Kế hoạch áp giá trần dầu Nga được châu Âu chuẩn bị như bước "giảm sốc" trước lạm phát, đồng thời hạn chế doanh thu của Moskva, nhưng tính khả thi còn nhiều dấu hỏi.
Hôm 2/9, G7 tuyên bố đồng ý quyết định áp giá trần với dầu nhập khẩu từ Nga. Thông báo vấp phải sự hoài nghi của các nhà bình luận và giới truyền thông, xung quanh việc chính sách này có thực sự hiệu quả giúp châu Âu đạt được mục tiêu hạn chế thu nhập của Nga, và qua đó giảm nguồn hỗ trợ tài chính cho cuộc chiến tại Ukraine hay không.
Sau thông báo của G7, điện Kremlin ngay lập tức nói Nga sẽ không bán bất kỳ loại dầu nào cho các quốc gia tuân thủ giới hạn giá.
Theo các chuyên gia, vẫn cần thời gian để đánh giá tác động giới hạn giá sẽ nghiêng về bên nào. Trong khi một số nhà bình luận cảnh báo về những thiếu sót của kế hoạch, chính sách đã nhận được sự ủng hộ nhất định của một số lãnh đạo doanh nghiệp.
Các tàu chở sản phẩm dầu đi dọc theo vịnh Nakhodka, gần thành phố cảng Nakhodka, Nga ngày 12/8/2022. (Ảnh: Reuters)
Giúp tránh “cú sốc” cho châu Âu?
Gói trừng phạt thứ 6 của Liên minh châu Âu được thiết lập để cấm tất cả các hoạt động nhập khẩu dầu thô Nga bằng đường biển vào khối, bắt đầu từ 5/12, và tất cả các sản phẩm dầu tinh chế - chẳng hạn như xăng, dầu diesel và dầu nhiên liệu - bắt đầu từ ngày 5/2/2023. Theo các nhà phân tích, đó là một sự cắt đứt khó khăn mà nếu không thực hiện theo từng giai đoạn, có thể dẫn đến cú sốc nguồn cung và giá cả tăng vọt.
Do đó, theo các chuyên gia, mức độ ảnh hưởng của giới hạn giá dầu phải được đánh giá không phải đối với tình hình hiện tại mà liên quan đến khả năng xảy ra các cú sốc về nguồn cung sau ngày 5/12 - khi Nga có thể hưởng lợi vì giá dầu cao hơn đáng kể ngay cả khi khối lượng xuất khẩu giảm.
"Từ quan điểm này, giới hạn giá dầu được đánh giá là một cách để giữ cho dầu Nga chảy vào thị trường toàn cầu trong khi duy trì sự ổn định kinh tế - ưu tiên hàng đầu của các chính phủ G7 - đồng thời hạn chế tỷ suất lợi nhuận của Nga trên mỗi thùng dầu bán ra", các chuyên gia bình luận trên Foreign Policy.
Khi đề xuất giá trần được đặt ra, câu hỏi nổi bật là liệu điều đó có khiến giá xăng dầu tăng và có tác động đến lạm phát hay không.
Nhưng giới hạn giá dầu được thiết kế để ngăn giá dầu tăng vọt. Theo Thứ trưởng Tài chính Mỹ Wally Adeyemo nói trên Yahoo Finance, "mục tiêu của chúng tôi là đảm bảo nguồn cung thị trường vì điều đó sẽ gây áp lực để giá năng lượng giảm..." Ông nói thêm: "Chúng tôi muốn tiếp tục đặt áp lực giảm lên giá nhằm tạo áp lực giảm đối với lạm phát toàn phần và lạm phát nói chung".
Theo Foreign Policy, trên thực tế, các thị trường tài chính đã báo hiệu sự ổn định giá và thậm chí giá thấp hơn theo thời gian. Thị trường dầu kỳ hạn đang ở mức bù hoãn bán - thuật ngữ để chỉ khi thị trường định giá dầu trong tương lai thấp hơn đáng kể so với hiện nay. Nói cách khác, thị trường tài chính hầu như không hoảng loạn và có thể tiếp nhận giá dầu trần.
Giá đóng cửa của dầu thô Brent, "giỏ" trung bình các nước OPEC và dầu thô WTI vào đầu mỗi tuần từ 2/3/2020 đến 12/9/2022. (Nguồn: Statista)
Tác động của các nước khác
Các nhà phê bình cho rằng Ấn Độ, Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ và nhiều quốc gia sẽ không tham gia vào áp giới hạn giá, và vì không mang tính toàn cầu, giới hạn giá sẽ không có hiệu quả.
