Nguồn cung thịt lợn khan hiếm khiến giá thịt lợn không chỉ khó giảm mà còn liên tục lập đỉnh mới trong thời gian qua. Trong khi đó, việc tái đàn lợn trên cả nước đang gặp khó khăn do dịch tả lợn Châu Phi bùng phát trở lại ở nhiều nơi.
Tại hội nghị trực tuyến bàn giải pháp thúc đẩy chăn nuôi lợn sáng 6.5.2020, do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT), thông tin cho biết việc tái đàn lợn đang gặp khó khăn do dịch tả lợn Châu Phi bùng phát trở lại, nguồn cung thịt lợn khan hiếm khiến giá thịt lợn khó giảm.
Tính từ đầu tháng 3.2020 đến nay, giá thịt lợn đã liên tiếp tăng cao, tại các chợ dân sinh phổ biến ở mức 140.000-170.000 đồng/kg, cá biệt tại các siêu thị thịt ba chỉ, sườn non, nạc vai loại 1 giá trên 200.000 đồng/kg, ảnh hưởng lớn đến đời sống người tiêu dùng.
Trong thời gian qua, mặc dù 15 doanh nghiệp chăn nuôi lớn trong cả nước đã 2 lần giảm giá thịt lợn, mỗi lần giảm khoảng 5.000 đồng/kg, nhưng giá thịt lợn chỉ giảm được khoảng vài ngày, sau đó lại bùng tăng trở lại và neo ở mức cao. Có thời điểmg giá lợn hơi lên đến 95.000 đồng/kg.
Lý giải về nguyên nhân giá thịt lợn liên tiếp tăng cao, dù Chính phủ đã nỗ lực triển khai mọi giải pháp để đưa giá lợn hơi về 70.000 đồng/kg, theo Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT), dịch tả lợn Châu Phi đã khiến khoảng 26-30% tổng đàn lợn bị tiêu hủy. Thống kê cho thấy, đến nay tổng đàn lợn của cả nước đạt khoảng 24 triệu con, chỉ tương đương 74% so với tổng đàn lợn trước khi dịch tả lợn Châu Phi xâm nhiễm vào Việt Nam.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến của các doanh nghiệp chăn nuôi cho rằng, trên thực tế số lợn bị tiêu hủy cao hơn nhiều nhưng không được tính đến bởi nhiều hộ dân không khai báo mà tự tiêu hủy, hoặc vứt ra kênh, mương...
“Mặc dù Chính phủ và Bộ NNPTNT đã tìm mọi biện pháp để giảm giá thịt lợn, 15 doanh nghiệp chăn nuôi lợn lớn nhất nước đã giảm giá lợn hơi xuống 70.000 đồng/kg, nhưng các doạnh nghiệp này chỉ chiếm 35% thị phần chăn nuôi cả nước, không đủ sức can thiệp vào giá lợn cả nước” – ông Nguyễn Xuân Dương – Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi nhấn mạnh.
Nguồn tin từ Bộ NNPTNT cũng chỉ ra rằng, 65% thị phần chăn nuôi còn lại nằm ở các doanh nghiệp nhỏ, các gia trại, hộ nông dân nhỏ lẻ, chăn nuôi manh mún… khiến giá thành sản xuất cao, nên chưa thể giảm giá xuống.
Theo ông Phạm Mạnh Tuấn – Phó Tổng Giám đốc Anova Feed, mặc dù các doanh nghiệp tăng số đầu lợn bán ra, nhưng do nguồn cung đã giảm nên nhiều doanh nghiệp bán cả những con lợn có trọng lượng 70-80kg. “Đầu heo (lợn-PV) bán ra nhiều, nhưng sản lượng thấp sẽ khiến nguồn cung thêm khan hiếm, việc tái đàn gặp khó khăn” – ông Phạm Mạnh Tuấn nhấn mạnh.
Ngày 6.5.2020, giá sườn non lợn tại chợ dân sinh 170.000 đồng/kg, nhưng tại nhiều siêu thị giá lên tới trên 200.000 đồng/kg. Ảnh: Khánh Vũ
Được biết, mặc dù Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo nhập khẩu 100 nghìn tấn thịt lợn để cân đối nguồn cung, giảm sức tăng của thịt lợn, nhưng đến thời điểm này, chỉ mới có gần 50% số thịt lợn được nhập về Việt Nam, do các doanh nghiệp e ngại về thói quen ăn thịt “nóng” của người tiêu dùng Việt Nam. Nhiều doanh nghiệp lo lắng nếu nhập với số lượng lớn nhưng không tiêu thụ được sẽ ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của mình.
Theo Cục Thú y, đến nay số lượng thịt lợn nhập khẩu đã đạt trên 46,4 nghìn tấn, tăng trên 328% so với cùng kỳ năm 2019.
Giá thịt lợn đầu mối tăng nóng, tiểu thương khốn khổ vì ế ẩm, lỗ vốn
Ngày 19.4.2020, giá thịt lợn bán buôn tại các chợ đầu mối đã tăng thêm 6.000 đồng/kg,nguồn cung không nhiều. Các tiểu thương kinh doanh ... |
Giá thịt lợn chỉ có tăng mà không chịu giảm
Dù Thủ tướng Chính phủ và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã thực hiện nhiều biện pháp nhằm đưa giá thịt lợn ... |
Ngày đăng: 14:07 | 06/05/2020
/ laodong.vn