Việc giá lợn hơi bị đẩy lên tới 78.000 đồng/kg, thậm chí là 150.000 đồng/kg đang khiến người tiêu dùng hoang mang, dấy lên tin đồn về việc thiếu hụt nguồn cung.
Khảo sát cho thấy, tại khu vực miền Nam giá thịt lợn hơi xuất chuồng đã tăng sát mốc 70.000 đồng/kg. Trong khi miền Trung giá cũng phổ biến ở mức 75.000-76.000 đồng/kg, thấp nhất ở Đắk Lắc, Thừa Thiên Huế giá cũng đã tăng lên 65.000-66.000 đồng/kg.
Riêng ở các tỉnh miền Bắc, giá thịt lợn hơi xuất chuồng đã thiết lập kỷ lục mới khi ghi nhận một số hộ chăn nuôi lợn ở khu vực Hà Nội, Lạng Sơn đã xuất bán với giá 80.000 đồng/kg.
Dịp này các doanh nghiệp chăn nuôi cũng điểu chỉnh giá tăng mạnh. Đơn cử, giá lợn hơi niêm yết tại công ty chăn nuôi như Dabaco đã lên 76.000 đồng/kg, Công ty Chăn nuôi CP tiếp tục thông báo tăng giá heo hơi thêm 1.000 đồng/kg, đưa giá heo niêm yết tại công ty ở mức khoảng 68.500 đồng/kg.
Giá lợn hơi xuất chuồng tăng kéo theo giá thịt lợn cũng tăng phi mã. Tại chợ dân sinh trên địa bàn Hà Nội, giá thịt lợn dao động ở mức 130.000-170.000 đồng/kg tuỳ loại; riêng sườn non, lưỡi lợn giá đã tăng lên mức 180.000-200.000 đồng/kg.
Với mức giá thịt lợn như hiện nay, nhiều người tiêu dùng so sánh giá thịt lợn tại chợ còn đắt hơn thịt ba chỉ bò Mỹ. Bởi, trên thị trường, ba chỉ bò Mỹ giá dao động chỉ từ 169.000-189.000 đồng/kg, thậm chí nhiều nơi đang chạy khuyến mãi chỉ 149.000 đồng/kg.
Trước tình hình giá lợn hơi đang tăng phi mã, nhiều doanh nghiệp cung cấp cũng bày tỏ mong muốn tăng giá để phù hợp với tình hình thực tế. Điều này đã và đang khiến người tiêu dùng – đặc biệt là người có mức thu nhập không cao như lao động phổ thông, công nhân, người dân ở vùng nông thôn gặp khó khăn trong chi tiêu hàng ngày.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Xuân Dương, Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi, Bộ NN&PTNT vẫn tiếp tục khẳng định đó chỉ là hiện tượng cá biệt, giá chủ lưu vẫn ổn định ở mức 58.000 – 65.000 đồng/kg, trong đó, giá lợn hơi ở miền Bắc nằm trong khoảng 65.000 – 66.000 đồng/kg; giá lợn hơi miền Nam 60.000 – 61.000 đồng/kg.
Ông cũng khẳng định, có hiện tượng này là do trước đây các thương lái mua của nông hộ là chính, nay nông hộ hầu như không còn lợn, thì đương nhiên giá tăng; nhiều thương lái không tiếp cận được nguồn cung từ các doanh nghiệp lớn do họ bán theo xe, số lượng lớn, theo các mối cung cấp lâu năm.
Ngoài ra, việc thương lái “găm” hàng, “thổi” giá cũng khiến nhà cung cấp lao đao. Ông Bùi Đức Thành, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và sản xuất Nhật Nguyên, một trong những nhà cung cấp thịt lợn vào các chuỗi siêu thị cho biết, hiện các trang trại lớn có tâm lý “găm hàng” để tiếp tục chờ giá lên, càng khiến cho thị trường khó khăn. Ông bày tỏ: “Nhiều trang trại muốn giữ hàng lại, không muốn bán vì thị trường mỗi ngày tăng một giá, mà lợn càng to thì lại càng có lãi lớn. Chúng tôi cũng sốt ruột lắm”.
Về vấn đề giá thịt lợn hơi tăng chóng mặt, ông Nguyễn Xuân Dương cho rằng, giá thịt lợn hơi hiện tại là do người Việt kéo lên và chúng ta có thể kéo xuống được.
“Các doanh nghiệp như CP, DABACO... phải là người đầu tiên giảm giá xuống. Nếu cứ tăng như hiện nay thị trường sẽ bị phá vỡ. Hiện nay, chính người giết mổ nhỏ lẻ đang làm giá, chứ các doanh nghiệp có hệ thống giết mổ hiện đại không làm giá”- ông Dương khẳng định.
Theo thống kê, đàn lợn cả nước tháng 10/2019 giảm mạnh 20% so với cùng kỳ năm 2018, do chịu ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi. Tính đến ngày 22/10/2019, dịch tả lợn châu Phi xảy ra tại 8.296 xã thuộc 660 huyện của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương với tổng số lợn tiêu hủy gần 5,7 triệu con, tương đương với tổng trọng lượng hơn 327 nghìn tấn, trong đó có 3.681 xã thuộc 412 huyện của 56 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương dịch bệnh đã qua 30 ngày. |
Giá lợn hơi lập đỉnh 78.000 đồng/kg, giá bán lẻ đắt kỷ lục 150.000 đồng/kg |
Khủng khiếp giá thịt lợn tại chợ, đắt hơn cả thịt bò Mỹ |
Việt Nam có thể nhập khẩu thịt lợn cho Tết Nguyên đán 2020 |
Ngày đăng: 10:21 | 15/11/2019
/