Giá xăng tăng cao khiến các tài xế xe ôm than trời vì ngồi chờ nửa ngày không có khách, trong khi đó nhiều dân văn phòng nghĩ đến chuyện bán xe máy để mua xe điện.
Giá xăng tăng cao kỷ lục tiến sát ngưỡng 27.000 đồng/lít, cộng với dịch COVID-19 đang gây ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống sinh hoạt của người dân, đặc biệt là các tài xế xe ôm.
Giá xăng tăng liên tiếp và tiến sát ngưỡng 27.000 đồng/lít, mức kỷ lục trong 8 năm trở lại đây. |
Tài xế ế dài
Ngồi chờ tại ngã tư Nguyễn Xiển (quận Thanh Xuân, Hà Nội), ông Bùi Đình Bách (54 tuổi, quê Bắc Giang) nóng ruột đi lại, chốc lát ông lại nhìn trái phải với hy vọng có thể mời được thêm vài khách đi xe.
Sau hai tiếng chờ đợi, một người phụ nữ tuổi chừng 50 tuổi, tiến đến và hỏi giá cho quãng đường di chuyển từ Nguyễn Xiển sang Ngã Tư Sở, ông Bách lẩm nhẩm trong miệng cân đo một lúc rồi quyết định lấy 40.000 đồng. Khách thấy vậy lắc đầu chê đắt vì mọi lần đi có 30.000 đồng mà nay tăng giá tận 10.000 đồng. Bà nhất quyết không đi.
"Trước xăng có 23.000 đồng/lít nay đã tăng lên 27.000 đồng, buộc tôi phải tăng giá, nếu không chỉ chạy không công", ông Bách từ tốn giải thích.
Tài xế xe ôm mệt mỏi vì chờ nửa ngày không có khách trên đường Tây Sơn. |
Tuổi đã cao lại không thành thạo việc dùng smartphone nên nam tài xế không thể gia nhập đội "công nghệ". Hai năm trở lại đây do ảnh hưởng của dịch COVID-19, công việc của ông Bách liên tục bị gián đoạn. Ngày xe ôm được hoạt động trở lại, ông vui mừng vì sau bao tháng ngày ở nhà ăn chực nằm chờ cuối cùng cũng được hành nghề. Nhưng tình trạng ế khách, giá xăng tăng cao khiến nam tài xế lắc đầu ngao ngán.
Không chỉ cánh xe ôm truyền thống, những tài xế taxi cũng rơi vào tình trạng tương tự. Có mặt ở Aeon Mall Long Biên từ 7h, thế nhưng đến khoảng 10h, anh Vũ Đình Truyền (33 tuổi), tài xế taxi quê Bắc Ninh vẫn chưa chở được lượt khách nào. Chán nản anh lại lên xe đóng cửa ngủ.
Anh Truyền không phải là trường hợp cá biệt, từ sau đợt giãn cách vì dịch COVID-19, tình trạng này thường xuyên diễn ra do đại bộ phận người dân vẫn đề phòng dịch và giữ thói quen đi lại bằng phương tiện cá nhân. “Đã vắng khách, giá xăng lại tăng cao nên lời lãi chẳng được bao nhiêu, cuộc sống mưu sinh nên vẫn phải đi làm thôi”, nam tài xế chia sẻ.
Xăng dầu tăng giá cũng tác động rất lớn đến chi phí của doanh nghiệp vận tải hàng hóa. Nhiều doanh nghiệp kinh doanh taxi, xe ôm công nghệ đều điều chỉnh tăng từ 500 - 600 đồng/km để không phải bù lỗ. Nhiều doanh nghiệp taxi đang rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan khi phải quyết định bù lỗ để giữ chân khách vì người tiêu dùng cũng đang điêu đứng do đại dịch COVID-19 kéo dài hơn 2 năm qua.
Anh Lê Thành Minh (39 tuổi), chủ xe tải chuyên vận chuyển hàng từ Lào Cai đi Hà Nội cho biết. Việc giá xăng dầu tăng khiến chi phí nhiên liệu của chủ xe sẽ đội lên cao. Bên cạnh đó, chủ xe còn phải chi trả các loại tiền sửa chữa, bảo dưỡng xe, phí đường bộ… Với rất nhiều khoản chi như vậy, nếu giữ giá cước vận tải hàng hóa, chủ xe chỉ có nước huề vốn chứ khó mà có lãi.
