Trong khi vàng thế giới liên tục có những phiên biến động dữ dội thì giá vàng trong nước vẫn “một mình một chợ”, không nhúc nhích là bao. Lượng tiêu thụ vàng của người Việt cũng giảm mạnh.

Chênh lệch vàng trong nước – quốc tế thu hẹp

Thời gian gần đây, đặc biệt là khi khủng hoảng ngân hàng tại Mỹ xuất hiện với sự sụp đổ của một số ngân hàng thì giá vàng thế giới đã có biến động rất mạnh, có những phiên, mức tăng lên tới trên dưới 50 USD/ounce.

Tính chung từ đầu tháng 3 đến nay, giá vàng thế giới đã tăng mạnh tới 200 USD/ounce, từ vùng giá dưới 1.830 USD/ounce lên quanh 2.030 USD/ounce. Quy đổi ra vàng Việt Nam thì mức tăng trên thị trường thế giới lên tới gần 6 triệu đồng mỗi lượng.

Trong khi đó, tại thị trường trong nước, vàng SJC lại chỉ tăng khoảng 400 nghìn đồng mỗi lượng trong cùng khoảng thời gian, lên mức 66,65 – 67,25 triệu đồng/lượng trong phiên 11/5.

Điều này đã kéo giảm chênh lệch giá vàng trong nước xuống chỉ còn quanh 9 triệu đồng mỗi lượng so với mức chênh lệch khoảng 15 triệu đồng/lượng cách đây hơn 2 tháng.

Việc giá vàng thế giới biến động mạnh đã thu hút các nhà đầu tư. Theo thống kê của Hội đồng Vàng thế giới (WGC), tháng 3 đã ghi nhận sự phục hồi vốn đầu tư vào quỹ ETF vàng sau 2 tháng rút ròng mạnh trước đó. Lượng bán ròng của các quỹ ETF vàng trong quý đã giảm bớt, còn khoảng 29 tấn.

Nhu cầu đầu tư toàn cầu vào vàng thỏi và xu vàng đã tăng 5% so với cùng kỳ năm trước, đạt 302 tấn, mặc dù có sự biến động đáng kể ở các thị trường chính. Nhu cầu mua vàng thỏi và xu vàng tại Mỹ đạt 32 tấn, mức cao nhất trong một quý kể từ năm 2010, chủ yếu do lo ngại về suy thoái kinh tế và nhu cầu tìm kiếm nơi trú ẩn trong tình hình khủng hoảng ngân hàng.

Giá vàng “một mình một chợ”, nhà đầu tư Việt ngày càng thờ ơ ảnh 1

Nhu cầu vàng của người dân Việt Nam có xu hướng giảm trong những tháng gần đây

Trong khi đó, nhu cầu vàng tại Việt Nam lại giảm mạnh. Báo cáo của WGC cho thấy nhu cầu vàng tại Việt Nam chỉ còn 17,2 tấn trong quý I so với mức 19,6 tấn cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, nhu cầu vàng miếng giảm 10%, từ mức 14 tấn xuống còn 12,6 tấn; nhu cầu trang sức giảm 18%, từ 5,6 tấn xuống còn 4,6 tấn.

Ông Shaokai Fan - Giám đốc điều hành khu vực châu Á -Thái Bình Dương (không bao gồm Trung Quốc) của WGC cho biết, suy giảm nhu cầu trang sức vàng ở Việt Nam một phần do tác động từ hiệu ứng cơ sở.

Theo đó, quý 1/2022 là quý có nhu cầu mua vàng trang sức trong nước mạnh nhất kể từ năm 2007. Việc mua trữ vàng trang sức trong quý 1/2023 đã có những dấu hiệu tích cực trong dịp Tết Nguyên đán, trước khi giảm dần vào tháng 2 và tháng 3 do giá vàng tăng.

Thận trọng trong bỏ độc quyền thị trường vàng

Một trong những nguyên nhân khiến giá vàng trong nước thường xuyên “lệch pha” vàng thế giới là do các quy định độc quyền độc quyền vàng SJC, độc quyền nhập khẩu vàng nguyên liệu quy định tại Nghị định 24 của Ngân hàng Nhà nước.

Từ 2014 đến nay, NHNN không đưa thêm vàng ra thị trường, nên vàng miếng SJC trong lưu thông hạn chế, thậm chí còn được chuyển hóa sang vàng nguyên liệu để phục vụ cho sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ. Các loại vàng trang sức mỹ nghệ này còn được đem xuất khẩu.

Trong những tháng đầu năm 2022, nhu cầu vàng trong nước tăng cao, các doanh nghiệp vàng buộc phải điều chỉnh giá vàng cao để phòng thủ. Giá vàng có lúc lên tới trên 74 triệu đồng/lượng đối với vàng SJC, chênh lệch với giá thế giới có lúc lên tới trên dưới 19 triệu đồng/lượng.

Việc chênh lệch giá vàng thu hẹp trong những tháng đầu năm nay có thể đến từ việc nhu cầu vàng xuống thấp.

Trước đó, nhiều doanh nghiệp vàng đã có kiến nghị NHNN bỏ các quy định này nhằm tăng nguồn cung vàng, giảm chênh lệch với giá vàng thế giới, tuy nhiên cơ quan quản lý vẫn rất cân nhắc.

Ngân hàng Nhà nước cho biết, để phục vụ công tác tổng kết, đánh giá Nghị định 24, trong thời gian qua, cơ quan này đã tổ chức 2 đợt thanh tra (vào tháng 5 và tháng 7/2023) để chấn chỉnh hoạt động kinh doanh vàng.

Cùng với đó, cơ quan quản lý cũng đã họp với Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh vàng miếng để lấy ý kiến về chính sách quản lý hoạt động kinh doanh vàng. Đồng thời, lấy ý kiến 63 NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố về đánh giá, tổng kết Nghị định 24.

Trên cơ sở đó, NHNN đã tu chỉnh dự thảo báo cáo đánh giá, tổng kết Nghị định 24 và gửi xin ý kiến các bộ, ngành, Hiệp hội kinh doanh vàng trong tháng 3/2023.

“Trong thời gian tới, NHNN sẽ tổng hợp ý kiến của các bộ, ngành và Hiệp hội Kinh doanh vàng và xây dựng tờ trình báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tổng kết Nghị định 24 trong năm 2023” – NHNN thông tin.

https://www.anninhthudo.vn/gia-vang-mot-minh-mot-cho-nha-dau-tu-viet-ngay-cang-tho-o-post539514.antd

Ngày đăng: 09:03 | 12/05/2023

Hà Loan / ANTD