Giá vàng tăng dồn dập, liên tục lập kỷ lục khiến nhiều người vay vàng đến kỳ hạn trả phải tìm mọi cách hoãn nợ, thậm chí chấp nhận trả lãi cao thay vì trả vàng.

Cuối năm 2022, anh Lê Hữu Minh (Hoàn Kiếm, Hà Nội) vét sạch tiền tiết kiệm để mua một mảnh đất rộng 45m2, còn tiền xây nhà thì phải đi vay nợ hoàn toàn. 

Khi đó, lãi suất cho vay đang rất cao, ở mức 13 - 15%/năm và anh ngại thế chấp sổ đỏ vay ngân hàng nên quyết định mượn của người thân 15 lượng vàng. Thời điểm đó, vợ chồng anh Minh bán với giá 65,9 triệu đồng/lượng, thu về gần 1 tỷ đồng. Vợ chồng anh tính toán vay tầm 1 năm rồi bán mảnh đất ở quê và tích góp thêm là đủ trả nợ.

Hiện tại, đã đến thời điểm phải trả vàng nhưng giá liên tục tăng phi mã khiến vợ chồng anh Minh hoang mang, lo lắng. Cụ thể, với giá hiện tại, vợ chồng anh Minh phải trả thêm gần 200 triệu đồng so với lúc vay.

Vay bằng vàng, nhiều người tìm mọi cách hoãn trả nợ khi giá lên đỉnh. (Ảnh minh họa: Công Hiếu).

Vay bằng vàng, nhiều người tìm mọi cách hoãn trả nợ khi giá lên đỉnh. (Ảnh minh họa: Công Hiếu).

"Giá vàng tăng cao khiến vợ chồng tôi vay bằng vàng không khác gì vay lãi cao. Tính ra, số tiền chênh kia nếu tính theo lãi suất sẽ khoảng 20%/năm cho khoản vay 1 tỷ đồng. Trong khi đó, nếu 1 năm trước nhà tôi vay lãi suất ngân hàng khoảng 13% thì tiền lãi sau 1 năm cũng chỉ 130 triệu đồng", anh Minh nói.

Điều đáng nói, giá vàng liên tục tăng cao thời gian gần đây khiến anh Minh chưa biết xoay trở cách gì cho đúng, nếu không trả ngay, chỉ sợ giá vàng tăng tiếp thì khoản nợ lại càng phình to. Nhưng nếu trả luôn lúc này, anh chị không thể đủ tiền để mua đủ 15 lượng vàng đang ở trên "đỉnh".

Giống anh Minh, chị Hoàng Hải Yến (Hoàng Mai, Hà Nội) cũng lo lắng vì còn nợ 20 lượng vàng vay từ năm 2020. Chị Yến cho hay, thời điểm đó chị vay vàng để mở nhà hàng nên cần số tiền khá lớn. Chị đã chọn mượn vàng của anh em trong gia đình.

Việc mở nhà hàng của chị mấy năm không mấy suôn sẻ vì người dân thắt chặt chi tiêu, nên khách đến ăn khá vắng. Do việc làm ăn không thuận lợi nên chị Yến đã nhiều lần xin khất nợ. Tuy nhiên, cuối năm nay chị Yến buộc phải trả số vàng đã vay.

Lúc vay vàng bán giá chỉ 43 triệu đồng. Giờ giá lên tới trên 78 triệu đồng, tức là tăng gần gấp đôi. Tôi vay 20 lượng vàng, nhưng giờ phải trả gần 40 lượng. Việc làm ăn đã khó khăn, vàng tăng sốc như thế này, tôi chưa biết tính sao”, chị Yến buồn rầu nói. 

Theo chị Yến, số tiền có trong tay chị hiện giờ không đủ mua 10 lượng vàng. Bây giờ, nếu không mua vàng trả nợ, giá lại tăng tiếp giống dự báo thì khoản nợ chị gánh càng nặng hơn. Chính vì vậy, chị Yến dự định thương lượng về khoản vay này.

"Tôi dự định nói rõ để anh em trong nhà thông cảm cho nhau vì giá vàng tăng quá cao khiến tôi quá khó khăn. Tôi sẽ trả bằng tiền kèm theo lãi suất 20%/năm, coi như chuyển thành vay lãi cao. Dù biết lãi suất đó cũng hấp dẫn nhưng so với vàng tăng vùn vụt thì cũng không cũng ăn thua, nên không biết họ có đồng ý hay không", chị Yến nói.

Giá vàng tăng cao liên tục trong những ngày gần đây khiến người vay vàng méo mặt. (Ảnh minh họa: Minh Đức).

Giá vàng tăng cao liên tục trong những ngày gần đây khiến người vay vàng méo mặt. (Ảnh minh họa: Minh Đức).

Trong hoàn cảnh tương tự, chị Nguyễn Mai Lan (Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ, năm 2021, khi quyết định mua chiếc ô tô trị giá hơn 1 tỷ đồng, chị đã mượn 10 lượng vàng của người thân ở thời điểm giá vàng đạt 53 triệu đồng/lượng. Đến nay theo hẹn, chị phải trả số vàng đã vay, chị mất ăn mất ngủ, lo lắng không yên khi giá vàng ngày càng tăng cao. Hiện tại, giá vàng đã leo lên mức 78,5 triệu đồng/lượng khiến chị Lan rối như tơ vò. 

