Nối tiếp chính sách của chính quyền tiền nhiệm, chính quyền của tân Tổng thống Mỹ Joe Biden đang tiếp tục gia tăng mạnh sức ép với Trung Quốc ở Biển Đông để quyết răn đe, ngăn chặn tham vọng chủ quyền phi pháp trên vùng biển này - điều không chỉ đe dọa lợi ích chiến lược toàn cầu của Mỹ mà còn đe dọa an ninh, hòa bình và ổn định trong khu vực và trên thế giới.
Hai nhóm tàu chiến sân bay USS Theodore Roosevelt và USS Nimitz tập trận trên Biển Đông hồi tháng 2-2021 |
Răn đe tham vọng phi pháp, bảo đảm tự do hàng hải ở Biển Đông
Tạp chí News Week (Tuần tin tức của Mỹ) vừa dẫn báo cáo của tổ chức Sáng kiến Thăm dò Tình hình chiến lược Biển Đông (SCSPI) cho biết, Mỹ đã tạo “sức ép tối đa” lên Trung Quốc tại Biển Đông vào năm 2020 thông qua mức độ hiện diện “chưa từng có” của lực lượng hải quân và không quân. Các nhóm tác chiến hải quân và không quân Mỹ, với tàu sân bay, máy bay ném bom chiến lược và tàu ngầm hạt nhân thường xuyên xuất hiện tại Biển Đông trong năm 2020, “tạo ra sự răn đe chưa từng có nhằm vào Trung Quốc” ở Biển Đông, vùng biển mà Trung Quốc đơn phương đưa ra các yêu sách chủ quyền phi pháp.
Theo SCSPI, các nhóm tác chiến tàu sân bay USS Theodore Roosevelt, USS Nimitz và USS Ronald Reagan là những ví dụ điển hình về sự hiện diện quân sự mạnh mẽ của Mỹ ở Biển Đông năm 2020. Trong đó, cặp tác chiến tàu sân bay USS Nimitz và USS Ronald Reagan đã 2 lần tiến hành tập trận chung ở Biển Đông và lần đầu tiên sau nhiều năm cả 3 nhóm tác chiến tàu sân bay USS Theodore Roosevelt, USS Nimitz và USS Ronald Reagan cùng tham gia một cuộc diễn tập tại vùng biển này.
Mỹ cũng tăng cường các hoạt động giám sát và răn đe Trung Quốc trên vùng trời Biển Đông khi Bắc Kinh ráo riết quân sự hóa tại vùng biển này. Năm qua, máy bay Mỹ đã thực hiện gần 1.000 phi vụ trinh sát, giám sát trên Biển Đông, trong khi các máy bay ném bom chiến lược như B-52H, B-1B Lancer và máy bay tàng hình B-2 tiến hành 17 chiến dịch tập trận, diễn tập.
Đáng chú ý là Mỹ tiếp tục các “hoạt động tự do hàng hải” (FONOP) nhằm bác bỏ tuyên bố đòi chủ quyền đơn phương của Trung Quốc đối với các đảo, thực thể thuộc hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền hợp pháp của Việt Nam bị Trung Quốc cưỡng chiếm, xây dựng trái phép thành các đảo nổi nhân tạo - căn cứ quân sự. Điều này cho thấy, Mỹ gia tăng “mức độ sẵn sàng tác chiến của toàn bộ lực lượng” trong lúc lên kế hoạch đối phó với Trung Quốc.
Nhìn lại hoạt động của hải quân Mỹ ở Biển Đông thời gian qua, càng thấy sự gia tăng áp lực của Washington lên Trung Quốc tại vùng biển chiến lược mà Bắc Kinh leo thang các bước đi nguy hiểm để hiện thực hóa tham vọng chủ quyền phi pháp này. Mỹ từng cam kết thực hiện các hoạt động FONOP ít nhất 3 tháng 1 lần vào giữa những năm 2010, nhưng chỉ có 2 hoạt động được tiến hành vào năm 2015 và 1 vào năm 2016. Hoạt động này gia tăng dần đều dưới chính quyền Tổng thống Donald Trump với 4 lượt vào năm 2017, 6 lượt vào năm 2018, 8 lượt vào năm 2019 và 9 lượt vào năm 2020.
Giới chức Bộ Quốc phòng Mỹ nhấn mạnh, các yêu sách hàng hải bất hợp pháp ở Biển Đông gây ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với tự do trên biển, bao gồm quyền tự do hàng hải và hàng không, giao thương và tự do về cơ hội kinh tế cho các quốc gia ven Biển Đông; đồng thời cảnh báo Trung Quốc chớ “đơn phương áp đặt quyền kiểm soát đối với việc tự do đi lại ở Biển Đông”. Washington nêu rõ, việc tiến hành FONOP là cần thiết để kiềm chế tham vọng của Bắc Kinh và bảo vệ quyền lợi, lợi ích hợp pháp của các quốc gia nhỏ hơn có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông. Lầu Năm góc khẳng định, FONOP là phù hợp với luật lệ quốc tế và cam kết tiếp tục bảo vệ sự tự do trong hoạt động đi lại và thương mại trên biển.