Nếu Nga chống lại áp lực và cắt giảm nguồn cung của mình cho thị trường toàn cầu, Ấn Độ và Trung Quốc có thể quyết định đứng ngoài cuộc chiến và ký các thỏa thuận riêng với Nga, cũng như đề nghị bảo hiểm các chuyến hàng dầu. Trong trường hợp đó, các nước G7 sẽ đứng trước sự lựa chọn khó khăn là liệu có nên áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các đối tác thương mại lớn nhất của họ và có nguy cơ biến nó thành một cuộc chiến tranh kinh tế trên nhiều mặt trận hay không.
Nhưng cũng có ý kiến cho rằng kế hoạch áp giá trần vẫn có thể tác động đến thị trường toàn cầu trong trường hợp này. Đó là vì một trong những mục tiêu của các quốc gia không tham gia là có được mức giá mua dầu thấp nhất trên thị trường. Nếu vậy, giới hạn giá sẽ cho họ một “đòn bẩy” bổ sung trong các cuộc đàm phán giá với Nga.
Hiện tại, Ấn Độ, Trung Quốc và các quốc gia đang phát triển khác đang mua dầu của Nga với mức chiết khấu chưa từng có 30 USD/thùng. Nga cũng mong muốn tìm được người mua dầu nên đang đưa ra các hợp đồng dài hạn, giá cố định với mức chiết khấu “khủng” để đảm bảo một phần doanh thu trong tương lai. Theo một quan chức kinh tế châu Á, có thể đàm phán một thỏa thuận tốt hơn đáng kể so với lời đề nghị ban đầu của Nga - đặc biệt là vì việc cung cấp tài chính, bảo hiểm và vận chuyển dầu Nga cũng sẽ bị hạn chế theo kế hoạch của G7.
Ngoài ra, cựu quan chức bộ ngoại giao Mỹ phụ trách vấn đề kinh tế, năng lượng và môi trường, ông Robert Hormats cho rằng Trung Quốc có chính sách lâu dài về đa dạng hóa các nguồn năng lượng của mình, nên lượng dầu mà Trung Quốc có thể mua từ Nga cũng sẽ có giới hạn.
(Ảnh minh họa)
Yếu tố quan trọng khác cần xem xét là phản ứng của các bên liên quan như Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), theo cây viết Blaise Malley của National Interest. Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đến Ả-rập Xê-út vào đầu mùa hè này với nỗ lực thuyết phục Riyadh bơm và vận chuyển thêm dầu, một phần nhằm giảm bớt tác động của giới hạn giá. Vào thời điểm đó, có thông tin cho rằng đây có thể là một nhiệm vụ gần như bất khả thi, một phần vì Ả-rập Xê-út có thể đã hết nguồn cung.
"Nhưng hỗ trợ phương Tây thực thi chương trình giới hạn giá dầu Nga cũng có thể đi ngược lại lợi ích của Ả-rập Xê-út và các thành viên khác trong OPEC, khi giới hạn giá là mối đe dọa trực tiếp đến khả năng thiết lập giá dầu toàn cầu của OPEC", Malley viết.
Trong hoàn cảnh này, vì lo ngại toàn bộ thị trường và giá dầu bị thao túng, các nước OPEC như Ả-rập Xê-út có thể cũng không sẵn sàng "bù vào chỗ trống" nguồn cung dầu, dù họ có thể tăng sản lượng hay không.
Mặc dù phản ứng của OPEC đối với giới hạn giá dầu vẫn còn phải xem xét, nhưng cho đến nay Ả-rập Xê-út và OPEC đã thực hiện cách tiếp cận ngược lại. Do giá dầu giảm gần đây, tổ chức này đã đồng ý giảm sản lượng.
Khả năng thực thi
Với kế hoạch của G7, các nước tham gia từ chối cung cấp những dịch vụ như bảo hiểm, tài chính, định vị... cho các lô dầu có giá vượt trần.
Theo các nhà phê bình, thách thức thực thi của biện pháp giá trần nằm ở vấn đề hậu cần và sự “rò rỉ” của các lệnh trừng phạt, nghĩa là nó không được tuân thủ đầy đủ. Trong khi đó, các ý kiến khác chỉ ra rằng doanh nghiệp sẽ không mạo hiểm trốn tránh các lệnh trừng phạt để kiếm thêm lợi nhuận, khi hậu quả mà họ phải đối mặt còn có thể gây thiệt hại nhiều hơn.
