Sầu riêng tăng giá nóng, trước khi sầu riêng thu hoạch 2 tháng các thương lái, 'cò' đất ồ ạt xuống các vườn để chốt cọc gây phân tâm cho người nông dân.

Đây là chia sẻ của ông Lê Anh Trung, Giám đốc đối ngoại của Tập đoàn Vạn Hòa Holding (TP.Hồ Chí Minh) - hoạt động chính trong các lĩnh vực xuất khẩu nông sản chính ngạch sang thị trường Trung Quốc - tại Diễn đàn “Nhận diện thực trạng liên kết tiêu thụ, xuất khẩu sầu riêng 2023 và giải pháp phát triển hiệu quả, bền vững ngành hàng sầu riêng Việt Nam”, diễn ra sáng 11/9.

'Cò' đất ồ ạt xuống các vườn để chốt cọc

Theo ông Lê Anh Trung, Giám đốc đối ngoại của Tập đoàn Vạn Hòa Holding (TP. Hồ Chí Minh), hiện nay Tập đoàn Vạn Hòa đã hoàn thiện hệ thống cơ sở đóng gói tại Đắk Lắk lên đến 30.000m2 với công suất hoạt động khoảng 100.000 tấn/năm. Những khách hàng của doanh nghiệp là các chuỗi - hệ thống siêu thị chợ đầu mối lớn nhất Trung Quốc.

sau-rieng202308241430491
Việt Nam có 246 mã số vùng trồng sầu riêng được Trung Quốc cấp chính ngạch

Để nâng cao năng suất, chất lượng xuất khẩu cho các mặt hàng nông sản, Tập đoàn Vạn Hòa cũng không ngừng củng cố, phát triển chuỗi logistics để vận chuyển hàng hóa nhằm tiết giảm được chi phí vận chuyển, tăng khả năng cạnh tranh trên thị thường.

Đối với vụ mùa tại Đắk Lắk năm nay, Tập đoàn Vạn Hoà đã có cam kết sẽ cung ứng khoảng 20.000 tấn sầu riêng với các đối tác và khách hàng Trung Quốc. Tuy nhiên, với mức giá sầu riêng tăng quá cao như hiện nay, một số đối tác, khách hàng của doanh nghiệp đã có động thái muốn cắt giảm đơn hàng.

Riêng đối với Tập đoàn Vạn Hòa, để duy trì cam kết và đảm bảo uy tín với các khách hàng, doanh nghiệp thậm chí phải chấp nhận bù lỗ sau mỗi chuyến hàng xuất khẩu. Với tình trạng trên, doanh nghiệp càng làm thì sẽ càng thua lỗ.

Do đó, việc duy trì cam kết với các đối tác cũng sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng và trong tương lai doanh nghiệp sẽ không thể bao tiêu sản phẩm cho người nông dân như đã cam kết.

le-anh-trung20230911114231
Ông Lê Anh Trung - Giám đốc đối ngoại của Tập đoàn Vạn Hòa Holding chia sẻ tại diễn đàn

Nêu thực trạng của ngành hàng sầu riêng tại khu vực miền Đông và Tây Nguyên, ông Lê Anh Trung cho biết, Tập đoàn đã xây dựng chính sách liên kết sản xuất với người nông dân, trong đó có chính sách đào tạo tập huấn, nâng cao năng lực sản xuất, xây dựng mã số vùng trồng, hỗ trợ vốn 50 triệu đồng/ha.

Trải qua các vùng miền Tây, miền Đông lên Tây Nguyên, đến giờ phút này ông Lê Anh Trung cho hay, kế hoạch liên kết thất bại hoàn toàn và doanh nghiệp đang phải đi thu hồi vốn hỗ trợ cho người nông dân.

“Nghề sầu riêng khác với nghề hồ tiêu hay cà phê. Sầu riêng là trái cây, đối với khu vực miền Tây, tình hình không biến động như tại khu vực miền Đông và Tây Nguyên do người nông dân tại đây có nghề và am hiểu về sầu riêng. Nông dân nhìn thấy lợi ích từ việc liên kết với doanh nghiệp xuất khẩu. Trước đây, việc liên kết sản xuất chỉ diễn ra với thương lái và vựa thu mua nhỏ lẻ, nhưng hiện nay nông dân có thể liên kết trực tiếp với các doanh nghiệp xuất khẩu”, ông Lê Anh Trung cho biết.

Tại khu vực miền Đông và Tây Nguyên, nhẽ ra, sẽ không có gì vướng mắc nhưng thực tế lại vướng mắc rất nhiều. Theo ông Trung, câu chuyện từ chính doanh nghiệp, đó là dù có hợp đồng bao tiêu liên kết, trong hợp đồng thu mua trước khi thu hoạch là 15 - 20 ngày, nhưng do giá cả tăng cao, trước đó 2 tháng các thương lái, 'cò' đất ồ ạt xuống các vườn để chốt cọc, nông dân không chịu được sức ép từ lời “ong bướm” từ các cò, gây phân tâm cho người nông dân.

Điều này xảy ra 2 tình huống, nếu giá lên thuận tự nhiên, việc mua bán vẫn diễn ra bình thường, nhưng khi giá xuống, thương lái, 'cò' đất sẽ đề nghị xuống giá. Nếu không xuống giá họ cứ duy trì vườn neo. Điều này chắc chắn sẽ gây ảnh hưởng tới nguời dân. Cuối cùng nông dân vẫn là người chịu thiệt thòi.

