Thực phẩm ngày càng trở nên đắt đỏ hơn trên khắp thế giới. Mới đây, Tổ chức Cứu trợ phi chính phủ Welthungerhilfe (Đức) đã bày tỏ lo ngại trước thực tế giá lương thực tăng cao làm trầm trọng thêm nạn đói toàn cầu và kéo theo những hệ lụy khó lường, đặc biệt ở những quốc gia có thu nhập thấp.

Giá lương thực tăng cao ảnh hưởng nghiêm trọng tới các nước có thu nhập thấp.

Năm 2021, giá thực phẩm trên toàn thế giới đã tăng 28%, mức tăng cao nhất trong 10 năm. Bước sang năm 2022, cuộc xung đột ở Ukraine làm gián đoạn nguồn cung lương thực toàn cầu, khiến tình hình càng trở nên nghiêm trọng hơn. Sự kiện này đã đẩy nhanh một đợt tăng giá sớm hơn do thời tiết bất lợi ở các nước sản xuất chủ chốt, sự phục hồi kinh tế nhanh chóng sau đại dịch Covid-19 cùng chi phí năng lượng và phân bón ngày càng tăng.

Mọi người đều bị ảnh hưởng bởi lạm phát giá lương thực, nhưng người nghèo là đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất, đặc biệt ở các nước đang phát triển - nơi lương thực chiếm một nửa ngân sách của một gia đình thông thường. Theo thống kê, tiêu thụ thực phẩm chiếm 45% tổng chi tiêu của hộ gia đình ở các nền kinh tế có thu nhập thấp và các loại thực phẩm chủ yếu như lúa mỳ. Nhà kinh tế học Carlos Arteta và Sergiy Kasyanenko của Ngân hàng Thế giới (WB), cho rằng điều này đang làm xói mòn thu nhập thực tế, làm trầm trọng thêm tình trạng mất an ninh lương thực. Giá lương thực thế giới tăng cao, đạt mức kỷ lục trong năm nay, đang góp phần làm tăng nhanh lạm phát ở những quốc gia này. Hơn nữa, các nước đang phát triển đặc biệt dễ bị tổn thương vì họ có xu hướng trở thành nhà nhập khẩu ròng thực phẩm.

Đơn cử như cuộc khủng hoảng lương thực năm 2008 đã làm gia tăng đáng kể tình trạng suy dinh dưỡng cũng như tình trạng bỏ học ở trẻ em. Các chuyên gia nêu rõ, suy dinh dưỡng sẽ gây ra những hậu quả rất bất lợi đối với nguồn nhân lực. Báo cáo của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) khẳng định: “Nghèo đói đã gia tăng và hàng trăm triệu người đang phải đối mặt với những thách thức lớn hơn đối với cuộc sống của họ, từ sức khỏe thể chất và tinh thần kém hơn đến thu nhập giảm, bạo lực nhiều hơn và ít giáo dục hơn”.

Trên thực tế, các hành động hạn chế xuất khẩu đã ảnh hưởng đáng kể đến giá lương thực khiến vấn đề trở nên tồi tệ hơn. Tính đến đầu tháng 6 năm nay, 22 quốc gia đã áp đặt các hạn chế đối với xuất khẩu lúa mỳ, chiếm 21% thương mại ngũ cốc trên thế giới. Những hạn chế này đã khiến giá lúa mỳ tăng 9% kể từ khi bắt đầu cuộc xung đột Nga - Ukraine. Hạn chế xuất khẩu không phải là biện pháp thương mại duy nhất mà các chính phủ đang thực hiện để đối phó với giá cả tăng cao. Một số quốc gia đang cắt giảm thuế hoặc nới lỏng các hạn chế đối với hàng nhập khẩu lương thực. Thông thường, việc cắt giảm vĩnh viễn các hạn chế nhập khẩu sẽ được hoan nghênh. Nhưng trong một cuộc khủng hoảng, việc cắt giảm tạm thời các biện pháp hạn chế nhập khẩu sẽ gây áp lực lên giá lương thực.

Các rào cản thương mại (các cảng bị phong tỏa, chuỗi cung ứng bị thu hẹp…) đẩy hàng trăm triệu người nhanh chóng rơi vào cảnh nghèo đói. Theo báo cáo của Welthungerhilfe, có khoảng 811 triệu người trên toàn thế giới đang đối mặt với nạn đói. Ảnh hưởng của việc tăng giá lương thực đã lan rộng khắp toàn cầu, từ việc các chính phủ áp đặt biện pháp kiểm soát giá cả và hạn chế thương mại đến việc người tiêu dùng cắt giảm chi tiêu. Thực tế này đã đẩy lạm phát lên cao hơn và gây ra rủi ro nghiêm trọng cho sự phục hồi kinh tế toàn cầu. Và nếu nông dân ở các nước thu nhập thấp không còn đủ khả năng mua hạt giống và phân bón vì giá cả tăng cao, thì việc trồng trọt, thu hoạch sẽ bị thu hẹp, hậu quả là đói nghèo sẽ gia tăng. Đây là vòng luẩn quẩn mà chính phủ các nước cần có biện pháp khắc phục bằng mọi giá.

 https://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/The-gioi/1036963/gia-thuc-pham-tren-the-gioi-tang-cao-he-luy-kho-luong

Ngày đăng: 09:27 | 15/07/2022

Thùy Dương / Hà Nội Mới