Bộ Xây dựng vừa có văn chỉ đạo các địa phương theo dõi sát diễn biến của thị trường thép, tránh bị tác động bởi các hiện tượng đầu cơ, thổi giá.

Theo Bộ Xây dựng, thời gian gần đây, giá nhiều vật liệu xây dựng có xu hướng tăng cao. Trong đó, giá thép tăng đột biến, không theo quy luật tăng thông thường, đã tác động tiêu cực đến các hoạt động đầu tư xây dựng.

Ngoài ra, tại nhiều địa phương, việc công bố giá vật liệu xây dựng còn chậm, biến động giá chưa được cập nhật kịp thời hoặc đã được cập nhật trong công bố giá vật liệu xây dựng của địa phương nhưng chưa bám sát diễn biến thị trường.

Trước tình hình trên, Bộ Xây dựng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo Sở Xây dựng phối hợp với các cơ quan liên quan thường xuyên theo dõi, bám sát diễn biến của thị trường để kịp thời cập nhật, điều chỉnh công bố giá vật liệu xây dựng, chỉ số giá xây dựng cho phù hợp mặt bằng giá thị trường, tránh bị tác động của các hiện tượng đầu cơ, thổi giá.

Giá thép tăng ‘nóng’, Bộ Xây dựng yêu cầu siết quản lý - 1
Giá thép tăng cao, Bộ Xây dựng chỉ đạo siết chặt quản lý.

Đối với các loại vật liệu chủ yếu, có biến động giá lớn, trường hợp cần thiết phải công bố giá vật liệu xây dựng hàng tháng hoặc sớm hơn, đáp ứng yêu cầu quản lý chi phí đầu tư xây dựng, hợp đồng xây dựng trên địa bàn.

Tổng hội Xây dựng Việt Nam, Hiệp hội các nhà thầu xây dựng Việt Nam, Hội Kinh tế Xây dựng Việt Nam cần tổng hợp, cung cấp các thông tin và kiến nghị của nhà thầu xây dựng (nếu có) và đề xuất các giải pháp để tháo gỡ.

Các Bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Tổng hội và các Hiệp hội chỉ đạo các đơn vị có liên quan phải ý kiến gửi về Bộ Xây dựng trước ngày 20/5 để báo cáo Chính phủ.

Thời gian gần đây, giá nhiều vật liệu xây dựng tăng 30 - 40% khiến nhà thầu đối mặt tình trạng "vỡ trận" vì dự án bị đội vốn quá cao, trong khi đó giá bán nhà cũng nguy cơ leo thang.

Theo khảo sát, so với cuối năm 2020, giá thép cuộn Hòa Phát tăng từ 14.570 đồng - 15.100 đồng/kg lên 16.800 đồng - 17.000 đồng/kg. Tương tự, thép Việt Đức, cũng tăng 14.800 đồng - 15.000 đồng/kg, lên 16.700 - 16.800 đồng/kg; thép Việt Ý tăng từ 14.760 đồng/kg lên ngưỡng 16.900 đồng/kg;...

Trong khi đó, giá xi măng trong nước cũng tăng từ 15% - 20%, chỉ trong 4 tháng đầu năm 2021. Cụ thể, xi măng Long Sơn, Hoàng Long tăng gần 40.000 đồng/tấn, có giá 1,34 - 1,41 triệu đồng/tấn. Xi-măng Hoàng Thạch tăng 30.000 đồng/tấn, có từ 1,2 - 1,55 triệu đồng/tấn. Xi-măng Phúc Sơn tăng tăng 40.000 đồng/tấn, có giá từ 1,37 - 1,42 triệu đồng/tấn...

Ông Vũ Kim Giang, Tổng giám đốc CTCP Đầu tư và Kinh doanh BĐS Hải Phát cho biết, giá vật liệu xây dựng tăng hiển nhiên kéo giá xây dựng cao hơn. Điều này cũng khiến doanh nghiệp phải xem xét việc điều chỉnh giá nhà và phải giải trình cho khách hàng hiểu. Tùy từng kết cấu công trình, giá nhà có thể tăng quanh mức 20%.

NGỌC VY

Cơn sốt thép ở Mỹ Cơn sốt thép ở Mỹ
Cảnh báo chiêu trò lách thuế chống bán phá giá thép Cảnh báo chiêu trò lách thuế chống bán phá giá thép

Ngày đăng: 07:55 | 13/05/2021

/ vtc.vn