Theo Foreign Policy, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp hàng đầu trong ngành cho biết họ thích giới hạn giá dầu hơn là một lệnh cấm. Do đó, có khả năng họ sẽ chủ động hợp tác. Ngoài ra, các doanh nghiệp đa quốc gia lớn, đặc biệt là doanh nghiệp tại châu Âu, sẽ không sẵn sàng tài trợ, mua bán, vận chuyển và bảo hiểm dầu Nga.
Nếu có “rò rỉ”, nguy cơ này có thể xuất phát từ các công ty nhỏ hơn, thường do tư nhân nắm giữ liên quan đến tài chính, vận chuyển và kinh doanh hàng hóa, các công ty đặt tại Nga hoặc các quốc gia không tham gia khác. Họ có thể tiếp tục cung cấp dịch vụ vận chuyển dầu của Nga, nhưng mức giá có thể sẽ cao hơn. Ngoài ra, các nhà máy lọc dầu trung lập cũng sẽ tiếp tục chế biến dầu thô của Nga và bán các sản phẩm tinh chế vào thị trường toàn cầu.
Bảo hiểm là yếu tố thiết yếu với vận tải hàng hải, đặc biệt là các chuyến tàu chở dầu đòi hỏi tiêu chuẩn an toàn cao. Khoảng 95% tàu chở dầu thế giới dùng bảo hiểm của Nhóm Hội P&I Quốc tế, có trụ sở ở London và một số công ty có trụ sở tại châu Âu. (Ảnh minh họa)
Nhưng Nga cũng có cách của riêng mình. Theo chuyên gia của Viện nghiên cứu chính sách Carnegie, các công ty bảo hiểm đại diện cho G7 và các nước liên minh không “độc quyền”. Trong những tháng gần đây, Nga đã tích cực cố gắng tạo ra các cơ chế bảo hiểm của riêng mình cho mục đích này.
Nga cũng có kế hoạch khởi động nền tảng thương mại dầu quốc gia, độc lập với các thị trường năng lượng phương Tây, theo Washington Post. Người mua dầu Nga ở nước ngoài khi đó sẽ được khuyến khích giao dịch ở nền tảng này, với mục tiêu thiết lập nên một chuẩn giá địa phương.
Các hạn chế được đề xuất cũng có thể dễ dàng bị phá vỡ. Chuyên gia phân tích, khi các quốc gia nằm trong danh sách trừng phạt gặp khó khăn trong việc bán tài nguyên thiên nhiên, họ có thể "sáng tạo" để lách luật.
"Các chuyến hàng dầu có thể đi kèm với một số dịch vụ chỉ mang tính tượng trưng nhưng đắt tiền, như dịch vụ hải quan, phân tích trong phòng thí nghiệm hoặc dịch tài liệu. Hoặc một kế hoạch khác có thể xảy ra là chất lên tàu chở dầu 80.000 tấn với chỉ 50.000 thùng dầu, đưa giá hàng hóa mỗi thùng lên gần với giá thị trường", chuyên gia Sergey Vakulenko phân tích.
Cũng không rõ Nga sẽ chống lại việc áp đặt giới hạn giá ở mức độ nào. Các "kiến trúc sư" của kế hoạch tuyên bố rằng giá giới hạn sẽ vẫn tạo ra đủ lợi nhuận để Nga muốn bán dầu cho thị trường. Nhưng chưa thể khẳng định Nga có hy sinh một phần (hoặc nhiều phần) mục tiêu kinh tế vì các mục tiêu khác hay không.
Nếu Nga ngừng bán dầu?
Mặc dù điện Kremlin đã tuyên bố rằng Nga sẽ từ chối bán dầu cho bất kỳ quốc gia nào tham gia vào giới hạn giá, nhưng xuất khẩu năng lượng chiếm hơn một nửa tổng ngân sách chính phủ Nga trong hầu hết các năm, theo Foreign Policy. Với nguồn thu từ khí đốt tự nhiên giảm đáng kể, ít có khả năng Nga thực sự "đóng cửa" các mỏ dầu, một số chuyên gia nhận định.
Tuy nhiên, cũng có nhà bình luận cho rằng Moskva có thể hạn chế cung cấp dầu như một biện pháp ngắn hạn nhằm thực hiện mục tiêu thị trường. Ở vị trí giàu có về tài nguyên năng lượng và thực phẩm, Nga dường như có lợi thế hơn khi chống chịu khủng hoảng so với các nước khác.
https://vtc.vn/gia-tran-dau-nga-co-giup-mua-dong-chau-au-bot-lanh-ar700903.html
Ngày đăng: 08:52 | 19/09/2022
/