Ông Lê Anh Trung nêu vấn đề và cho biết trong quá trình Tập đoàn thu hồi vốn, 40% người nông dân hiểu vấn đề, mong công ty tiếp tục hợp tác, song chính sách liên kết thất bại sẽ rất khó khăn trong việc tiếp tục đầu tư.

Ông Nguyễn Hữu Chiến, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Tân Lập Đông, huyện Krông Búk, tỉnh Đắk Lắk đặt ra 3 vấn đề băn khoăn. Thứ nhất, một số đơn vị đứng chủ mã số vùng trồng nhưng chưa mua được sản phẩm từ mã số. Tuy nhiên, từ các mã vùng trồng này, một số đơn vị vẫn làm thủ tục xuất khẩu bình thường. Thứ hai, những mã số vùng trồng được làm chuẩn như nhật ký ghi chép, theo dõi, giám sát sinh vật gây hại… thì giá bán cũng ngang bằng, thậm chí thấp hơn những đơn vị khác. Thứ ba, việc tranh mua, tranh bán diễn ra thường xuyên. Các doanh nghiệp trong nước đang cạnh tranh nhau và tự thua trên sân nhà.

“HTX vấp phải tình trạng rất nhiều thương lái đến hỏi mua sầu riêng mà không quan tâm đến mã số vùng trồng. Tôi hỏi tại sao sản phẩm đi xuất khẩu mà không quan tâm đến mã số, thì họ vỗ vai nói là việc mua bán mã số vùng trồng giờ quá đơn giản”, ông Nguyễn Hữu Chiến dẫn chứng và đề nghị các cơ quan quản lý kiểm soát, giám sát chặt chẽ hơn nữa việc cấp, quản lý mã số vùng trồng.

Nhiều nơi làm nóng, làm quá trong quản lý mã số vùng trồng, gây khó cho doanh nghiệp xuất khẩu

Với khó khăn trên, ông Lê Anh Trung đề xuất các cơ quan chức năng, Hiệp hội sầu riêng Đắk Lắk tổ chức tuyên truyền để người dân biết giá trị thực sự của quả sầu riêng. Đồng thời, tổ chức hướng dẫn, tập huấn thêm kiến thức, kỹ thuật chăm sóc cây sầu riêng cho tất cả bà con nông dân. Từ đó, mới ổn định giá cả, chất lượng, giúp cho doanh nghiệp và người nông dân an tâm sản xuất, thu mua, như vậy thì ngành sầu riêng mới phát triển được bền vững và lâu dài.

Bên cạnh đó, ông Trung cũng nhấn mạnh vai trò của báo chí, truyền thông trong việc tuyên truyền trong liên kết sản xuất giữa người nông dân và doanh nghiệp.

Về mã số vùng trồng, hiện một số địa phương đang làm nóng, làm quá vấn đề về mã vùng trồng, nhiều nơi hiểu sai về việc này và dẫn đến tình trạng các xã phân chia doanh nghiệp này thôn này, doanh nghiệp kia thôn kia. Việc này dẫn đến tình trạng doanh nghiệp sẽ không cần xây dựng chính sách liên kết tốt với người dân. Nghị định 98/2018/NĐ-CP về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp sẽ không còn ý nghĩa.

Bên cạnh đó, cần xây dựng tiêu chuẩn ngành hàng, vùng nào trồng được sầu riêng, giống gì, cách thức thu hoạch ra sao,… Dựa trên các tiêu chuẩn này để các địa phương xây dựng kế hoạch vùng trồng. Ngoài ra, vấn đề liên kết cần được các bên nhìn nhận nghiêm túc hơn, chính sự yếu kém trong việc liên kết khiến các doanh nghiệp thua ngay trên sân nhà chứ chưa cần nói đến thị trường xuất khẩu.

Ông Vũ Đức Côn - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chủ tịch Hiệp hội Sầu riêng Đắk Lắk - cho biết, hiện 34 tỉnh trên cả nước đã trồng sầu riêng, trong đó có 3 tỉnh trồng trên 10.000ha. "Ngay cả một số tỉnh như Lào Cai, Sơn La cũng thử nghiệm loại cây được xem là “vua của các loại quả”. Tính tổng, sản lượng cả nước ước khoảng 900.000 tấn. Đặc biệt, vụ thu hoạch sầu riêng được rải khá đều, từ Nam bộ lên Tây Nguyên, rồi Duyên hải miền Trung", ông Vũ Đức Côn nhấn mạnh.

Ông Lê Minh Hoan - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Mã số vùng trồng mới dừng ở việc khuyến khích mà chưa bắt buộc, nên tiến tới đây sẽ là yêu cầu bắt buộc. Tất cả phải đi vào tiêu chuẩn, quy chuẩn, không còn tình trạng tự phát. Muốn làm được điều này, trước tiên chính quyền địa phương phải thay đổi tư duy.

Bên cạnh đó, cần tạo được sự kết nối chặt chẽ giữa doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất với nhau. Bởi lẽ, ngày nào chưa làm được điều này vẫn là tư duy thuận mua vừa bán chứ chưa phải tư duy hợp tác. Bên cạnh đó, phải nhận thức rõ phát triển bền vững ở đây không phải là cây sầu riêng bền vững mà là con người tham gia vào chuỗi ngành hàng sầu riêng bền vững.

Ngày đăng: 13:54 | 11/09/2023

Nguyễn Hạnh / Báo Công Thương