Số vàng chị Lan vay từ năm 2021 quy đổi ra tiền là 530 triệu đồng nhưng nếu phải trả theo giá vàng hiện nay, ước tính sẽ là 736 triệu đồng, tức chị phải trả thêm hơn 200 triệu đồng.

Biết là giá vàng sẽ tăng nên tôi đã cẩn thận để dành được bao nhiêu đều đem gửi ngân hàng bấy nhiêu, chờ đến hạn mới rút ra mua vàng. Nhưng giờ giá vàng cao quá, tôi mua vàng để trả lúc này còn lỗ hơn so với vay lãi ngân hàng”, chị Lan nói.

Chị Lan đang tính xin khất nợ vài tháng để đợi giá vàng hạ nhiệt, trong khoảng thời gian chậm trả này, chị Lan sẽ trả lãi suất 15%/năm cho người thân.

Theo các chuyên gia, việc vay vàng trong trường hợp tình huống bắt buộc thì đành chịu, còn với những người muốn đầu tư nhưng lại không hiểu rõ về cơ chế thị trường thì đây là bài học đắt giá.

Không nên đi vay tiền đề đầu tư vào vàng. Nếu giá vàng giảm trái với dự tính thì người mua vàng sẽ gặp rắc rối lớn về tài chính. Nếu có khả năng tài chính muốn đầu tư vàng vào giai đoạn này thì chỉ nên đầu tư 1/3 số tiền tiết kiệm của mình chứ không nên bỏ tất cả trứng vào một giỏ”, TS. Nguyễn Trí Hiếu nhấn mạnh.

Chuyên gia này cũng khuyến nghị những nhà đầu tư đang “ôm” vàng nên chốt lời, nếu có điểm chốt lời 10% hay 20% thì nên bán ra, không đợi giá lên thêm vì giá có thể đảo chiều bất cứ lúc nào.

Phân tích về giá vàng tăng cao trong thời gian gần đây, TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, việc giá vàng tăng mạnh gần đây không thể hiện sự bất ổn nội tại nền kinh tế mà là kết quả cả yếu tố trong nước và quốc tế cộng hưởng.

Ông Hiếu phân tích, việc Fed lần thứ ba trong năm nay không tăng lãi suất, giữ lãi suất ở vùng 5,25 - 5,5%/năm, đồng nghĩa với việc phát tín hiệu chính sách tiền tệ thắt chặt của nước này thời gian qua đã đến chặng cuối cùng, khiến đồng USD giảm mạnh. Diễn biến này góp phần đẩy giá vàng thế giới tăng cao.

Ngoài ra, giá vàng trong nước tăng trong khoảng thời gian vừa rồi cũng xuất phát từ việc các kênh đầu tư trong nước khác như thị trường chứng khoán, bất động sản... đang kém hấp dẫn.

Còn theo chuyên gia kinh tế Trần Duy Phương, giá vàng chịu ảnh hưởng từ giá quốc tế nhưng có mức chênh khá lớn.

"Giá vàng lên nhanh, hôm trước hôm sau tăng cả triệu đồng/lượng tác động khá lớn đến tâm lý nhiều người dân. Trong khi lãi suất huy động đã giảm hơn một nửa so với năm trước, do vậy những người có tiền nhàn rỗi gửi kỳ hạn một năm nay đáo hạn đã chuyển qua mua vàng hoặc mua vàng một phần thay vì dồn hết gửi tiết kiệm như trước. Chưa kể giá vàng trong nước còn chịu tác động từ yếu tố mùa vụ, cuối năm nhu cầu bao giờ cũng cao hơn", ông Phương nói.

Nhìn chung, dự báo giá vàng trong nước thời điểm này rất khó. Tuy nhiên theo chuyên gia này, vàng đang ở vùng giá đỉnh, hết sức cẩn trọng khi mua vào găm giữ, đầu tư. Chênh lệch mua vào - bán ra lớn, do vậy nhà đầu tư sẽ rất rủi ro khi giá đảo chiều.

"Chốt phiên giao dịch cuối chiều 25/12, giá vàng trong nước tiếp tục lập kỷ lục mới khi đạt ngưỡng 78,4 triệu đồng/lượng.

Cụ thể lúc 16h30, giá vàng tại Doji được niêm yết ở mức 77,4 - 78,4 triệu đồng/lượng (mua - bán), tăng 1,6 - 1,4 triệu đồng/lượng (mua - bán) so với đầu giờ sáng nay.

Cùng thời điểm, giá vàng tại SJC được niêm yết ở mức 77,4 - 78,4 triệu đồng/lượng (mua - bán), tăng 1,4 triệu đồng/lượng ở cả hai chiều.

Như vậy, chỉ trong 1 ngày giao dịch, giá vàng đã tăng 1,4 - 1,6 triệu đồng/lượng. Mức 78,4 triệu đồng/lượng cũng là giá đắt nhất lịch sử tính đến thời điểm hiện nay và chưa có dấu hiệu nào chứng tỏ giá vàng đã ngừng tăng".

https://vtc.vn/gia-vang-lien-tuc-tang-soc-nguoi-vay-chap-nhan-tra-lai-cao-thay-vi-tra-vang-ar843452.html

Ngày đăng: 08:21 | 26/12/2023

NGỌC VY / VTC News