Hành động mạnh mẽ vì hòa bình, ổn định, thịnh vượng
Hoạt động của các lực lượng Mỹ nhằm răn đe, ngăn chặn tham vọng chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông xem ra còn được tăng cường hơn nữa dưới thời chính quyền hiện nay của Tổng thống Joe Biden. Dù để ngỏ sự hợp tác với Trung Quốc nhưng tân Tổng thống Mỹ phần lớn vẫn áp dụng các biện pháp mạnh tay của chính quyền tiền nhiệm nhằm đối phó với những hành vi hung hăng, ngang ngược, bắt nạt của Trung Quốc tại các vùng biển ở châu Á, trong đó trọng tâm là Biển Đông.
Trong 30 ngày đầu đầu tiên cầm quyền của chính quyền Tổng thống Joe Biden, Mỹ đã tiến hành ít nhất 3 hoạt động hàng hải lớn tại các vùng biển gần Trung Quốc, trong đó có cả màn phô diễn sức mạnh quân sự được mô tả lớn nhất trong một thập kỷ qua. Trong chiến dịch vào đầu tháng 2-2021 này, hai biên đội tác chiến tàu sân bay USS Theodore Roosevelt và USS Nimitz cùng các loại máy bay chiến đấu của Mỹ đã diễn tập gần các đảo do Trung Quốc chiếm đóng trái phép ở Biển Đông.
Giới phân tích cho rằng, các động thái quân sự mới nhất của Mỹ diễn ra sau khi Tổng thống Joe Biden tuyên bố coi Trung Quốc là “đối thủ cạnh tranh nghiêm trọng nhất” của Mỹ và cáo buộc Bắc Kinh “tấn công trực diện vào hệ thống quản trị toàn cầu” được hình thành sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai. Có thể thấy chính quyền Tổng thống Joe Biden đang tiếp nối xu hướng, thậm chí có khả năng vượt qua chính quyền tiền nhiệm khi thực hiện các biện pháp thách thức yêu sách chủ quyền phi pháp của Trung Quốc.
Không chỉ tăng cường các hoạt động quân sự tại Biển Đông, chính quyền Tổng thống Joe Biden còn duy trì quan điểm ngoại giao cứng rắn với Trung Quốc. Mới đây nhất, Bộ Ngoại giao Mỹ đã bày tỏ sự quan ngại đối với Luật Hải cảnh mới mà Trung Quốc vừa thông qua, cáo buộc đây là một phần trong nỗ lực lớn hơn của Trung Quốc nhằm “khẳng định các yêu sách hàng hải trái pháp luật của nước này ở Biển Đông”.
Lên tiếng ngày 16-3 sau khi cùng Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin tới Nhật Bản trong chuyến thăm nước ngoài đầu tiên của các thành viên nội các hàng đầu trong chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cảnh báo, Trung Quốc không sử dụng các hành vi “cưỡng ép và gây hấn” để thực hiện yêu sách của mình trên Biển Đông. Người đứng đầu cơ quan hoạch định chính sách đối ngoại của Mỹ nhấn mạnh, hành vi của Trung Quốc không được phù hợp với trật tự quốc tế hiện có, đặt ra những thách thức chính trị, kinh tế, quân sự và công nghệ đối với Mỹ và các nước đồng minh và cộng đồng quốc tế.
Nhằm gia tăng thêm áp lực lên Trung Quốc ở Biển Đông, chính quyền Tổng thống Joe Biden còn thúc đẩy thêm các nỗ lực hợp tác với đồng minh. Chủ nhân mới của Nhà trắng đã nâng cấp đối thoại nhóm “Bộ tứ” (Quad, gồm Ấn Độ, Australia, Mỹ và Nhật Bản) lên cấp Thượng đỉnh. Trong cuộc họp Thượng đỉnh đầu tiên của “Bộ tứ” vào ngày 12-3 vừa qua, nhà lãnh đạo 4 cường quốc sau khi thảo luận về hành vi “hung hăng” và “áp bức” của Trung Quốc đã cam kết “hành động mạnh mẽ để hướng tới việc hiện thực hóa một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do, rộng mở, để đóng góp rõ ràng cho hòa bình, ổn định và thịnh vượng của khu vực”.
Mỹ tăng thách thức Trung Quốc ở Biển Đông dưới thời Trump
Hải quân Mỹ tăng tuần tra tự do hàng hải ở Biển Đông để thách thức yêu sách của Trung Quốc trong hai năm cuối ... |
Ngày đăng: 08:00 | 19/03/2021
/ anninhthudo.vn