Doanh nghiệp xăng dầu đầu mối dự báo giá bán lẻ các mặt hàng này tại kỳ điều chỉnh ngày 21/10 có thể tăng nhẹ nếu cơ quan điều hành không sử dụng quỹ bình ổn.
Theo Oilprice, lúc 6h ngày 9/10, giá dầu WTI giao dịch mức 85,9 USD/thùng, tăng nhẹ 0,43 USD, còn dầu Brent lại giảm 0,03 USD/thùng, giao dịch mức 92,38 USD/thùng.
Giá xăng được dự báo tăng nhẹ trong chiều nay 21/10.
Trong khi đó, giá xăng dầu thành phẩm trên thị trường Singapore diễn biến tăng giảm trái chiều. Cụ thể, giá xăng RON 92 ngày 11/10 ở mức 90,9 USD/thùng, ngày 13/10 đã tăng lên 91,2 USD/thùng và vào ngày 14/10 là 92,09 USD/thùng.
Dữ liệu mới cập nhật của Bộ Công Thương cho thấy giá xăng A95 nhập từ Singapore là 92,75 USD/thùng, xăng A92 là 85,76 USD/thùng. Trong khi đó, bình quân giá thành phẩm xăng dầu thế giới kỳ điều hành trước là 91,3 USD/thùng xăng RON 92 và 94,2 USD/thùng xăng RON 95.
Đại diện doanh nghiệp đầu mối dự báo, trong kỳ điều hành chiều nay, giá xăng có khả năng tăng nhẹ. "Trong kỳ điều hành ngày 21/10 giá xăng dầu trong nước có thể tiếp tục tăng nhẹ. Mức tăng phụ thuộc vào việc điều hành quỹ bình ổn giá (BOG), nhưng khoảng 200 đồng với xăng và khoảng 300 - 500 đồng với dầu diesel”, vị này cho biết.
Ký điều hành gần nhất, Liên bộ Công Thương - Tài chính điều chỉnh giá xăng dầu bán lẻ trong nước theo hướng tăng giá tất cả các mặt hàng. Theo đó, giá xăng E5 RON92 tăng 560 đồng/lít, bán ra không cao hơn 21.292 đồng/lít. Giá xăng RON95 tăng 564 đồng/lít, bán ra không cao hơn 22.007 đồng/lít.
Đáng chú ý, giá dầu diesel tăng mạnh tới 1.979 đồng/lít, bán ra không cao hơn 24.187 đồng/lít. Giá dầu hỏa tăng 1.132 đồng/lít, bán ra không cao hơn 22.820 đồng/lít. Dầu mazut giữ nguyên giá 14.094 đồng/kg.
Ở kỳ điều hành này, do giá xăng dầu thế giới tăng mạnh cùng với việc tỷ giá USD/VND tăng, một số chi phí kinh doanh xăng dầu đã được Bộ Tài chính công bố điều chỉnh tăng nhẹ nên giá cơ sở các mặt hàng xăng dầu đều tăng.
Chiều 20/10, tại kỳ họp Quốc hội, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc đề xuất trường hợp giá thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, tăng cao, tác động đến lạm phát, kinh tế vĩ mô, đời sống của người dân thì trình Quốc hội cho phép giảm tối đa 50% mức thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng và giảm tối đa 50% mức thuế giá trị gia tăng với xăng các loại, nhiên liệu bay, dầu diesel, dầu hỏa, dầu mazut, dầu nhờn, mỡ nhờn. Chính phủ đề xuất Quốc hội giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định mức giảm cụ thể.
Thẩm tra nội dung này, ông Nguyễn Phú Cường, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách Quốc hội, cho rằng, báo cáo của Chính phủ chưa phân tích, đánh giá tác động để Quốc hội xem xét việc giảm thuế này. Mặt khác, Chính phủ kiến nghị Quốc hội việc giảm hai loại thuế này như một trong những biện pháp điều hành dự toán ngân sách nhà nước năm 2023. Đây là biện pháp dự phòng trong trường hợp giá xăng dầu thế giới tiếp tục tăng cao, diễn biến phức tạp.
Đánh giá tình hình kinh tế xã hội thời điểm hiện nay, theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách, biện pháp dự phòng này chưa thực sự cần thiết phải áp dụng biện pháp khẩn cấp, ủy quyền Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định.
Trường hợp cần biện pháp điều chỉnh với xăng dầu, vẫn có thể xem xét điều chỉnh thuế bảo vệ môi trường theo Nghị quyết 18 sẽ hết hiệu lực vào cuối năm nay, sau đó mới tính tới việc điều chỉnh thuế tiêu thụ đặc biệt, giá trị gia tăng. Lúc đó, Chính phủ cần xây dựng hồ sơ trình đúng quy trình Luật ban hành văn bản pháp luật.
https://vtc.vn/gia-xang-hom-nay-du-bao-tang-nhe-ar708575.html
Ngày đăng: 08:19 | 21/10/2022
HÒA BÌNH / VTC News