chuyển hàng hóa, theo Reuters.
Giờ đây, cháu của ông là Kim Jong-un đang tìm cách tận dụng tình hình căng thẳng hạ nhiệt để thúc đẩy kế hoạch xây dựng mạng lưới đường sắt cao tốc có thể sánh ngang với ở châu Âu và nước láng giềng Hàn Quốc. Ông Kim đã chỉ thị các quan chức tìm kiếm quan hệ đối tác với các nước như Hàn Quốc và Pháp, theo một trung gian Hàn Quốc am hiểu vấn đề này.
Các kỹ sư và chuyên gia tư vấn Hàn Quốc cho biết họ cũng đang lên kế hoạch cho các dự án đường sắt có thể thực hiện với Triều Tiên. Cả hai nước đều thấy đường sắt là chìa khóa để mở cửa với thương mại và du lịch trong khu vực, kết nối bán đảo Triều Tiên với Nga, Trung Quốc và xa hơn nữa.
Tuy nhiên, kế hoạch này đối mặt với nhiều trở ngại như các biện pháp trừng phạt mà Triều Tiên hứng chịu vì chương trình hạt nhân và cơ sở hạ tầng điện lực không ổn định của đất nước. Quan chức Hàn - Triều hy vọng dự án đường sắt sẽ không nằm trong diện phải chịu lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc.
Kim Jong-un đã công khai bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với đường sắt Hàn Quốc trong hội nghị thượng đỉnh với Hàn Quốc vào tháng 4. Ông nói với Tổng thống Hàn Moon Jae-in rằng em gái và đoàn đại biểu rất kinh ngạc về các chuyến tàu cao tốc của Hàn Quốc khi họ đến dự Thế vận hội Pyeongchang vào tháng hai.
Hồi tháng 5, các nhà báo nước ngoài mất 12 giờ khi đi khoảng 415 km bằng tàu hỏa để đến chứng kiến công tác phá hủy điểm thử nghiệm hạt nhân của Triều Tiên tại Punggye-ri, với tốc độ di chuyển trung bình chỉ 35 km/h. Khoảng cách tương tự sẽ chỉ mất khoảng 2,5 giờ nếu đi bằng tàu cao tốc Hàn Quốc.
Các chuyên gia và giám đốc điều hành đường sắt cho rằng hệ thống tàu cao tốc ở Triều Tiên có thể mất ít nhất 5 năm để xây dựng với chi phí lên đến 20 tỷ USD.
Seoul và Bình Nhưỡng đã thảo luận về các mạng lưới đường sắt xuyên quốc gia kể từ hội nghị thượng đỉnh liên Triều Tiên đầu tiên vào năm 2000. Một cuốn sách nhỏ giới thiệu về đầu tư của Triều Tiên vào tháng 12/2015 cho biết Bình Nhưỡng có mục tiêu xây dựng một "tuyến đường sắt quá cảnh quốc tế" để thúc đẩy đặc khu kinh tế ở thành phố Sinuiju giáp với Trung Quốc. Kế hoạch này bao gồm chuyển đổi một số tuyến đường sắt chạy về thủ đô thành "hệ thống đường sắt cao tốc".
Trong một tuyên bố được đưa ra bởi truyền thông nhà nước vào năm 2015, Kim Jong-un nói rằng đường sắt cao tốc nên được xây dựng giữa Bình Nhưỡng và một sân bay quốc tế mới gần thủ đô.
Ông cũng có kế hoạch tham vọng hơn là xây dựng tuyến đường sắt cao tốc nối Bình Nhưỡng với Hàn Quốc và Trung Quốc, một doanh nhân Hàn Quốc cho biết, dẫn thông tin từ các quan chức Triều Tiên. "Ông Kim đang chú ý đến việc thu ngoại tệ từ tiền bán vé", doanh nhân nói.
Cầu đường sắt bắc qua vịnh Sokjon thuộc tuyến Koam - Dapchon của Triều Tiên. Ảnh: KCNA. |
Seoul cũng nhìn thấy những lợi ích tiềm năng từ việc hợp tác như vậy. Năm 2015, hiệp hội đường sắt quốc doanh ước tính đường sắt xuyên quốc gia nối bán đảo với Trung Quốc và Nga có thể giảm một nửa thời gian vận chuyển hàng hóa và giúp Hàn Quốc thu được phí vận chuyển đáng kể.
"Trong quá khứ, dự án đường sắt liên Triều chỉ đơn giản là liên kết các tuyến với nhau nhưng giờ họ đang nghiên cứu các cách để hiện đại hóa đường ray, vận hành chúng và tạo ra giá trị kinh tế", Ahn Byung-min, một thành viên của ủy ban tổng thống Hàn về hợp tác kinh tế, cho biết.
Tuy nhiên, Ahn nhấn mạnh dự án tàu cao tốc mãi sau này mới xuất hiện trong chương trình nghị sự vì nó "đòi hỏi nhiều tiền và hậu cần phức tạp".
Hàn Quốc dự kiến có ngân sách 450 triệu USD vào năm tới cho các dự án kinh tế xuyên biên giới như hiện đại hóa đường và đường sắt của Triều Tiên, tăng 46% so với năm nay.
Seol Young-man, giám đốc điều hành của Công ty Xây dựng và Kỹ thuật Hàn Quốc nói rằng doanh nghiệp của ông đang chuẩn bị đề xuất về dự án đường sắt cao tốc cho chính phủ Hàn Quốc. "Chúng tôi phải chuẩn bị sẵn sàng và chủ động cạnh tranh với Trung Quốc và Nga trong việc xây dựng lại đường sắt của Triều Tiên và làm việc với Kim Jong-un về hợp tác kinh tế", Seol nói.
Một dự án của Trung Quốc nhằm xây dựng nhà máy thủy điện ở khu vực biên giới của Triều Tiên, cũng như dự án đường sắt của Nga để vận chuyển than đến Triều Tiên đều đã được miễn trừ lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc.
Tuy nhiên, việc làm ăn với Triều Tiên chứa đựng nhiều khó khăn, bao gồm việc thiếu điện kinh niên và sự bảo mật thông tin, Lee Chul, cựu chủ tịch công ty vận hành đường sắt nhà nước Hàn Quốc từng thảo luận với quan chức Triều Tiên vào năm 2006, nói.
"Sẽ rất tốt nếu chúng tôi hiểu điều kiện đường sắt của Triều Tiên", Lee nhận xét. "Nhưng Triều Tiên lại coi nó gần như bí mật quân sự".
Trung Quốc ngập nợ vì đường sắt cao tốc: Tự sập bẫy?
Tổng công ty Đường sắt Trung Quốc (CRG) - công ty quốc doanh điều hành hệ thống tàu cao tốc, đang khổ sở với khoản ... |
Hệ thống tàu cao tốc ấn tượng của người Nhật
Đi vào hoạt động từ năm 1964, những con tàu shinkansen thể hiện khả năng vượt bậc về công nghệ của người Nhật. Đây cũng ... |
Ngày đăng: 15:52 | 30/08/2018
/ VnExpress