“Tôi đang tính thương lượng lại giá vận chuyển tăng từ 550.000 đồng/tấn lên 650.000 ngàn đồng/tấn hàng hóa để bù lại khoản chi phí nhiên liệu tăng thêm”, anh Minh cho biết.
Dân văn phòng bán xe máy mua xe điện
Đối với dân văn phòng, từ khi giá xăng tăng cao, nhiều người đã tính tới việc sử dụng xe đạp điện làm phương tiện đi lại. Anh Trường (30 tuổi) là nhân viên văn phòng, mỗi ngày anh phải di chuyển 17km từ Mai Động (Hoàng Mai) đến Hồ Tùng Mậu (Cầu Giấy) đi làm.
Trung bình 3-5 hôm, anh đổ xăng một lần. "Mọi lần tôi đổ 70.000 đã đầy bình xăng, nay đổ 100.000 đồng, tương đương tiền 2/3 ngày lương mà vẫn chưa thấy nhằm nhò gì", anh Trường nói.
Trước vợ chồng anh mỗi người đi một xe để chủ động khi đi làm, nhưng thời gian gần đây để tiết kiệm tiền, vợ chồng anh quyết định đi chung xe. "Thời gian tới nếu xăng vẫn tiếp tục tăng giá, tôi bán đứt cái xe máy đi cho đỡ chật nhà, lấy tiền đó mua xe điện. Tiết kiệm tiền xăng, dễ len lỏi, không xả khỏi… ”, anh Trường cười nói.
Chị Nguyễn Quỳnh (28 tuổi, Đống Đa, Hà Nội) đang là chuyên viên tuyển dụng cho một Spa trên địa bàn Hà Nội. Chị chia sẻ: "Hôm trước tôi tới cây xăng, như thói quen mọi lần, tôi hay bảo nhân viên cây xăng đổ cho em đầy bình. Lúc trả tiền hết 110.000 đồng, em ngẩn người, lại phải rút thêm tiền để đưa cho họ".
Trước đây sau khi tan làm, Quỳnh thường rủ bạn bè đi cà phê hoặc dạo một vòng Hồ Tây để thư giãn. Nhưng từ khi xăng tăng giá, cô bỏ hẳn thói quen này. Cuồng chân tay, Quỳnh nghĩ ra việc mua một chiếc xe đạp vừa đi làm vừa kết hợp thể dục.
Theo Quỳnh, để ứng phó với tình trạng giá xăng lập đỉnh, gần đây một vài đồng nghiệp trong công ty của chị cũng bắt đầu đi xe đạp đi làm. Việc đạp xe mang lại cho nữ nhân viên văn phòng nhiều trải nghiệm mà trước đây chị chưa hề có. Chưa kể việc đạp xe đi làm cũng góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, khiến chị cảm thấy vui hơn.
Trong bối cảnh dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, các thành phần kinh tế vừa mới hoạt động trở lại theo trạng thái bình thường mới thì giá xăng, dầu liên tiếp có những phiên điều chỉnh tăng gây ảnh hưởng đến đời sống người dân, sự phục hồi sản xuất của các doanh nghiệp.
Sau điều chỉnh của liên Bộ Công Thương - Tài chính, mỗi lít xăng E5 RON 92 từ 15h ngày 1/3 giá 26.070 đồng (tăng 540 đồng); RON 95 là 26.830 đồng (tăng 550 đồng).
Đây là lần tăng thứ 6 liên tiếp của giá xăng trong nước từ giữa tháng 12/2021 đến nay. Như vậy, giá xăng đã tiến sát ngưỡng 27.000 đồng một lít. Giá các mặt hàng dầu đều tăng. Dầu hoả là 19.970 đồng/lít, tăng 470 đồng. Dầu diesel 21.310 đồng/lít, tăng 510 đồng. Dầu madut là 18.460 đồng/kg, tăng 530 đồng.
So với cuối tháng 12 năm ngoái, mỗi lít xăng RON95 đắt thêm 4.030 đồng; E5 RON92 là 3.990 đồng, dầu diesel đắt hơn 3.980 đồng; dầu hoả 3.650 đồng và dầu madut thêm 2.720 đồng.
Hà My
Giá xăng dầu tăng kỷ lục: Gánh nặng đè lên vai người nghèo Xăng RON95-III vượt 26.800 đồng mỗi lít, tăng cao nhất từ trước tới nay
Ngày đăng: 08:18 | 09/03/2022
/ vtc.vn