Nguyên nhân người dân không đi xe buýt dù giá xăng dầu tăng cao thì có nhiều, nhưng lý do chính vẫn là xe buýt chưa thuận tiện..
Sau thời gian giảm giá do dịch bệnh, từ đầu năm đến nay giá xăng, dầu liên tục tăng cao và lập các mốc kỷ lục về giá. Tuy vậy, thông tin tại Hội thảo về giải pháp phát triển vận tải hành khách công cộng vào ngày 28/7 vừa qua, ông Lê Hoàng, Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng (QLGTCC) đã cho biết, 6 tháng đầu năm nay số chuyến xe buýt tại TP Hồ Chí Minh chỉ đạt con số 1,9 triệu, giảm đến 11% so với năm trước.
Sau thời gian dài phải tạm ngưng do dịch bệnh, đến nay cũng mới chỉ có 23/36 tuyến xe buýt không trợ giá được khôi phục hoạt động. Bên cạnh đó, sản lượng vận chuyển khách bằng xe buýt có trợ giá tại thành phố cũng đã giảm 20,5% so với năm trước và chỉ đạt 27% chỉ tiêu đề ra. Mục tiêu thành phố đặt ra trong năm nay là vận chuyển 402 triệu lượt hành khách, thì trong 6 tháng đầu năm, khối lượng vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) chỉ đạt 148,7 triệu lượt, bằng 37% so với chỉ tiêu. Do đó, những tháng còn lại của năm nay hoạt động VTHKCC bằng xe buýt khó có thể đạt được chỉ tiêu lượng khách đi xe buýt đã đề ra từ đầu năm.
Nguyên nhân người dân không đi xe buýt dù giá xăng dầu tăng cao thì có nhiều, nhưng lý do chính vẫn là xe buýt chưa thuận tiện. Theo đại diện Trung tâm QLGTCC, đến nay mạng lưới xe buýt tại TP Hồ Chí Minh mới chỉ tiếp cận được địa bàn 178 trong tổng số 322 xã, phường, thị trấn. Mạng lưới xe buýt cũng mới chỉ tiếp cận được với 62 bệnh viện và 236 trường học từ bậc tiểu học đến đại học tại thành phố. Đi xe buýt không thuận tiện, nhất là ở 2 địa điểm lên xe buýt ban đầu và điểm tiếp cận với nơi cần đến, nên người dân vẫn không mặn mà với việc di chuyển bằng xe buýt.
Ông Hà Ngọc Trường, Phó Chủ tịch Hội cầu đường cảng TP Hồ Chí Minh đưa ra con số có đến 85% dân số của thành phố đang sinh sống trong các khu vực đường nhỏ, hẻm nhỏ nên xe buýt có sức chở từ 30 - 50 chỗ không tiếp cận được. Vỉa hè bị chiếm dụng nhiều, không còn không gian đi bộ cho khách đi xe buýt cũng là một yếu tố kéo giảm lượng khách đi xe buýt. Đã vậy, dù số tuyến xe buýt được ngân sách trợ giá chiếm phần lớn trên tổng số tuyến xe buýt của TP Hồ Chí Minh (91/128 tuyến), nhưng chi phí di chuyển bằng xe buýt vẫn chiếm ở mức cao, chiếm khoảng 10% thu nhập bình quân 10 triệu đồng tháng của người dân, trong khi tại các nước khác chi phí đi xe buýt chỉ chiếm từ 3-5% thu nhập.
Một hạn chế khác của xe buýt là mua vé tuyến nào thì đi tuyến đấy, không có sự liên thông vé đi lại giữa các tuyến. KS Hà Ngọc Trường cho biết, những năm qua ông và nhiều chuyên gia đã đề xuất thành phố tổ chức lại giao thông, dành đường riêng cho xe buýt trên một số tuyến chính nhưng việc này vẫn chưa thành hiện thực.
Với thực trạng TP Hồ Chí Minh có đến 82% là đường hẻm, đường nhỏ nên cách đây 2 năm, ông Trường cùng các chuyên gia cũng đã khảo sát, xây dựng đề án phát triển xe buýt nhỏ từ 10-15 chỗ ngồi. Đề án này được Sở Giao thông vận tải (GTVT) rồi UBND thành phố thông qua và trình Bộ GTVT, nhưng đến nay việc phát triển xe buýt nhỏ để hoạt động trong các đường hẻm và phủ kín địa bàn, tạo thuận lợi cho người dân sử dụng đã không được thông qua. Lý do: Quy định hiện nay không có quy định nào cho phép phát triển xe buýt nhỏ.
TS Lương Hoài Nam, chuyên gia về GTVT nhận xét, VTHKCC tại các đô thị lớn không đáp ứng nhu cầu đi lại trong nhiều năm đã khiến chiến lược phát triển phương tiện giao thông cá nhân đã không đạt mục tiêu đặt ra. Cụ thể, mục tiêu đặt ra là đến năm 2020 cả nước chỉ có 36 triệu xe gắn máy, nhưng khi thời gian này kết thúc, cả nước đã có 62 triệu xe gắn máy.
Về vấn đề phát triển VTHKCC bằng xe buýt tại TP Hồ Chí Minh, TS Lương Hoài Nam góp ý, thành phố cần xây dựng phát triển VTHKCC bằng xe buýt dựa trên nguyên tắc gần như không có hoặc có rất ít các tuyến metro để từ đó xác định rõ xe buýt phải phát triển như thế nào. Bởi nếu cứ xây dựng chiến lược phát triển xe buýt dựa trên các tuyến metro, khi các tuyến metro này chậm tiến độ, kế hoạch phát triển xe buýt cũng “vỡ trận” theo. Vì thế cần tập trung cho phát triển xe buýt trước.
“Khi nào TP Hồ Chí Minh còn chưa có đường dành riêng cho xe buýt và chưa có đủ hệ thống trạm trung chuyển, nhà ga xe buýt, khi đó xe buýt chưa thể phát triển được” - TS Lương Hoài Nam nhìn nhận. Ông đưa ra so sánh, Singapore có đến 26 trung tâm trung chuyển xe buýt, 19 nhà ga xe buýt và mỗi km2 diện tích đô thị của quốc gia này có đến 7 bến xe buýt. Do đó nếu TP Hồ Chí Minh không có đủ hạ tầng dành cho xe buýt, thì chưa thể nói đến phát triển VTHKCC bằng xe buýt đúng tầm.
Xe buýt tại TP Hồ Chí Minh chỉ đáp ứng được 5-7% nhu cầu đi lại và phải đối mặt với chuyện loay hoay tìm hướng phát triển trong những năm qua. “Xe buýt không có tương lai phát triển sẽ kéo chậm cả sự phát triển của các tuyến metro trong những năm tới. Nên dù có gây xung đột lợi ích với người đi xe cá nhân thì cũng phải tập trung phát triển mạnh mẽ xe buýt trong thời gian tới. Trong đó, TP Hồ Chí Minh cần kết hợp giữa xe buýt lớn và xe buýt nhỏ để tạo mạng lưới xe buýt rộng khắp, hoàn chỉnh”, TS Lương Hoài Nam đề nghị.
https://cand.com.vn/Giao-thong/gia-xang-tang-cao-nguoi-dan-van-che-xe-buyt-i663155/
Ngày đăng: 08:57 | 08/08/2022
Đ.Thắng / cand.com.vn